Friday, March 14, 2014

Các “ông chủ” lũng đoạn ngân hàng Việt Nam

HÀ NỘI (NV) .- Hệ thống ngân hàng thương mại ở Việt Nam có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào vì bị các ông chủ lũng đoạn trong khi Ngân hàng Nhà nước bó tay, không thể kiểm soát.


13 bị cáo trong vụ án tham nhũng, lừa đảo tại Chi nhánh Đắk Lắk – Đắk Nông của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Cựu giám đốc chi nhánh này mới bị kết án tử hình vì giả hồ sơ, giúp 2 hai công ty tư nhân chiếm đoạt của ba ngân hàng khoản tiền lên tới 930 tỷ đồng. (Hình: Kiến Thức)


Đó là nhận định của một chuyên gia kinh tế trong cuộc trò chuyện với báo điện tử VnEconomy. Chuyên gia yêu cầu ẩn danh này khuyến cáo, “cần đưa ngay các ông chủ tư nhân ra khỏi ngân hàng”. Chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, nợ xấu (những khoản nợ đã cho vay nhưng không có khả năng thu hồi) của hệ thống ngân hàng tiềm ẩn nhiều mối họa khôn lường.

Ngoài nợ xấu phát sinh từ những khoản vay của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có khá nhiều tập đoàn tư nhân, công ty tư nhân đang biến hệ thống ngân hàng thành “con tin” vì liên tục tạo ra các dự án để vay tiền bù đắp cho sự thiếu hụt vốn. Những tập đoàn tư nhân, công ty tư nhân này thường thuộc quyền sở hữu của các ông chủ ngân hàng. Không ít ông chủ lấy tiền tay trái cho tay phải vay.

Trong cuộc trò chuyện, chuyên gia kinh tế yêu cầu ẩn danh cho rằng, với thực trạng như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khó mà có thể cải cách hệ thống tổ chức tín dụng. Ông này tiết lộ rằng, một số công ty kiểm toán quốc tế từng cho ông ta biết là đã tìm hiểu về những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Họ thấy dòng tiền của những tập đoàn này đều tắc.

Đa số đang tồn tại nhờ nguồn tiền vay từ các ngân hàng. Trong khi các số liệu về những khoản vay rất mù mờ, thiếu minh bạch. Thành ra, ít ai biết các ông chủ ngân hàng thương mại đang rút tiền dân chúng tiết kiệm để gửi cho họ, rót cho những công ty do họ lập ra thế nào.

Những cảnh báo vừa kể tương đồng với nhận định của một chuyên gia kinh tế khác: ông Trần Du Lịch - Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội của Sài Gòn. Ông này chia các doanh nghiệp tại Việt nam thành ba loại. Một loại chỉ làm ăn với ngành nghề chính, có hiệu quả và nay đang được các ngân hàng ve vãn, mời vay tiền. Một loại khác là những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đã cố gắng cầm cự, đang quyết tâm phục hồi hoạt động. Loại thứ ba đã chết hẳn do kinh doanh theo kiểu “đứng núi này, trông núi kia”, dính sâu vào bất động sản, tạo ra những khoản nợ xấu khổng lồ đối với hệ thống ngân hàng, chỉ cần một tập đoàn, công ty loại này sụp đổ là ngân hàng… đi luôn. Nhiều ông chủ ngân hàng không chịu “chôn” các tập đoàn, công ty vốn đã chết của mình mà tiếp tục cho vay để lấy vốn vay trả các khoản nợ đang thiếu.

Sốt ruột trước những rủi ro tiềm ẩn, có thể trở thành tai họa bất kỳ lúc nào, ông Lê Xuân Nghĩa, một chuyên gia kinh tế khác, bảo rằng, để chấm dứt tình trạng các ông chủ đang lũng đoạn hệ thống ngân hàng, cần cương quyết yêu cầu họ thoái vốn, “mời” họ ra khỏi ngành ngân hàng.

Ông Trần Du Lịch khuyến cáo, tình trạng các ông chủ lũng đoạn ngân hàng là “tồn đọng thuộc về lịch sử”. Không thể làm mạnh vì sẽ “vỡ cả hệ thống”. Thành ra cần “mời” các ông chủ này ra ngoài ngồi. Không làm được như thế thì không thể cải cách hệ thống tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên ông Vũ Đình Ánh, một chuyên gia kinh tế đang làm việc tại Bộ Tài chính, không tán thành những ý kiến vừa kể. Ông Ánh khẳng định, chính quyền không thể dùng các biện pháp hành chính để loại bỏ các ông chủ ở một số ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước vốn được giao trọng trách giám sát, thanh tra thành ra có trách nhiệm phải nắm được tỷ lệ sở hữu thực sự của các cổ đông/nhóm cổ đông nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng tiền của dân vào những dự án riêng.


Theo ông Ánh, Việt Nam hiện chỉ có hơn 100 tổ chức tín dụng, không kể những ngân hàng thương mại mà chính quyền nắm cổ phần chi phối, số ngân hàng thương mại hoạt động hoàn toàn bằng vốn của tư nhân chỉ có 37, thành ra việc kiểm soát sẽ không quá khó khăn. Nếu Ngân hàng Nhà nước không kiểm soát được thì Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm. 

No comments:

Post a Comment