Saturday, March 22, 2014

Sát nhập vào Nga, dân Crimée kẻ mừng người lo


Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sát nhập vùng tự trị Crimée vào Nga hôm 21/03/2014.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sát nhập vùng tự trị Crimée vào Nga hôm 21/03/2014.-REUTERS/Sergei Chirikov/Poo

RFI-Lê Vy-Thứ bảy 22 Tháng Ba 2014
Các nhật báo Pháp hôm nay 22/03/2014 tiếp tục bình luận việc sát nhập vùng Crimée vào Nga và các hành động trừng phạt của cả hai bên phương Tây và Nga. Trang nhất nhật báo Le Monde chạy tựa : « Nga : Obama trừng phạt nhưng Châu Âu ngập ngừng.
Riêng trang trong tờ Le Monde có bài viết phân tích đáng chú ý về những người rất gắn bó với chế độ Kiev và tộc người thiểu số Tartar tại Crimée qua bài viết : « Đằng sau vẻ hưng phấn, một bộ phận người Crimée lo sợ trở thành người Nga ».

Theo tờ báo, dân chúng tại Crimée không hoàn toàn phấn khởi khi trở thành dân Nga. Cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/03/2014 về việc tách vùng tự trị Crimée ra khỏi Ukraina và sát nhập vào Nga với số lá phiếu ủng hộ rất cao, y như thời Liên Xô. Tuy nhiên, cũng rất đông người Crimée tẩy chay bỏ phiếu vì cho là không hợp lệ. Đó chính là trường hợp của tộc người thiểu số Tartar theo đạo Hồi (12% trên tổng số 2 triệu dân Crimée), hay là những người Crimée còn rất gắn bó với Ukraina, từ chối trở thành công dân của Nga (25% dân số Crimée).
Những người không tán thành sát nhập Crimée vào Nga dự định sẽ bỏ xứ ra đi. Họ không tin rằng đời sống của họ sẽ được nâng cao, tham nhũng sẽ bị bài trừ, nhân quyền sẽ được duy trì và cuộc sống của họ sẽ tươi đẹp hơn dưới chế độ Putin. Đó là những người không muốn gửi con em mình đi nghĩa vụ quân sự cho Nga tại Daghestan hay tại Tchechnia, là những người cho rằng cuộc trưng cầu dân ý là gian lận, được tổ chức dưới sự đe dọa của quân đội Nga. Ngoài ra, tộc người thiểu số Tartar vẫn còn rùng mình về những ký ức một thời bị lưu đày. Những người dù cho sinh ra là người Nga hay người Ukraina đều ý thức mình là người Ukraina từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, luôn hãnh diện về sự độc lập và thấy hạnh phúc khi sống trên đất nước của mình.
Bài báo mô tả, không khí lễ hội vẫn nhộn nhịp tại Sébastopol cũng như Simferopol, thủ phủ vùng Crimée. Cờ Nga bay phất phới khắp nơi. Đương nhiên là 60% người Nga và thân Nga tại Crimée thì lấy làm vui mừng và thở phào nhẹ nhõm khi được sát nhập vào Nga, vì họ luôn chống lại phong trào trên quảng trường Maidan tại Kiev và luôn ám ảnh bởi « sự xâm lấn của Ukraina ». Thế nhưng, ngày hội tại Crimée cũng có mặt trái : 40% dân không muốn sát nhập vào Nga. Họ lo sợ và không nói ra. Họ chỉ được lựa chọn giữa một là ở lại Crimée và chấp nhận thành dân Nga, hai là bỏ xứ ra đi.
Bài báo trích ví dụ Anya, một công dân Crimée đã khóc khi xem trên truyền hình giây phút Tổng thống Putin ký hiệp định sát nhập Crimée vào Nga. Cho đến lúc này, bà vẫn còn muốn tin rằng Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ cản trở Tổng thống Putin đi đến cùng. Bà sinh ra tại Ukraina và luôn muốn là người Ukraina và từ chối hộ chiếu Nga. Ngày mà người ta áp đặt bà phải dùng hộ chiếu Nga thì bà sẽ ra đi. Cả gia đình bà cũng đã chuẩn bị hành lý.
Còn tộc người thiểu số Tartar thì không ra đi, nhưng theo Moustapha Asaba, lãnh đạo của tổ chức đại diện người Tartar tại Crimée nhận định : « Ukraina cũng chẳng phải là giấc mơ của chúng tôi, nhưng sát nhập vào Nga còn tệ hơn. Đó là chế độ độc tài, không phải là nền dân chủ. Đất đai là của chúng tôi. Chúng tôi không để bất kỳ ai chiếm lấy. Nếu họ muốn xung đột với chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng đổ máu ». Nguyên nhân là do tân chính quyền Crimée muốn lấy một phần đất của người Tartar nhằm phục vụ cho những nhu cầu xã hội.
Những người sẽ ra đi đầu tiên hàng loạt là quân nhân Ukraina. Ukraina đã cho phép đánh trả bằng vũ lực nhưng lại tổ chức rút quân. Từ đó, bài báo đặt câu hỏi : « Đổ máu để làm gì trong khi cuộc đấu đã bị thua ? »
Pháp : một ngày trước bầu cử địa phương
Trở lại thời sự tại Pháp, các nhật báo bình luận không khí một ngày trước kỳ bầu cử địa phương. Nhật báo Le Monde chạy tựa trên trang nhất : « Nicolas Sarkozy la làng nhằm huy động sự ủng hộ của cánh hữu ». Le Figaro nhấn mạnh trên trang nhất : « Sarkozy làm nóng bầu cử vòng một ».
Trang bên trong tờ Le Figaro đăng bài : « Sarkozy làm cánh tả bối rối và thách thức Tổng thống Hollande ». Bài báo của cựu Tổng thống Sarkozy mới đăng hôm qua trên tờ Le Figaro bị chính phủ lên án gay gắt, cựu Tổng thống Sarkozy trở thành tâm điểm của mọi tranh luận.
Nhật báo Libération đánh giá kỳ bầu cử địa phương lần này bị « làm ô uế » bởi các vụ việc xung quanh cựu Tổng thống Sarkozy. Tờ báo tự hỏi, liệu bài báo của cựu Tổng thống Sarkozy có làm các cử tri vào ngày mai không còn quan tâm những vấn đề địa phương ?
Nhật báo Công giáo La Croix thì kể cho độc giả về « một ngày làm việc của thị trưởng », trong khi nhật báo Le Parisien Aujourd’hui en France mời gọi độc giả khám phá « cuộc sống thật sự của một vị thị trưởng » hay cụ thể hơn là cuộc sống thường nhật của 36 000 thị trưởng tại các thành phố, làng xã Pháp. Họ tham gia các hoạt động ở hội đồng thành phố, bắt tay dân chúng, quan khách, tặng hoa cho các cụ già trăm tuổi, chủ trì các cuộc họp, tuyển dụng nhân viên cho tòa thị chính. Đối với đa số thì đó là một cuộc sống điền viên, thân mật.
Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia đang trên đà tấn công
Về phần mình, trang nhất tờ tạp chí L’Express chạy tựa : « Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia đang trên đà tấn công » và dành một hồ sơ lớn phân tích sự lớn mạnh và chiến lược chinh phục các đơn vị hành chính địa phương tại Pháp.
Theo tạp chí này, lịch sử của Đảng Mặt trận Quốc gia FN được xây dựng theo truyền thống cha truyền con nối xuất phát từ dòng họ Le Pen và chỉ có vài cái tên quen thuộc như Jean-Marie, Marine, Marion. Trong tương lai, đội hình của đảng cực hữu sẽ được vẽ lại với hơn một nghìn ủy viên hội đồng thành phố được phân bổ trên hơn 500 địa phương.
Một số thành phố như Hénin-Beaumont phía Bắc, Saint-Gilles và Fréjus phía Nam nước Pháp có khả năng sẽ bầu ra thị trưởng thuộc đảng cực hữu. Đảng Mặt trận Quốc gia của gia đình Le Pen không chỉ chinh phục các làng xã địa phương mà còn cả hệ tư tưởng. Nicolas Bay, thuộc đảng FN, giám đốc quốc gia về chiến lược tranh cử địa phương, tập trung đánh vào bốn vấn đề nổi cộm trong xã hội Pháp hiện nay: Đó là thuế khóa, nhập cư, mất an ninh, bất công. Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia tự cho mình là « chẳng thuộc cánh hữu lẫn cánh tả ».
Ngoài ra, tạp chí ghi nhận một số cựu đảng viên UMP giờ đây quy tụ dưới lá cờ đảng Mặt trận Quốc gia làm cho Đảng này lớn mạnh về số đảng viên và đây được xem là chiến thắng mang tính chiến lược của đảng gia đình Le Pen. Không chỉ dừng lại ở đó, tư tưởng của đảng cực hữu cũng lan tràn khắp nơi làm việc, tại các công ty, công xưởng. Các công đoàn khó mà ngăn cản ngọn gió Mặt trận Quốc gia bùng phát.
Sách điện tử sẽ đi đến đâu ?
Trên lĩnh vực kinh tế, tạp chí Le Nouvel Observateur có bài viết đề tựa : « Sách điện tử sẽ đi đến đâu ? ». Sách điện tử, máy tính bảng để đọc sách hiện đang rất thịnh hành tại Hoa Kỳ, loại hình này đang làm thay đổi thị trường đọc sách tại Pháp. Vào năm 2014, lần đầu tiên, sách điện tử được bán ra nhiều hơn sách in truyền thống. Nguyên nhân đơn giản chỉ vì giá thành sách điện tử rẻ hơn sách in truyền thống.
Một nhà xuất bản sách cho rằng, ai tiên đoán là sách in truyền thống sẽ bị tận diệt để nhường chỗ cho sách điện tử là nhầm. Bởi vì sách điện tử chỉ phù hợp với một số loại sách như truyện trinh thám, viễn tưởng, hư ảo, lãng mạng, truyện mạo hiểm miền Tây, nói chung là thị trường giải trí bình dân nhưng nó không chiếm được chỗ đứng trong văn chương sắc bén.
Tại Châu Âu, sách điện tử đang trên đà phát triển nhanh chóng : +200% theo ATKerney. Thị trường Pháp vẫn còn phát triển chậm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Pháp cũng đang dần đuổi kịp và ngày nay, sách điện tử chiếm một chỗ đứng quan trọng. Theo ông Gabriel Giraud, phân tích gia tại viện nghiên cứu kinh tế Xerfi thì sách điện tử là mặt hàng duy nhất đang tăng trưởng cao…trong khi thị trường sách in giảm trong bốn năm liên tục. Động cơ thúc đẩy tăng trưởng đầu tiên là do người dân ngày càng sử dụng nhiều máy tính bảng, điện thoại thông minh, dễ dàng truy cập sử dụng sách điện tử. Động cơ thứ hai là số người Pháp chấp nhận sách điện tử cũng tương đối lớn. 15% người Pháp ở tuổi từ 15 trở lên đều có một cuốn sách điện tử.
Công ty Trung Quốc bị cáo buộc ăn cắp công nghệ
Mục kinh tế trên báo Le Monde thì quan tâm đến vụ công ty hóa dầu Thụy Sĩ Ineos cáo buộc công ty Trung Quốc Sinopec ăn cắp công nghệ. Theo đó, công ty Thụy Sĩ đang tiến hành hai hồ sơ tố tụng chống lại tập đoàn sản xuất dầu hỏa của Trung Quốc.
Theo tờ báo, việc sao chép bản quyền rất phổ biến tại Trung Quốc. Tập đoàn hóa dầu Ineos không phải là công ty đầu tiên cáo buộc công ty Trung Quốc vi phạm bản quyền. Vào năm 2007, tập đoàn Danone của Pháp đã cáo buộc đối tác Trung Quốc là Wahaha bán y chang các sản phẩm của mình thông qua khoảng 60 xưởng sản xuất và công ty của Trung Quốc. Cuộc tranh cãi kéo dài trong vòng hai năm cho đến khi Danone giải quyết vào năm 2009 bằng cách bán 51% cổ phần công ty chung cho đối tác Trung Quốc. Chủ tập đoàn Wahaha hả hê với chiến thắng và nói : « Trung Quốc là một quốc gia cởi mở ».
Qua các vụ việc trên, Trung Quốc vẫn nói họ coi trọng nhất là luật về quyền sở hữu trí tuệ. Trước mặt Tổng thống Obama vào ngày 8/6/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đảm bảo rằng, luật bản quyền này không chỉ là « nghĩa vụ của Trung Quốc thực hiện cam kết với quốc tế, mà còn là một sự cần thiết để xây dựng một đất nước theo hướng đổi mới công nghệ ». Thế nhưng, trên thực tế thì vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ không phải là đề tài được lưu tâm trong xã hội.

No comments:

Post a Comment