Saturday, March 22, 2014

Chạy trường!

23/03/2014 08:30 (GMT + 7)

Bị cáo chỉ quen với một người chạy xe ôm ở khu vực gần Trường ĐH Võ Trường Toản
TT - Sự đời, một người trình độ đại học lại đi nhờ một người mới học lớp 1 “chạy” giùm (cho con) vào trường đại học...
Ngày 13-3, TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ mở phiên sơ thẩm xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Nguyễn Văn Phúc.
Theo hồ sơ vụ án, Phúc biết bà P.T.H. có hai con vừa thi rớt Trường đại học Y dược Cần Thơ và đang muốn lo cho con vào học ngành dược của Trường đại học Võ Trường Toản. Từ đó Phúc nảy sinh ý định lừa gạt.
Dù không quen biết ai nhưng Phúc nói là có thể “chạy” cho hai con bà H. vào trường này với giá 200 triệu đồng. Bà H. đã đưa trước cho Phúc 100 triệu đồng.
Sau đó xem thông báo không thấy tên hai con trong danh sách trúng tuyển nên bà đòi lại tiền. Phúc chỉ trả lại 35 triệu đồng rồi bỏ trốn lên Sài Gòn, hai năm sau thì bị bắt theo lệnh truy nã...
Tại tòa, bị cáo 43 tuổi này trình bày là quen với bác sĩ H. (em rể bà P.T.H.) sáu năm trước khi đưa mẹ đi điều trị ở Bệnh viện 121.
Bác sĩ H. chữa trị rất tận tình nên bị cáo mang ơn rồi quen thân. Bị cáo bào chữa: “Nghe bác sĩ H. hỏi có quen ai trong Trường đại học Võ Trường Toản để gửi hai đứa cháu nên bị cáo nhận lời với suy nghĩ trả ơn cho bác sĩ”.
Tuy nhiên khi tòa hỏi bị cáo quen với ai trong trường đại học và có nhờ vả “chạy” chưa, bị cáo trả lời rằng chỉ quen với một người chạy xe ôm ở khu vực gần trường, nhưng khi bị cáo nhờ “chạy” thì người xe ôm trả lời không “chạy” được.
Hội đồng xét xử truy:“Vậy tại sao bị cáo còn hứa với bị hại là “chạy” được, rồi lấy tiền bị hại?”. Đến lúc này bị cáo mới thừa nhận bởi cần tiền nên mới làm như vậy.
Riêng bị hại khi được hội đồng xét xử hỏi tại sao không liên hệ trực tiếp với trường đại học để biết điểm xét tuyển mà lại nhờ vả, chạy chọt làm chi để giờ ra như thế này, bị hại trả lời rằng con bà tuy thi rớt vào Trường ĐH Y dược Cần Thơ nhưng có số điểm cũng cao là 18. Tuy nhiên, sợ có nhiều thí sinh có cùng điểm cao nên bà mới nhờ “chạy”.
Kiểm sát viên phân tích nếu con bà không vào ngành này thì có thể vào ngành khác. Bà nghĩ sao nếu con chưa đủ thực lực nhưng bà cố “chạy” cho con vào học ngành dược, ngành này bào chế thuốc, liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Mà giả sử thời điểm đó bà “chạy” được nhưng mai mốt nếu sự việc bị phát hiện thì hậu quả như thế nào, bà có nghĩ tới không? Ngoài việc mất tiền, bà còn có thể đối diện với những hậu quả khôn lường khác.
Bị hại nói rằng mình cũng rút ra bài học kinh nghiệm trong chuyện này nên năm sau đã cho con luyện thi và con bà đã đủ điểm đậu vào Trường đại học Y dược Cần Thơ.
Hội đồng xét xử tuyên Phúc 2 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phải trả lại cho bị hại số tiền 65 triệu đồng mà bị cáo đã chiếm đoạt.
Khi bị cáo bị dẫn giải ra xe tù, người mẹ tuổi gần 70 cố bước theo dặn dò con mình rằng bà giờ yếu lắm, lại ở khá xa nên chắc không thể vô trại giam để thăm bị cáo được, nhớ viết thư gửi về thăm bà để bà biết được tin tức về con.
Nghe vậy người con buồn bã nói mình mới học lớp 1, mặt chữ từ lâu đã quên hết rồi, thôi để nhờ mấy người bạn tù cùng phòng viết giùm...
MINH TÂM

No comments:

Post a Comment