Saturday, March 22, 2014

JTC (Nhật) hối lộ lãnh đạo đường sắt VN hơn 700.000 USD?

23/03/2014 07:43 (GMT + 7)
TT - Tờ nhật báo lớn nhất nước Nhật Yomiuri Shimbun đã tung ra một thông tin chấn động: chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã hối lộ cho một vài lãnh đạo ngành đường sắt VN hơn 700.000 USD.
 Bộ GTVT đã nắm thông tin và yêu cầu rà soát
Đồ họa của Yomiuri Shimbun
Báo Yomiuri Shimbun hôm 21-3 đưa tin ông Tamio Kakinuma - chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) - thừa nhận tập đoàn này đưa hối lộ khoảng 100 triệu yen (978.300 USD) cho lãnh đạo ngành đường sắt các nước VN, Uzbekistan và Indonesia, nhằm giành được các hợp đồng tư vấn thiết kế cho những dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật Bản ở các nước này.
Ông Kakinuma, 65 tuổi, đã ký vào biên bản lời khai sau khi bị tổ điều tra thuộc văn phòng công tố Tokyo thẩm vấn, dù ông khẳng định bản thân ông không hề biết về tình trạng hối lộ này.
Theo các nguồn tin am hiểu sự việc, ông Kakinuma tự đến văn phòng công tố hôm 18-3 và đã khai chi tiết về thời gian cũng như số tiền cụ thể mà JTC đút lót cho các quan chức trên.
Báo Yomiuri Shimbun cho biết văn phòng công tố Tokyo sẽ mở cuộc điều tra hình sự vụ hối lộ này, với tội danh vi phạm luật phòng chống cạnh tranh không công bằng của Nhật Bản ở nước ngoài.
Hành vi đưa hối lộ của JTC đã bị Cục Thuế khu vực Tokyo phát hiện từ tháng 4-2013, khi cơ quan này mở cuộc thanh tra báo cáo thuế của doanh nghiệp này.
Cục Thuế Tokyo phát hiện trong báo cáo của JTC xuất hiện những khoản thanh toán trái phép trị giá khoảng 100 triệu yen trong thời gian từ tháng 2-2008 đến tháng 2-2012. Các khoản này được liệt kê vào phí dịch vụ của tập đoàn.
Kỳ thực, JTC đã chia nhỏ khoản tiền này và đưa hối lộ đến 40 lần cho các lãnh đạo đường sắt ba nước nói trên.
Sau lần này, JTC bị phạt 40 triệu yen (391.320 USD) với cáo buộc “khai man chi phí doanh nghiệp”. Ngoài ra, Cục Thuế khu vực Tokyo phát hiện thêm JTC còn khai man 30 triệu yen khác, trong đó có 10 triệu yen đã được trao tay các lãnh đạo ngành đường sắt ba nước trên ngay khi cuộc thanh tra thuế đang diễn ra.
Theo lời khai của ông Kakinuma, JTC chi các khoản đút lót tương ứng với giá trị hợp đồng mà tập đoàn này nhận được.
Cụ thể, họ đã lót tay khoảng 80 triệu yen (782.640 USD) cho các quan chức đường sắt VN trong dự án trị giá 4,2 tỉ yen (41 triệu USD), 30 triệu yen cho các quan chức phụ trách ba dự án trị giá 2,9 tỉ yen ở Indonesia và khoảng 20 triệu yen cho các quan chức có quyền quyết định dự án trị giá 700 triệu yen ở Uzbekistan.
Theo báo Yomiuri Shimbun, bốn dự án đường sắt vốn ODA của Nhật ở nước ngoài mà JTC đã lót tay cho các quan chức nước sở tại đều liên quan đến thiết kế xây dựng đường sắt, thăm dò xây dựng và các dịch vụ khác.
JTC được cho là đã đút lót năm người, trong đó có một lãnh đạo thuộc văn phòng quản lý dự án tại Tổng cục Đường sắt VN, một lãnh đạo thuộc ban giám đốc ngành đường sắt của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Indonesia và một lãnh đạo phụ trách dự án tại Tập đoàn đường sắt Temir Yollari của Uzbekistan. Song danh tính những người này không được tiết lộ.
* Về thông tin nói trên của báo Yomiuri Shimbun, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 22-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT đã tiếp nhận thông tin báo nêu về việc đưa hối lộ có liên quan đến ngành đường sắt VN.
“Thông tin báo nêu thì lãnh đạo bộ cũng đã nắm được. Bộ GTVT cũng đã yêu cầu rà soát lại đối với các đơn vị có liên quan” - ông Đông nói.
Theo ông Đông, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu phải rà soát cụ thể về thời gian, thời điểm, những người theo dõi, phụ trách trong thời gian đó.
Theo tìm hiểu, JTC có tên trong khá nhiều dự án về cơ sở hạ tầng ở VN. Năm 2005, liên danh của công ty này với Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) và Công ty Dịch vụ kỹ thuật đường sắt Nhật Bản (JTC - PCI - JARTS) đã cung cấp gói dịch vụ tư vấn về nâng cao an toàn cầu, đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP.HCM cho Tổng công ty Đường sắt VN.
Hợp đồng tư vấn trị giá gần 150 tỉ đồng có nội dung liên danh JTC - PCI - JARTS sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn cả gói bao gồm khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật; giám sát thi công các công trình và hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cơ sở hạ tầng của Tổng công ty Đường sắt VN. Hợp đồng được thực hiện trong 56 tháng.
Năm 2009, liên danh tư vấn VN - Nhật Bản (VJC) gồm Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (TRICC) cùng ba đối tác của Nhật là JTC, Công ty Dịch vụ kỹ thuật đường sắt Nhật Bản (JARTS) và Công ty Nippon Koei (NK) đề xuất lựa chọn công nghệ Shinkansen của Nhật để xây dựng đường sắt cao tốc ở VN.
M.LOAN - X.LONG - H.GIANG - C.V.K.
Vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ cũng được phát hiện từ báo Nhật
Ngày 25-6-2008, nhật báo Yomiuri lần đầu tiên đăng tin cơ quan điều tra của Nhật đang điều tra bốn cựu quan chức Nhật Bản tại Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI, trụ sở chính tại Nhật) về những vụ gửi tiền hối lộ cho các viên chức chính phủ ở Đông Nam Á để nhận được các dự án từ nguồn vốn ODA. Trong đó có vụ đưa 20 triệu yen Nhật (khoảng 200.000 USD) tiền mặt cho các quan chức tại VN.
Cũng theo các thông tin tiếp theo trên tờ Yomiuri, ngày 25-8-2008, phía Nhật Bản đã truy tố bốn cựu quan chức của PCI về việc đưa tiền cho quan chức VN để được thắng thầu trong dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM, đồng thời ủy thác tư pháp, đề nghị VN phối hợp điều tra vụ tiêu cực này.
Sau khi tiếp nhận thông tin trên, cơ quan điều tra Bộ Công an đã vào cuộc, khởi tố vụ án tiêu cực tại Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM và khởi tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, kiêm trưởng ban quản lý dự án) cùng một số người có liên quan.
Căn cứ tài liệu của Nhật Bản và kết quả điều tra của Bộ Công an, Viện KSND tối cao đã có đủ căn cứ truy tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ một lần nhận hối lộ 262.000 USD từ quan chức Nhật Bản.
Ngày 18-10-2010, TAND TP.HCM xét xử tuyên phạt ông Huỳnh Ngọc Sĩ tù chung thân về tội nhận hối lộ. Ông Sĩ kháng cáo. Ngày 1-9-2011, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo trên, giảm án xuống còn 20 năm tù về tội nhận hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ. 
C.MAI 

No comments:

Post a Comment