ĐĂNG BỞI  - 
“Gần năm rưỡi rồi không ai giúp dì. Con dì bị đánh oan ức quá. Không lẽ trên đời không còn công lý nữa rồi sao”, bà Mai Thị Hương, 59 tuổi ở xã Thanh Sơn (Định Quán, Đồng Nai) nói với phóng viên Một Thế Giới.
Con trai bà Hương là anh Mai Ngọc Hóa (30 tuổi) là người tàn tật, bị bệnh động kinh có sa sút trí tuệ và mất 81% sức lao động.
Nhậu say đánh người tàn tật
Anh Hóa, còn nhớ rõ kể lại: Tối ngày 20.12.2012, khi đang ở trong nhà (tổ 14, ấp 2, xã Thanh Sơn) thì thấy có ai đó ói mửa trong sân nhà. Anh chạy ra xem thì thấy Phó trưởng Công an xã Thanh Sơn Nguyễn Văn Công.
Thấy vậy, anh có buông lời quở trách thì bị ông này nhổ nước bọt vào mặt, sau đó tát một cái vào mặt làm anh ngã dúi dụi. Tiếp đến, ông Công lao vào đè anh Hóa xuống và liên tục đánh đám vào người, đầu, mặt.
 “Sau đó có người đi đến, ông Công bỏ đi. Bức xúc, tôi đến để nói cho người nhà ông biết về tình trạng say rượu, đánh người của ông”- anh Hóa kể tiếp. Lúc đó khoảng 21 giờ, khi vừa đến nhà thì thấy ông Công đang nằm võng. Thấy anh Hóa, ông Công đi vào trong nhà tắt điện rồi lao vào đấm đá liên tục. Khi nạn nhân bị ngã, ông này nhảy lên người tiếp tục hành hung.
“Nghe chuyện, dì chạy đến nhà ông Công thì thấy ổng đang đánh con dì. Hàng chục người dân không ai dám can ngăn. Ổng đánh cho đến khi dì la làng mới chịu tha cho thằng nhỏ”- bà Mai Thị Hương bức xúc kể.
 Lúc đó, chỉ thấy những vết đánh thâm tím, bầm dập khắp cơ thể nên anh Hóa và người nhà chủ quan nghĩ không bị làm sao. Đến chiều hôm sau, thấy anh Hóa đi về mà mặt tái nhợt, gục xuống ngay tại cửa nhà, bà Hương chạy ra đỡ con thì thấy con mình có bị sốt cao nên cấp tốc đưa anh Hóa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Tại bệnh viện, sau khi được các bác sĩ khám, chụp x quang thì phát hiện anh Hóa bị gãy xương đòn bả vai do bị đả thương. Anh Hóa phải nằm viện điều trị hàng tháng trời.
Gặp phóng viên, Phó trưởng công an xã Thanh Sơn lại nói: “Tôi không có đánh người. Tại thằng Hóa cầm đá ném tôi nên tôi mới chụp được hòn đá ném đi chỗ khác” (!).
 Ông Công còn cho rằng vết thương đó là anh Hóa tự ngã ở nhà mình và không có chuyện vết thương gãy xương đó là do ông làm. 
“Làm gì có chuyện gãy tay, nếu có thì gãy đêm từ hôm trước chứ sao lại là gãy hôm sau được. Trong khi ngày hôm sau mới đưa đi viện rồi về nói bảo tôi đánh gãy tay và đòi thưa tôi, bắt tôi phải bồi thường…”- ông Công nói ngắn gọn rồi sau đó giải thích rằng ông không có trách nhiệm trả lời việc này.
Bác sĩ khám, chụp x quang phát hiện anh Hóa bị gãy xương đòn bả vai do bị đả thương
Mỏi mòn công lý
Trái ngược với khẳng định của ông Công, bà Trịnh Thị Loan, một nhân chứng tường thuật: “Lúc đó, khoảng 20 giờ, tôi đi làm tóc qua nhà bà Hương, thấy có một người đàn ông tát vào mặt cháu Hóa, sau đó lao vào đánh đập. Tôi tưởng đó là cha cháu Hóa uống rượu đánh con nên đi vào can ngăn. Đến nơi thì tôi nhận được ra đó là ông Công. Thấy tôi, ông Công liền buông cháu Hóa ra, đi về hướng quán nhậu. Tôi liền nói, sao lại đánh người hả Công? Nhưng ông ấy không nói gì”.
Bà này còn khẳng định có nhiều nhân chứng khác thấy ông Công đánh người.
Phần bà Hương cho biết, từ ngày xảy ra vụ việc đến nay, ông Công không một lần đến hỏi thăm mà còn thách thức gia đình bà đi thưa kiện. Gia cảnh nghèo càng thêm túng quẫn. Bà Hương uất ức đội đơn đi tố cáo Phó công an Công từ xã lên huyện.
Một tháng, rồi nhiều tháng trôi qua, không cơ quan chức năng nào trả lời bà.
Vào khoảng giữa tháng 4.2013, phóng viên vào cuộc chất vấn các cơ quan chức năng. Ông Trần Văn Tiến – Trưởng công an xã Thanh Sơn, cấp trên của ông Công lúc đó nói: “Đây là vụ việc hết sức nhạy cảm và phức tạp nên chúng tôi đã chuyển hồ sơ lên để công an huyện Định Quán điều tra theo thẩm quyền”.
Không chỉ bà Hương, gia đình anh Tằng Minh Bằng (51 tuổi, ngụ ấp 3, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cũng đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo ông Công đánh người.  Anh Bằng cho biết đang ngồi uống cà phê thì bị ông Công dẫn theo một số người đánh tới tấp rồi còng lại. Sự việc được 7 nhân chứng cùng chứng kiến làm chứng nhưng tương tự anh Hóa, vụ việc này cũng đang rơi vào im lặng. 
Ngay sau đó, Trưởng công an huyện Định Quán Nguyễn Đức Chương  khẳng định đã nhận được đơn tố cáo của gia đình nạn nhân và đang vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, một thời gian sau, cũng không thấy phản hồi.
Tiếp đó nữa, Thượng tá Trần Tiến Đạt – Chánh văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định vụ việc đã được chỉ đạo làm rõ. Công an huyện Định Quán đã ra quyết định trưng cầu giám định thương tật cho anh Hóa, đồng thời xác định cơ chế hình thành thương tích của anh này là do vật gì gây ra để có cơ sở xử lý. Công an huyện Định Quán cũng đang tiến hành lấy lại lời khai đối với người bị hại, các nhân chứng sau đó trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để xử lý vụ án.
Song từ đó đến nay, theo tìm hiểu của phóng viên, vụ việc bỗng rơi hẳn vào im lặng. Hiện nay, Phó công an Nguyễn Văn Công vẫn tại vị làm việc bình thường. Bà Hương vẫn phải lặn lội từ huyện đến tỉnh nhưng không được trả lời. 
Lần cuối cùng bà được biết hồ sơ vụ việc vẫn đang nằm ở Viện KSND huyện Định Quán. Quẫn bách, bà làm đơn khiếu nại gửi lên Trung ương cũng được phúc đáp là hồ sơ đã chuyển xuống tỉnh, xuống huyện giải quyết đúng thẩm quyền.
“Con dì bị vậy, không thấy họ điều tra rõ ràng. Anh Công không hối hận, còn thách thức gì nhiều lần. Gì khổ quá giờ còn biết tin vào ai”-bà nói.
Người mẹ già yếu cho biết đang nung nấu ý định bắt xe đò ra Hà Nội kêu oan. Kêu cho đến lúc nào có người nghe thấy nỗi đau khổ của gia đình bà mới thôi.

Bà Hương tại hiện trường nơi con mình bị đánh
Trường Tiến
Chú thích ảnh bìa: Anh Hóa và bả vai bị gãy xương