Thứ Bẩy, 01/03/2014 - 14:43
(Dân trí) - Một cán bộ công an cho biết, việc 3 chiến sĩ công an liên quan đến vụ TNGT như thế nào còn phải chờ kết luận. Tuy nhiên, cách ứng xử của những người này là “rất kém” nên đã khiến người dân bức xúc.
Theo nguồn tin của PV Dân trí, sáng nay 1/3, cơ quan CSĐT CA tỉnh Phú Thọ tiếp tục xuống hiện trường để điều tra vụ TNGT làm chết ông Đặng Duy Trường, Phó Bí thư xã Xuân Huy (Lâm Thao, Phú Thọ), xảy ra ngày 26/2. Thông tin bước đầu từ nhân dân, trên chiếc xe gây tai nạn có 3 cán bộ công an nhưng cả 3 đều bỏ đi ngay sau đó mà không đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Tiếp tục điều tra hiện trường vụ TNGT.
Nạn nhân sau đó được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ nhưng đã tử vong.
Những diễn biến sau đó cũng có nhiều điều “bất thường” khi chiếc xe của nạn nhân tại hiện trường bị một số cán bộ công an xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tự ý mang vào sân trụ sở công an. Hành vi “vô tình xóa bỏ hiện trường” của các cán bộ này khiến hàng trăm người dân nơi đây bất bình, phản ứng, yêu cầu phải trả xe về đúng hiện trường chờ điều tra.
Đến tối cùng ngày, một số cán bộ khác thuộc đội CSGT CA huyện Lâm Thao xuống đo vẽ hiện trường rồi tiếp tục “bốc” chiếc xe máy của nạn nhân lên xe ô tô định rời đi. Hàng trăm người dân tiếp tục phản đối, cho rằng công an muốn “xí xóa” hiện trường. Dân đã dựng rạp trên đường, bảo vệ hiện trường vụ tai nạn, gọi điện thoại đến đường dây nóng của Bộ CA trình bày vụ việc.
Cách hành xử thiếu tình người của nhóm người gây tai nạn cũng như cách giải quyết vụ việc của công an sau đó khiến người dân bất bình.
Ngày 27/2, Thượng tá Đinh Văn Phúc, lãnh đạo phòng CSĐTTP về TTATXH (CA tỉnh Phú Thọ) đã xuống hiện trường và chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ phối hợp với VKSND tỉnh Phú Thọ điều tra hiện trường. Thượng tá Phúc đã giải thích để gia đình nạn nhân và người dân giải tán đám đông.
Trao đổi tại hiện trường, Thượng tá Đinh Văn Phúc cho biết, hiện cả 3 cán bộ công an có liên quan đến vụ TNGT đã được mời lên làm việc với cơ quan CSĐT. Chiếc xe gây ra vụ TNGT là xe tư nhân cũng đã được đưa về kho để tiến hành giám định.
Một cán bộ công an cho biết, 3 cán bộ công an nói trên liên quan đến vụ TNGT như thế nào còn phải chờ kết luận. Tuy nhiên cách ứng xử của những người này là “rất kém”. “TNGT không ai muốn, nhưng lẽ ra thấy người bị nạn thì các anh cứ xuống xe đưa nạn nhân đi cấp cứu và để xe tại chỗ chờ cơ quan chức năng có thẩm quyền đến giải quyết khách quan thì không thể có chuyện người dân bức xúc như thế được”, cán bộ này phân tích.
Một cán bộ CA được cho là có liên quan đến vụ TNGT, sau khi lật nạn nhân lên "xem thử" đã rời hiện trường cùng 2 cán bộ công an khác.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong Điều 102 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định, việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Điều 102. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
|
Tuấn Hợp
No comments:
Post a Comment