Saturday, March 1, 2014

Lạ lùng vị Chủ tịch HĐTV "mất tích" gần 1 năm vẫn... chỉ đạo công ty!

Chủ Nhật, 02/03/2014 - 11:11

(Dân trí) - Từ gần một năm nay, ông Bắc đã không có mặt ở công ty và chẳng ai biết ông này ở đâu. Sở GTVT tìm không gặp, công an truy không ra. Nhưng có một điều kỳ lạ là trong những văn bản xử phạt người lao động vẫn có chữ ký của ông này.

Một đầu xe vừa cắm ngân hàng vừa bán cho cổ đông
Đầu năm 2014, công nhân, cán bộ Công ty TNHH vận tải Việt Bắc (tức tuyến buýt 06) có trụ sở tại Quang Minh, Gia Lộc, Hải Dương gửi tố cáo ông Phạm Công Bắc - Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty - có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lộng quyền, xử phạt vô tội vạ người lao động.
Quá trình xác minh, cơ quan chức năng xác định ông Phạm Công Bắc liên tục có những hành vi vi phạm. Cụ thể ông này dùng các xe ô tô đã thế chấp ngân hàng để bán cho nhiều người khác nhau. Tất cả đều có thủ tục đầy đủ, kèm theo giấy đăng ký xe... bản gốc. Để trở thành cổ đông của doanh nghiệp, nhiều người phải bỏ ra số tiền từ 400 đến 500 triệu đồng để mua xe, mua lốt. Mua xe một thời gian, các chủ xe mới tá hỏa vì nhận được giấy báo nợ của ngân hàng. Khi đó ông Bắc tuyên bố thẳng thừng "không trả được nợ (do ông Bắc vay) thì chịu để ngân hàng phát mại tài sản". Các chủ xe phải cay đắng chấp nhận bỏ hàng trăm triệu đồng để lên ngân thay ông Bắc trả nợ.
Cùng một chiếc xe nhưng ông Phạm Công Bắc bán cho 3 người. Đơn cử như xe buýt BKS 34B-00131, ông Bắc liên tiếp bán cho 3 người là bà Lương Thị Loan, bà Hồ Thị Thảo và ông Đặng Duy Phất, thu hơn 1 tỷ đồng.Trong khi đó chiếc xe này có giá thật trên thị trường chỉ khoảng 1 trăm triệu.Ngoài ra xe buýt BKS 34B-00145, ông Bắc cũng bán cho bà Lưu Thị Luyến nhưng sau đó lại bán tiếp cho ông Vũ Đức Thiệp với đầy đủ 2 bản đăng ký.
Trụ sở công ty xe buýt Việt Bắc
Trụ sở công ty xe buýt Việt Bắc
Ông Vũ Văn Nhưỡng, một trong nhiều người rơi vào cảnh trớ trêu trên cho biết: "Ngân hàng họ cũng bị lừa như mình. Cái xe của tôi giờ mới biết có tới 3 đăng ký. Biết việc bắt đền ông Bắc thì khác gì bắt đền tên cướp vì thế chúng tôi đã phải đi vay tiền lãi trả nợ ngân hàng hộ "ngài chủ tịch" để lấy xe ra chạy khách kiếm gạo nuôi gia đình".
Còn ông Nguyễn Đình Thịnh, một cổ đông khác, cho biết, sau khi ông bỏ mấy trăm triệu để lấy xe ở ngân hàng ra, vừa khai thác được mấy buổi đã bị một đoàn người lạ chặn giữa đường đòi xe. Họ cũng đưa ra giấy bán xe, giấy đăng ký tài sản và khẳng định ông Bắc đã bán xe cho họ. "Hôm đấy xe tôi chậm tuyến vì giải quyết tranh chấp. Nhưng sau đó lại bị chính ông Bắc viết phiếu phạt 7 triệu đồng vì chậm giờ về bến", ông Thịnh cho biết.
Không trả được lương thì đuổi việc?
Hàng chục lái xe, phụ xe, thậm chí cả giám đốc và phó giám đốc công ty lần lượt bị sa thải vì ông chủ tịch... không trả được lương. Ông Nguyễn Ngọc Thành, nguyên Phó Giám đốc công ty phản ánh: "Ông Bắc tự ý ra quyết định sa thải, miễn nhiệm chức vụ của tôi mà không có bất cứ lý do gì. Tôi đi làm nhưng chưa nhận được đồng lương nào. Giờ không trả được lương ông kiếm cớ đuổi".
Không phải riêng ông Thành mà theo đơn phản ánh của công nhân, hàng chục công nhân cũng đang bị nợ nhiều tháng lương. Nếu công nhân đến đòi thì ông Bắc cho người ra đánh đuổi; nếu các chủ xe đóng cổ phần đòi lương thì ông này có ngay văn bản xử phạt tiền triệu hoặc cao hơn là đình chỉ xe. Như lái xe Phạm Huy Phong và Tăng Văn Tòng đang bị công ty Việt Bắc nợ 22 tháng lương nhưng chưa có cách gì đòi. Nhờ cậy cơ quan chức năng can thiệp thì đều nhận được câu trả lời: “Việc nội bộ của công ty, không thuộc thẩm quyền giải quyết”.
Các lái xe của tuyến 206, luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bị xử phạt không lý do
Các lái xe của tuyến 206, luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bị xử phạt không lý do
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Thế An - Giám đốc Cty - khẳng định: “Phạm Công Bắc trốn mất tích rồi. Muốn biết ông ấy ở đâu thì lên phòng hình sự công an tỉnh mà hỏi. Tôi cũng đang mong mỏi ngày ông Bắc bị bắt đây”. Được biết ông An được ông Bắc bổ nhiệm làm giám đốc với mức lương rất hấp dẫn nhưng thực tế ông An chưa bao giờ được... lĩnh lương.
"Mất tích" gần một năm vẫn ký giấy xử phạt người lao động
Trong đơn kêu cứu của nhiều lái xe và cán bộ công ty TNHH vận tải Việt Bắc gửi báo Dân trí nêu rõ: Từ gần một năm nay, ông Bắc đã không có mặt ở công ty và cũng chẳng ai biết ông này đang ở đâu. Nhưng có một điều kỳ lạ là trong những văn bản xử phạt người lao động vẫn có chữ ký của ông này.
 
Ông Phạm Ngọc Thành, nguyên Phó Giám đốc điều hành công ty Việt Bắc tố cáo: "Tôi đã thay mặt anh em lao động làm đơn gửi các cơ quan chức năng, từ Sở Giao thông đến Công an huyện, tỉnh về hành vi lừa đảo của ông Bắc nhưng đến nay vẫn thấy im lặng một cách khó hiểu. Sở GTVT bảo chuyển công an, công an huyện phúc đáp lại là chuyển đơn cho công an tỉnh. Sau một thời gian dài chờ đợi, công an tỉnh trả lời đơn của chúng tôi đã chuyển về công an Gia Lộc. Như vậy chúng tôi vẫn cứ chạy vòng quanh kêu cứu mà chưa có bất cứ cơ quan chức năng nào đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết".
Công an tỉnh Hải Dương đã chuyển đơn cho công an Gia Lộc
Công an tỉnh Hải Dương đã chuyển đơn cho công an Gia Lộc
Công an huyện Gia Lộc lại báo đã gửi đơn của người lao động lên công an tỉnh.
Công an huyện Gia Lộc lại báo đã gửi đơn của người lao động lên công an tỉnh.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Nguyễn Tá Duân, trưởng phòng vận tải, Sở GTVT Hải Dương khẳng định, hành động vi phạm pháp luật của ông Phạm Công Bắc Sở có nắm được. Sở cũng đã gửi rất nhiều giấy mời ông Bắc lên làm việc nhưng ông này không đến. Theo luật ông Bắc không có quyền xử phạt hành chính hay đình chỉ xe. Công ty Việt Bắc đến người đứng đầu về mặt pháp lý hiện cũng không có.
Ông Duân cho biết thêm: "Chúng tôi cũng mong mỏi cơ quan công an nhanh chóng làm rõ hành vi vi phạm của Phạm Công Bắc để Sở có căn cứ pháp lý giải quyết các vấn đề khác ở tuyến buýt này".
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hiển - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự (Công an tỉnh Hải Dương) - cho biết: “Sau khi nhận được đơn tố cáo của người lao động, Cơ quan công an đã viết giấy mời nhiều lần nhưng ông Bắc không đến, cho cán bộ đến công ty và nhà riêng tìm đều không gặp được. Dấu hiệu vi phạm phạm pháp luật của cá nhân này là khá rõ”.
Công an huyện Gia Lộc lại báo đã gửi đơn của người lao động lên công an tỉnh.
Công an truy tìm không ra ông Bắc, trong khi đó ông Bắc vẫn công khai xử phạt người lao động
Mới đây nhất, vào lúc 7h35 ngày 17 tháng 2 năm 2014, ông Phạm Công Bắc - người mà cả Sở GTVT và Công an tỉnh Hải Dương đang vất vả "truy tìm không ra" - lại trực tiếp ký phạt lái xe Nguyễn Thanh Hiếu số tiền 2 triệu đồng với lý do xe thiếu ghế, nghỉ chạy. Được biết trước đó anh Hiếu đã có báo công ty xin nghỉ để mang xe đi sửa vì 1/20 ghế trên xe bị hỏng.
 
Thu Hằng

No comments:

Post a Comment