(VnMedia) - Philippines mới đây đã thẳng thừng bác bỏ một đề xuất của Trung Quốc trong đó cường quốc số 1 Châu Á sẽ rút hết tàu thuyền ra khỏi bãi cạn Scarborough nếu Manila cũng làm như vậy đồng thời trì hoãn việc đưa vụ tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông ra tòa án quốc tế. Thông tin này được đăng tải trên tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam (South China Morning Post) số ra ngày hôm nay (1/3).
|
Ảnh minh họa
|
Lời đề nghị bất ngờ trên của Trung Quốc đưa đưa ra “một cách không chính thức thông qua các kênh sau hậu trường”, ông Roilo Golez – một cựu nghị sĩ đồng thời là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Philippines hôm qua (28/2) đã tiết lộ như vậy với tờ South China Morning Post.
Dẫn lời “một nguồn tin rất đáng tin cậy”, ông Golez cho biết: "Củ cà rốt mà Trung Quốc đưa ra ở đây là hai nước rút toàn bộ tàu thuyền ra khỏi bãi cạn Scarborough với điều kiện Philippines không đệ trình biên bản ghi nhớ về lập trường của nước này trong vấn đề tranh chấp Biển Đông lên tòa án quốc tế vào ngày 30/3 tới”.
Một nguồn tin khác cho biết, lời đề nghị trên được Trung Quốc đưa ra từ hồi tháng 1.
Tuy nhiên, ở thủ đô Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Qin Gang đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ về sự tồn tại của một đề xuất như vậy. Ông này khẳng định: “Quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là không có gì có thể lay chuyển được. Chúng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ sự trao đổi nào liên quan đến lãnh thổ, các quyền và lợi ích hàng hải”.
"Phía Philippines muốn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vụ tranh chấp. Chúng tôi phản đối việc đó và chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận tiến trình này. Lập trường của chúng tôi không thay đổi”, phát ngôn viên Qin nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Golez, Bắc Kinh không đề nghị Manila hủy bỏ vụ kiện ra tòa án quốc tế mà trì hoãn vụ kiện này, không đệ trình tài liệu cho Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) đúng hạn định mà tòa án đưa ra vào ngày 30/3 tới.
Ông Lauro Baja – một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu của Philippines cũng là cựu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cho rằng, “việc không nộp tài liệu đúng hạn định mà tòa án đưa ra sẽ làm suy yếu vụ kiện của chúng ta bởi điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta chưa sẵn sàng. Cái nhìn của công chúng đối với chúng ta vì thế sẽ tiêu cực".
Hai nguồn tin Philippines biết rõ về lời đề nghị của Trung Quốc còn tiết lộ, đích thân Tổng thống Benigno Aquino đã thảo luận với các thành viên nội các về đề xuất của Trung Quốc, trong đó có một số lợi ích khác, trong tháng 1 đầu năm nay.
Trong khi ông Aquino không công khai thừa nhận về sự tồn tại của đề xuất từ Trung Quốc nhưng các nguồn tin đều khẳng định, bài trả lời phỏng vấn của Tổng thống Philippines hôm 4/2 với tờ The New York Times là “một phần” câu trả lời cho những gì mà Bắc Kinh đưa ra.
"Nếu bây giờ chúng tôi nói đồng ý với một điều mà chúng tôi tin là sai thì liệu có cái gì đảm bảo là bên sai sẽ không tiếp tục làm trầm trọng thêm vấn đề”, ông Aquino đã nói như vậy.
Ông Golez đã giải thích lý do tại sao việc chấp nhận lời đề xuất của Trung Quốc là sai lầm đối với Philippines. "Đó là một sự trao đổi không công bằng bởi Trung Quốc nên là bên phải rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi – nơi có bãi cạn Scarborough".
Ông Zhang Mingliang – một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á ở trường Đại học Jinan, cho hay, Trung Quốc sợ rằng, nỗ lực của Philippines trong việc quốc tế hóa cuộc tranh chấp ở Biển Đông sẽ làm tình hình thêm phức tạp.
Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012.
Sau vụ va chạm trên, hai nước Philippines và Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Trong suốt thời gian gần 2 năm qua, tàu Trung Quốc nhất quyết không chịu rút khỏi bãi cạn Scarborough bất chấp nước này có thỏa thuận với Philippines về việc rút toàn bộ tàu thuyền hai bên ra khỏi khu vực nhằm làm dịu căng thẳng. Thậm chí, tàu Trung Quốc còn án ngữ ngay lối ra vào và dựng lên rào chắn để ngăn không cho tàu thuyền Philippines vào bãi cạn tranh chấp này. Vì vậy, trên thực tế, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát khu vực bãi cạn Scarborough suốt gần 2 năm qua.
Hồi tháng 1 năm ngoái, Manila quyết định đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế với lý do họ đã “dùng mọi biện pháp hòa bình” có thể để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh nhưng không có tác dụng.
Manila tự tin kêu gọi láng giềng tham gia vụ kiện Trung Quốc
Mới đây, hôm 27/2, Philippines đã lên tiếng kêu gọi Malaysia, Việt Nam và các bên có tranh chấp khác ở Biển Đông tham gia vụ kiện nhằm thách thức tính pháp lý của những đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Manila đang đề nghị tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò hay còn gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc. Theo yêu sách này, Trung Quốc đòi chủ quyền đến 80% Biển Đông.
Trưởng Cố vấn pháp luật của chính phủ Philippines - ông Francis Jardeleza cho rằng, Malaysia, Việt Nam và các bên có tranh chấp khác có thể hoặc tham gia vụ kiện với Philippines hoặc tự mình thực hiện một vụ kiện riêng chống lại Trung Quốc.
Ông Jardeleza tỏ ra rất tự tin và lạc quan về một chiến thắng của Philippines trước Trung Quốc trong vụ kiện về tranh chấp Biển Đông, khẳng định những đòi hỏi chủ quyền theo yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là bất hợp pháp và không có giá trị.
Kiệt Linh - (tổng hợp
|
No comments:
Post a Comment