Saturday, March 1, 2014

Khi webcam Yahoo cũng là đối tượng bị theo dõi

10:10 | 01/03/2014

(PetroTimes) - Ngày 27/2, tờ Guardian của Anh cho biết, Cơ quan Tình báo Anh (GCHQ) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã thu thập và lưu trữ hình ảnh từ webcam của hàng triệu người sử dụng Yahoo. Và thông tin này căn cứ vào những tài liệu do cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ. 
Theo đó, chương trình Optic Nerve (Thần Kinh Thị Giác) đã thu thập những bức ảnh lấy từ các đoạn chat (trò chuyện trên mạng) có sử dụng webcam, không cần biết người bị lấy ảnh có phải đối tượng tình nghi hay không. Chỉ riêng 6 tháng năm 2008, GCHQ đã thu thập hình ảnh webcam của hơn 1,8 triệu người dùng Yahoo trên thế giới. Thậm chí trong dữ liệu thu thập được có chứa một lượng lớn nội dung gợi dục. Cơ quan tình báo Anh từ chối bình luận về thông tin do tờ Guardian đăng tải. Nhưng trong thông báo gửi tới tờ Guardian, GCHQ khẳng định, mọi hoạt động của cơ quan này đều tuân thủ theo quy định của luật pháp. Theo luật Anh, không có quy định nào ngăn cản GCHQ tiếp cận hình ảnh của công dân Mỹ.
(Ảnh minh họa)
Các tài liệu về Optic Nerve cho thấy, chương trình này kéo dài từ năm 2008 tới năm 2010, nhưng theo tờ Guardian, nó vẫn hoạt động trong năm 2012. Những dữ liệu thu thập từ chương trình Optic Nerve sẽ được dùng cho hoạt động thử nghiệm nhận dạng gương mặt tự động, đồng thời giúp GCHQ giám sát các mục tiêu hiện nay và tìm ra mục tiêu mới. Chương trình được cho là tự động lưu lại hình ảnh sau mỗi 5 phút và nguồn ảnh lấy từ dữ liệu mà webcam mục tiêu đang sử dụng cung cấp. Các chuyên gia GCHQ sau đó có thể tìm trong đống dữ liệu này để tìm thông tin cần thiết như địa điểm mục tiêu đã thực hiện đoạn chat webcam, chat trong bao lâu... Quan trọng hơn, GCHQ có thể xem được các hình ảnh thực trong cuộc trò chuyện đó.
Điều này đồng nghĩa với việc Yahoo bị đưa vào tầm ngắm, bởi các mục tiêu của GCHQ thường hay sử dụng hệ thống liên lạc webcam do Yahoo cung cấp. Hãng tin AFP cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, NSA và GCHQ đã chia sẻ nhiều thông tin tình báo theo thỏa thuận UKUSA. Ngoài ra, NSA và GCHQ còn hợp tác với các cơ quan giám sát ở Canada, Australia, New Zealand dưới một liên minh được biết đến với tên gọi “Ngũ nhãn”. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ NSA có tiếp cận được với dữ liệu webcam của Yahoo hay không.
Ngay lập tức Yahoo đã thể hiện sự phản đối, phẫn nộ sau khi thông tin này được đăng tải và một số nghị sĩ Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích GCHQ và NSA vì thiếu tôn trọng đối với quyền riêng tư của người dân. Yahoo không những bác bỏ liên quan đến chương trình của GCHQ, mà còn nhấn mạnh, nếu thông tin của tờ Guardian là đúng, GCHQ đã vi phạm quyền riêng tư của người sử dụng ở mức độ hoàn toàn mới. Yahoo cam kết duy trì sự tin tưởng cũng như bảo mật thông tin của người sử dụng, đồng thời sẽ tiếp tục những nỗ lực nhằm mở rộng hoạt động mã hóa thông tin người dùng đối với mọi dịch vụ mạng.
Thượng nghị sĩ Ron Wyden, Mark Udall và Martin Heinrich thuộc đảng Dân chủ Mỹ đã bày tỏ quan ngại trước thông tin kể trên. Trước đó (26-2), tạp chí Wall Street cho biết, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu một tòa án đặc biệt ra phán quyết kéo dài thời gian lưu giữ các cuốn băng ghi âm điện thoại tại NSA nhằm phục vụ cho các phiên xét xử sau này liên quan đến việc ngừng chương trình thu nhập dữ liệu của NSA.
Trong hồ sơ công bố hôm 26/2, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, cần giữ lại các đoạn băng ghi âm điện thoại sau 5 năm để làm bằng chứng bác lại những cáo buộc của Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU), Quỹ tiên phong điện tử (EFF) và một số tổ chức dân sự khác đối với chương trình do thám trên diện rộng của NSA. Đề nghị gửi lên Tòa án giám sát tình báo nước ngoài nêu rõ, các dữ liệu cũ vẫn sẽ được tiếp tục lưu giữ, nhưng không cho phép các nhân viên NSA được tiếp cận. Theo quy định hiện hành, NSA có quyền thu thập hàng triệu cuộc thoại từ hệ thống đường dây của 3 công ty điện thoại lớn gồm AT&T, Verizon và Sprint. Các dữ liệu này sẽ được lưu giữ trong vòng 5 năm.
Trong năm 2013, ACLU, EFF và nhiều tổ chức khác đã khởi kiện chính quyền của Tổng thống Barack Obama về việc thu thập thông tin cuộc gọi trên diện rộng sau khi cựu nhân viên CIA Edward Snowden bất ngờ tiết lộ về chương trình do thám bí mật của NSA. Trước áp lực của dư luận về việc được tôn trọng quyền riêng tư, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu chuyển phần ghi âm sang các công ty điện thoại và NSA chỉ được quyền tiếp cận với các dữ liệu liên quan đến những số điện thoại cụ thể mà NSA cho là có liên quan đến hoạt động khủng bố.
Cũng trong ngày 26/2, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép người sử dụng điện thoại di động có quyền bẻ khóa thiết bị của mình và dùng chúng trên các mạng không dây của nhiều nhà mạng khác nhau. Theo luật hiện hành, những ai bẻ khóa điện thoại mà không được phép có thể bị xử lý theo pháp luật, kể cả án tù.
Edward Snowden
Trong một diễn biến liên quan, ngày 23/2, tờ Bild am Sonntag của Đức cho biết, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere, thân cận của Thủ tướng Đức Angela Merkel nằm trong số 320 lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp ở nước này đang bị Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ theo dõi.
Tờ Bild am Sonntag ngoài việc dẫn lời một nhân viên tình báo cấp cao Mỹ tại Đức cho biết, họ được lệnh không để mất bất cứ thông tin nào sau khi liên lạc của bà Angela Merkel không còn bị theo dõi trực tiếp nữa; còn dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Caitlin Hayden.
Theo đó Washington đã nói rõ rằng, Mỹ thu thập cùng một loại tin tức tình báo giống với tất cả các nước phát triển và tin tức thu thập được không nhằm giúp các công ty Mỹ giành lợi thế cạnh tranh. Điều này chứng tỏ NSA đã leo thang trong việc giám sát các quan chức cấp cao trong chính phủ Đức bất chấp tuyên bố trước đó của Tổng thống Barack Obama - yêu cầu dừng theo dõi Thủ tướng Angela Merkel.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức không bình luận với “những cáo buộc của cá nhân vô danh”. Trước đó, hãng AFP từng cho biết, tình báo Mỹ không những bí mật nghe lén điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel, mà còn nghe lén cả cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder. Hãng tin AFP cho rằng, sau khi từ bỏ mục tiêu trực tiếp là Thủ tướng Angela Merkel, NSA đã tăng cường hoạt động nghe lén đối với hàng trăm nhân vật chủ chốt ở Đức, kể cả Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere.
Tuy giới truyền thông không đề cập, nhưng giới chuyên môn rất quan tâm tới thông tin, NSA vừa sa thải người đứng đầu bộ phận từng để Edward Snowden làm việc trước khi cựu nhân viên CIA đào tẩu đến Hongkong, sau đó tạm trú ở Nga. Danh tính của người này không được nhắc tới ở bất cứ nơi nào, và điều đáng nói chẳng mắc lỗi gì trong công việc, nhưng vẫn bị mất chức vì có thuộc cấp là Edward Snowden.
Cựu nhân viên CIA Edward Snowden vừa được bầu làm hiệu trưởng đại diện cho sinh viên tại Đại học Glasgow, một trong những trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất ở Anh. Với chức vụ này, Edward Snowden sẽ trở thành đại diện cho sinh viên của trường Glasgow và có trách nhiệm là cầu nối làm việc với hội đồng đại diện cho sinh viên và giúp sinh viên chuyển tải những mối quan tâm của họ tới lãnh đạo trường.
Edward Snowden đã vượt qua cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Charles Kennedy, cựu vận động viên đua xe đạp Graeme Obree, nhà văn Alan Bissett và đức cha Kelvin Holdsworth trong cuộc đua vào vị trí này. Tuy nhiên, theo trang mạng RT của đài truyền hình Nga, nhiều khả năng Edward Snowden không thể nhậm chức vì đang tị nạn ở Nga. Cũng trong ngày 18/2, trang Thatsmyface.com ở bang Oregan (Mỹ) đã tiếp thị mô hình chân dung của Edward Snowden với giá 99 USD.
Ngày 24/2, tại Brussels, Bỉ, thỏa thuận lập một tuyến cáp ngầm nối thành phố Lisbon của Bồ Đào Nha với thành phố Fortaleza của Brazil đã được ký giữa Tổng thống Brazil Dilma Rousseff với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso. Tổng vốn đầu tư cho dự án này khoảng 185 triệu USD.
Tập đoàn viễn thông Telebras của Brazil và công ty cáp ngầm IslaLink Submarine Cables của Tây Ban Nha sẽ là chủ đầu tư chính cho dự án, trong đó Telebras nắm 35% cổ phần và IslaLink nắm 45% cổ phần, số còn lại sẽ lấy từ các quỹ của Brazil và EU. Đây được coi là biện pháp nhằm tránh sự nghe lén của Mỹ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel từng đề xướng xây dựng một mạng lưới truyền thông châu Âu để cải thiện việc bảo vệ thông tin. Bởi theo Thủ tướng Đức, châu Âu phải bảo vệ thông tin của riêng mình và đây là việc cần thiết. Mạng lưới này sẽ tránh những email và thông tin khác tự động được chuyển qua Mỹ.
Theo bà Angela Merkel, trên thực tế Facebook và Google có mức độ bảo mật rất thấp trong khi hoạt động kinh doanh quốc tế cần sự bảo vệ an toàn hơn. Ngày 20/2, khi trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình Televisa, Ngoại trưởng Mexico Jose Antonio Meade cho biết, tại cuộc gặp riêng giữa Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto và Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã cam kết ngừng do thám nước này.
Ngoại trưởng Jose Antonio Meade khẳng định, chủ đề do thám đã được hai nhà lãnh đạo bàn bạc trong cuộc gặp riêng kể trên, trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ tại Toluca, thủ phủ bang Mexico.
Đông Ngàn - Từ Sơn

No comments:

Post a Comment