Tuesday, February 4, 2014

Việt Nam bị 'nội công,' 'ngoại kích' về nhân quyền

HÀ NỘI (NV) Tới lượt UN Watch lên tiếng tố cáo Việt Nam ngang nhiên xâm hại nhân quyền. Ðại diện cho tổ chức này kêu gọi Hội Ðồng Nhân Quyền và Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lên tiếng.
UN Watch là một tổ chức phi chính phủ, thực hiện công việc giám sát về dân chủ, nhân quyền, hỗ trợ cho Liên Hiệp Quốc.
UN Watch quyết định sẽ tổ chức một hội thảo về “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc,” ở Geneve, đúng vào thời điểm cộng đồng quốc tế nghe Việt Nam trình bày Báo cáo về nhân quyền, tại cuộc kiểm điểm định kỳ quen được gọi tắt là UPR vào ngày 5 tháng 2 sắp tới.


Ðại diện một số nhóm dân sự tại Việt Nam đang trình bày về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam tại Geneve hồi cuối tháng 1, 2014. (Hình: Internet)
UN Watch đã gửi thư mời ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo tự do tại Việt Nam, cựu cán bộ Ban An Ninh-Nội Chính của Thành Ủy thành phố Sài Gòn, người từng bị bắt hồi tháng 7 năm 2012, với cáo buộc “âm lưu lật đổ chính quyền,” “tuyên truyền chống nhà nước,” đến tháng 2 năm 2013 được “đình chỉ điều tra,” cuối năm 2013 tuyên bố ly khai Ðảng CSVN. Ông Dũng được mời trình bày một tham luận về “Vai trò của các NGO nhằm thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam.”
Sau khi UN Watch gửi thư mời ông Dũng, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã gửi công văn cho Bộ Ngoại Giao Việt Nam và đại diện thường trực của chính quyền Việt Nam tại Genève, đề nghị hỗ trợ ông Dũng đến Geneve.
Công văn này nhấn mạnh, một trong những yêu cầu chính đối với Việt Nam tại UPR lần này là sự có mặt của các tổ chức dân sự. Tuy nhiên ông Dũng vẫn không thể xuất cảnh, thậm chí còn bị tịch thu hộ chiếu khi ông đến phi trường Tân Sơn Nhất hôm 1 tháng 2.
UN Watch nhận định, cách hành xử của chính quyền Việt Nam đối với ông Dũng là “thô bạo.” Cũng vì vậy, theo Un Watch, Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cần lên tiếng để bảo vệ những người hoạt động cho nhân quyền tại Việt Nam.
Ngoài UN Watch, nhiều tổ chức quốc tế hoạt động cho nhân quyền liên tục hối thúc công đồng quốc tế phải hành động để ngăn chặn tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Ngày 23 tháng 1, trong buổi họp báo để công bố báo cáo về tình trạng nhân quyền toàn cầu, đại diện của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch ố HRW), nhấn mạnh, Việt Nam đã qua mặt Miến Ðiện về số tù nhân chính trị và có thể là quốc gia dẫn đầu Ðông Nam Á trong việc đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Tuần kế đó, khi công bố một báo cáo khác về nhân quyền, đại diện cho Freedom House - một tổ chức quốc tế cũng hoạt động cho nhân quyền ố nhận định, Việt Nam là trường hợp tiêu biểu cho một quốc gia mà ở đó đàn áp là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là đàn áp về tự do ngôn luận.
Mới đây, HRW nhấn mạnh, Liên Hiệp Quốc cần tăng áp lực để Việt Nam đưa ra các cam kết có thể chứng thực về việc cải thiện nhân quyền tại buổi kiểm điểm định kỳ về nhân quyền vào ngày 5 tháng 2.
Ðồng hành với các tổ chức quốc tế vừa kể, đại diện một số nhóm dân sự đã tìm cách thoát khỏi Việt Nam để cùng nhau tiếp xúc với chính quyền, quốc hội một số quốc gia nhằm trình bày về thực trạng nhân quyền Việt Nam.
Thành viên của các nhóm dân sự này cũng đã đến Geneve để trình bày thêm với cộng đồng quốc tế trước khi đại diện chính quyền Việt Nam báo cáo về nhân quyền tại Việt Nam theo thủ tục UPR.
Ngoài ra, ngay vào thời điểm này, ông Ðặng Xương Hùng, người từng là vụ phó Vụ Biên Giới phía Tây của Ban Biên Giới, thuộc Bộ Ngoại Giao Việt Nam, sau đó là tham tán công sứ, phụ trách lãnh sự của phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương Mại Thế Giới và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva, Thụy Sĩ, trong giai đoạn từ 2008 ố 2012, đã tìm tới Geneve, xin tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ.
Tháng 10 năm ngoái, ông Hùng tuyên bố ly khai Ðảng CSVN và bắt đầu tham gia vào cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Trong một thư ngỏ gửi các đồng nghiệp cũ sẽ tham dự buổi “Kiểm điểm định kỳ về nhân quyền ở Việt Nam,” ông Hùng khuyên các viên chức ngoại giao Việt Nam đừng làm “những hành động nhỏ nhen mà các bạn vẫn làm lâu nay.”
Qua thư ngỏ của ông Hùng, người ta mới biết, khi thực hiện thủ tục UPR lần đầu hồi năm 2009, phía Việt Nam đã cử người đi xếp hàng sớm để giành chỗ cho những quốc gia “thân hữu” của Việt Nam (Lào, Cuba) trình bày các tham luận nhằm “che chắn” vi phạm nhân quyền của Việt Nam. Hạn chế thời gian góp ý, chất vấn Việt Nam của các quốc gia khác.
Cũng qua thư ngỏ của ông Hùng, người ta mới biết các viên chức ngoại giao của Việt Nam tại Geneve đã đi nhặt hết những tài liệu bất lợi cho Việt Nam về nhân quyền để đem về vứt vào sọt rác.
Áp lực từ bên ngoài có vẻ như đang tác động đến công chúng trong nước. Hôm 2 tháng 2, ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng chủ động lên đài truyền hình quốc gia để giới thiệu về UPR sắp tới.
Ông Minh nói rằng, Việt Nam đã thực hiện được 80% khuyến nghị của cộng đồng quốc tế từ UPR lần đầu (2009) và phân bua “dù có làm tốt đến đâu thì vẫn luôn có những thế lực tìm cách để chỉ trích Việt Nam về nhân quyền,” trong khi “quốc gia nào cũng có vấn đề về quyền con người.” (G.Ð)

No comments:

Post a Comment