Tuesday, February 4, 2014

NHẬT TÌM CÁCH THẮT CHẶT QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

TOKYO (Kyodo) - Nhật Bản cho hay đã gửi lời mời ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nhà nước Việt Nam đến thăm Tokyo vào giữa tháng tới để cùng khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển.
Dựa trên một số nguồn khả tín, Kyodo cho biết, trong chuyến thăm Nhật sắp tới, ngoài việc gặp ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật, ông Sang sẽ được Nhật Hoàng Akihito và Hoàng Hậu Michiko tiếp kiến và được mời đọc diễn văn trước Hạ Viện Nhật.



Tàu tuần tiễu lớp Mihashi/Raizan. Nhiều nguồn tin cho rằng Nhật sẽ viện trợ cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam loại tàu này. (Hình: Blog thomasphoto)

Kyodo giải thích, tất cả những điều đó nhằm khẳng định quan hệ chặt chẽ giữa Nhật với Việt Nam trong bối cảnh cả Nhật lẫn Việt Nam đang cùng phải đối đầu với tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên biển.
Việc mời chủ tịch Nhà nước Việt Nam đến thăm Nhật nằm trong một chuỗi các hoạt đọng gần đây của Nhật để thắt chặt quan hệ với Việt Nam cũng như các quốc gia khác ở khu vực Ðông Nam Á, nhằm đối phó với Trung Quốc.

Riêng với Việt Nam, hồi tháng 11 năm ngoái, các viên chức an ninh cao cấp của Nhật và Việt Nam đã thực hiện cuộc “đối thoại an ninh” lần đầu tiên để tăng sự hợp tác chống tội phạm xuyên biên giới.
Cuộc “đối thoại an ninh” đó diễn ra tại Hà Nội và được xem như dấu chỉ cho thấy “quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam-Nhật Bản” đang càng ngày càng chặt chẽ hơn.

Trước nữa vào tháng 9 năm ngoái, thông qua bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, thủ tướng Việt Nam chính thức nêu đề nghị Nhật hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam. Trong cuộc gặp ông Itsunori Onodera, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, khi ông này đến thăm Việt Nam vào lúc đó, thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh, “Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Nhật” và hy vọng Bộ Quốc Phòng hai quốc gia sẽ “tiếp tục thắt chặt quan hệ.”

Vào tháng 8 năm ngoái, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật từng tiếp ông Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam tại Tokyo. Sau cuộc gặp, đài truyền hình NHK cho biết, hai bên (Nhật-Việt) đã cùng thảo luận về việc phối hợp để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Nguyễn Chí Vịnh đã lên tiếng bác bỏ chi tiết này. Ông Vịnh nói rằng, trong cuộc gặp giữa ông ta và bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, hai bên chỉ bàn bạc về việc phối hợp với nhau chứ không đề cập tới bên thứ ba.

Trên thực tế, quan hệ hợp tác song phương Việt-Nhật trong lĩnh vực gìn giữ an ninh biển đã khởi đầu từ năm 2000. Nhật đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều sĩ quan cho lực lượng cảnh sát biển.

Kyodo cũng vừa cho biết, một ủy ban của chính phủ Nhật đang vận động để Nhật “hiểu khác về Hiến Pháp hiện hành.” Theo đó, Nhật nên “cho phép quân đội giúp đỡ các đồng minh bị tấn công.” Hiến Pháp hiện hành của Nhật viết: “Dân tộc Nhật Bản phản đối chiến tranh cũng như sự đe dọa hay áp dụng sức mạnh để giải quyết những tranh chấp quốc tế vì chiến tranh không phải là quyền tối thượng của quốc gia.” Hiến Pháp này còn xác định: “Nhật không thành lập các lực lượng lục quân, hải quân, không quân hay các tiềm năng quân sự khác.”
Ông Shinzo Abe, thủ tướng đương nhiệm tại Nhật thì muốn Nhật có vai trò lớn hơn trong việc gìn giữ hòa bình quốc tế và cứng rắn hơn trước những đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Hàn. Cũng vì vậy, ông Abe và những người ủng hộ ông đang cho rằng cần xóa bỏ các hạn chế vừa kể trong hiến pháp khi cần chiến đấu vì đồng minh trong sứ mạng gìn giữ hòa bình, kể cả khi Nhật không bị tấn công trực tiếp.

Ðây là lý do ủy ban vừa kể đang chuẩn bị một báo cáo, đề nghị Nhật nới lỏng các qui định về xuất cảng vũ khí, tham gia tích cực hơn vào hoạt động gìn giữ an ninh của Liên Hiệp Quốc và chuẩn bị nền tảng pháp lý để quân đội phản ứng các vụ xâm nhập.

No comments:

Post a Comment