TT - Số bệnh nhân nhập viện tết này đông gấp ba lần tết 2013. Đặc biệt là bệnh nhân tai nạn giao thông, ngộ độc...
* Nhiều ca tự tử
Theo ông Nguyễn Tiến Quyết - giám đốc Bệnh viện Việt Đức, trong những ngày tết trung bình mỗi ngày có 120 bệnh nhân vào khoa cấp cứu của bệnh viện này, trong đó có nạn nhân tai nạn giao thông, tai nạn do pháo nổ, tai nạn sinh hoạt...
Mới mồng 4 tết, Bệnh viện Việt Đức đã có gần 550 bệnh nhân điều trị nội trú. “Cả 30 ca nặng đang thở máy tại bệnh viện chúng tôi thì có đến 28 ca là tai nạn do va chạm xe máy tại đường liên xã, liên thôn, hỏi thì người nhà nào cũng bảo là bệnh nhân không uống rượu” - ông Quyết cho biết.
Trong khi đó, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng nhận bốn trường hợp ngộ độc rượu trong hai ngày mồng 2 và mồng 3 tết. Trong đó có ba trường hợp ngộ độc cấp do quá chén, một trường hợp rất nặng là anh P.Đ.C. (32 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội). Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân đã uống rượu các loại rải rác từ 30 tháng chạp đến mồng 2 tết. Khi nhập viện vào chiều mồng 3 tết, bệnh nhân đã ở trong tình trạng máu gần như chuyển thành axit, bệnh nhân suy thận, thở khó rồi chuyển sang thở dốc liên hồi, mất phản xạ và tử vong mồng 4 tết. Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng các dấu hiệu lâm sàng cho biết bệnh nhân kể trên bị ngộ độc methanol có trong rượu.
Cũng theo bác sĩ Chính, mặc dù những năm trước, tết nhất người ta thường nghĩ nhiều đến việc vui mừng, rất ít ca tự tử nhập viện, nhưng tết này thì ngày nào cũng gặp những trường hợp vào viện do ngộ độc thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu... được bệnh nhân dùng để tự tử. Bên cạnh đó là các trường hợp say rượu uống nhầm... dầu hỏa và nước javel tẩy rửa bồn cầu. “Rất nhiều người vào viện do tự tử chỉ 21-22 tuổi, đều uống thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ loại độc tính cao là Paraquat. Mà khi đã uống loại thuốc diệt cỏ này thì 80-100% tử vong, những người cứu được thì chi phí điều trị rất cao” - bác sĩ Chính cho biết.
Tại TP.HCM, phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM cho biết thống kê số liệu từ 61 bệnh viện trên địa bàn TP cho thấy trong sáu ngày tết (từ 29 tháng chạp đến hết mồng 4 tết Giáp Ngọ), các bệnh viện đã tiếp nhận khám cấp cứu và điều trị cho 1.466 trường hợp bị tai nạn giao thông, không có tử vong. Trong đó có 115 trường hợp bị chấn thương sọ não.
Trong sáu ngày tết nói trên, các bệnh viện đã tiếp nhận khám cấp cứu, tai nạn tổng cộng 14.169 trường hợp. Trong đó có gần 7.700 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú và các bác sĩ phải vất vả mổ cấp cứu 1.262 trường hợp trong những ngày tết. Đáng lưu ý, việc cấm đốt pháo đã thực hiện từ lâu nhưng vẫn có bốn trường hợp bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ phải đi cấp cứu.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số người nhập viện khám bệnh, cấp cứu, bị tai nạn giao thông hoặc tai nạn pháo nổ vào viện đều tăng mạnh so với tết 2013. Trong đó số người vào viện khám bệnh và cấp cứu tăng gấp ba lần so với tết 2013. Khi đến khoa A9 Bệnh viện Bạch Mai chiều mồng 4 tết, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi người nhà bệnh nhân vẫn phải trải chiếu nằm rất đông hai bên cửa ra vào của khoa, trong khi ngoài phố mọi người vẫn đang trong ngày nghỉ và tấp nập du xuân.
LAN ANH - L.TH.H.
253 người chết vì tai nạn giao thông trong 8 ngày tết
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết trong tám ngày tết (từ 28-1 đến 4-2), cả nước đã xảy ra 530 vụ tai nạn giao thông, làm chết 253 người, bị thương 563 người. So với tám ngày Tết Quý Tỵ 2013 tăng 161 vụ, giảm 56 người chết, tăng 230 người bị thương. Tính riêng mồng 4 tết xảy ra 72 vụ tai nạn giao thông, làm chết 41 người, bị thương 82 người.
Đường bộ là lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn giao thông nhất với 522 vụ, làm chết 246 người. Đường sắt xảy ra 7 vụ, làm chết 6 người, bị thương 1 người. Đường thủy nội địa xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết.
Trong tám ngày tết, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 25.865 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp Kho bạc Nhà nước gần 11 tỉ đồng.
TUẤN PHÙNG
|
No comments:
Post a Comment