Tuesday, February 4, 2014

NHÀ BÁO PHẠM CHÍ DŨNG: PHÁC THẢO VỀ HIỆN TÌNH VIỆT NAM

VRNs (04.02.2014) – California, USA – Theo dự tính ban đầu, tại Hội thảo “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc”, diễn ra hôm nay, 04.02.2014,
140205Trước cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) về nhân quyền Việt Nam diễn ra tại Geneve vào ngày mai, 05.02.2014, tiến sĩ Phạm Chí Dũng sẽ đọc tham luận – “nhằm mô tả ra bức tranh phác thảo về hiện tình kinh tế – xã hội – chính trị ở Việt Nam cùng những tiền đề cho xã hội dân sự tại quốc gia này, nêu ra một số dự báo cho năm 2014 và xu hướng vận động những năm sau đó, đặt vấn đề về sự cần kíp xây dựng một mạng lưới liên kết giữa các NGO quốc tế và các nhóm dân sự Việt Nam nhằm thúc đẩy các vấn đề về quyền con người” – nhưng vì tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đang diễn ra rất nghiêm trọng, nên vị diễn giả này đã bị cấm xuất cảnh.
Tuy nhiên, toàn văn tham luận của nhà báo học giả này hiện đang được các blogger và facebooker phát tán trên mạng lưới điện toán toàn cầu, và thông điệp của ông Phạm Chí Dũng đưa ra không còn bó hẹp trong phạm vi của phòng Hội thảo UPR tại Geneve, mà loan đi khắp thế giới, vào trong hội thảo trước khi nó khai mạc và đến với từng người dân trong nước.
Bài tham luận – dài 11 trang A4, chữ size 12 – của tiến sĩ Phạm Chí Dũng gầm 5 phần: (1) Người dân đang cần gì? (2) Xã hội dân sự Việt Nam, (3) Dự báo biến chuyển của Việt Nam trong năm 2014, (4) Hành động của xã hội dân sự, (5) Những đề nghị với NGOs.
Theo nhà báo độc lập này, người dân đang cần gì? Đó là một chính sách mới về đất đai khiến người dân có thể làm chủ sở hữu tài sản của mình và họ đang dần cương quyết hơn với việc đòi cho bằng được quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình. Vì hiện nay, “doanh nghiệp và các nhóm lợi ích bất động sản chiếm đoạt đất đai của người dân trong hai mươi năm qua ở Việt Nam theo cách thu hồi đất không thỏa đáng, trái pháp luật và sau này là bất chấp đạo lý đối với nông dân. … tình trạng thu hồi đất vô lối và cưỡng chế, đẩy đuổi người dân khỏi đất ở của họ diễn ra tại hầu hết các tỉnh thành trên đất nước này. Não trạng lợi ích của các nhóm đầu cơ bất động sản đã mau chóng chuyển từ tâm lý tham lam kềm chế sang tham lam quyết liệt và bất chấp”.
“Vụ việc thu hồi đất hết sức bất công tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên năm 2012 mà hậu quả còn kéo dài đến nay là một bằng chứng điển hình. Có thể nêu ra hàng loạt vụ việc khác khi người dân phản ứng về đất đai ở nhiều địa phương như Nam Định, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh… và ngay tại ngoại thành Hà Nội, rất gần với tổng hành dinh của Chính phủ và Bộ Chính trị đảng. Hoặc vụ việc người nông dân Đoàn Văn Vươn dùng mìn và súng hoa cải chống cưỡng chế bất hợp pháp đã dẫn đến hậu quả ông và những người thân trong gia đình phải nhận án tù giam nhiều năm, đã cho thấy sự phẫn uất trong tâm lý tầng lớp nông dân mất đất ở Việt Nam đang có xu hướng phát nổ, thay cho tâm trạng cam chịu của những năm trước”.
Kế đó, nhà báo Phạm Chí Dũng cảnh báo về tình trạng môi trường mà người dân đang phải gánh chịu.
“Vụ chôn thuốc trừ sâu xuống lòng đất của một doanh nghiệp ở Thanh Hóa có tên là Nicotex Thanh Thái bị phát hiện vào tháng 9/2013… Vào nửa cuối năm 2013 và trong mùa mưa bão, 15 nhà máy thủy điện đã đồng loạt xả lũ lên đầu dân chúng tại các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắc Lắc [dẫn đến] hơn năm chục mạng người đã bị hiến dâng trong cơn xả lũ mất nhân tính đó, nhưng đã không hề có một nạn nhân nào dám khởi kiện những kẻ thủ ác. … Liên quan đến tôn giáo, một trong những vụ xung đột tiêu biểu trong những năm gần đây là vụ công giáo Mỹ Yên ở tỉnh Nghệ An, xảy ra vào tháng 9/2013, bị nhà nước chính trị hóa và đã trở thành một minh chứng không thể chối cãi về hành động “ côn đồ hóa ” của giới công an địa phương, từ đó đã làm dấy lên làn sóng phản ứng có khuynh hướng “ tử vì đạo ” của vài trăm linh mục và nửa triệu giáo dân vùng Nghệ An, cùng lòng hiệp thông chưa từng thấy giữa các giáo phận trong cả nước”.
Ngay trong phần này, tiến sĩ Dũng đã bắt đầu đề cập đến hiện tượng vi phạm nhân quyền ngay từ phương diện lý thuyết đến thực hành:
“Mặc dù đã ký kết Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị từ năm 1982, nhưng đến nay những nội dung chủ chốt của công ước này vẫn chưa được Nhà nước Việt Nam nhận thức và thực hiện đúng với ý nghĩa trung thực của nó. Vào tháng 8/2013, phái đoàn Việt Nam cũng một lần nữa đưa ra cam kết trước Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc về “Thực hiện chính sách, biện pháp và tăng cường nguồn lực để bảo đảm tốt hơn về an sinh xã hội, phúc lợi và công lý, đặc biệt là quyền của các nhóm dễ bị xâm phạm như phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật và dân tộc thiểu số”. Nhưng … vẫn chưa có một cải thiện đáng kể nào được chính quyền thực tâm thực hiện”.
Sang phần bàn về xã hội dân sự, tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhấn mạnh đến “phương châm và độ chín muồi”.
Phương châm là “Ôn hòa, bất bạo động, tránh đổ máu là những đặc trưng trong phương pháp hoạt động của xã hội dân sự và các phong trào dân sự. Chính phương châm này đã loại trừ tâm trạng lo lắng đầu tiên của những người muốn tham gia phong trào dân sự là liệu họ có bị sách nhiễu hoặc thậm chí bị bắt bởi những hoạt động thuần túy xã hội của mình”.
Còn về thời điểm gọi là chín muồi, tiến sĩ Dũng cho rằng kinh tế Việt Nam suy sụp dẫn đến nhiều người mong muốn thay đổi thể chế chính trị. Theo ông, “Xã hội dân sự là một trong những phương cách tốt nhất để tạo nên sự thay đổi cấp thiết ấy”.
Tác giả của tham luận duyệt qua các hoạt động của xã hội dân sự đã hình thành ở Việt Nam trong những năm gần đây: Phản biện bauxite (2007), Kiến nghị 72 về Hiến pháp (2013). Tác giả nhấn mạnh: “Có thể coi sự hình thành của “Kiến nghị 72” nhằm thay đổi điều 4 Hiến pháp về vai trò độc đảng là dấu mốc cực kỳ quan trọng cho việc khởi xướng tiền đề của hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam trong tương lai”.
Năm 2013 ra đời Diễn đàn Xã hội dân sự, nhóm Phụ nữ nhân quyền Việt Nam, Hội Bầu bí tương thân, Hội Dân oan Việt Nam…. Theo ông Dũng: “Đến nay, đã có ít nhất 15 tổ chức dân sự có khuynh hướng tác động nhằm điều chỉnh hoạt động chính trị ở Việt Nam, chưa kể nhiều tổ chức dân sự mang mục tiêu giáo dục, xã hội và văn hóa”. Và nhiều sáng kiến tiềm năng khác, trong đó có cả đề nghị lập đảng Dân chủ xã hội của cố luật gia Lê Hiếu Đằng.
Ngoài ra, ông Dũng cũng xem “truyền thông xã hội lại là một thành phần đương nhiên của xã hội dân sự”.
Sang phần dự báo những diễn biến chủ lưu ở Việt Nam năm 2014, nhà báo Phạm Chí Dũng đưa ra 5 diễn biến đáng lưu ý: (1) 2014 là năm đầu tiên của một chu kỳ khủng hoảng ngân hàng, và dẫn đến khủng hoảng gần như toàn bộ nền kinh tế. (2) Bất ổn xã hội và phản kháng dân chúng sẽ tăng cao về số lượng, và quy mô.… Sẽ xuất hiện nhiều hội nhóm độc lập của người dân như những tiền đề của xã hội dân sự. (3) Bước khởi động cho cuộc tranh đua chính trị chuẩn bị cho đại hội đảng thứ 12, đặc biệt là vị trí tổng bí thư đảng và vai trò thủ tướng, kể cả vấn đề “ hậu chuyển tiếp ” cho một mô hình chính trị mới. (4) Xu hướng và lực lượng gần gũi với phương Tây sẽ rõ nét và chiếm ưu thế hơn trong nội bộ đảng. (5) Hoạt động dân chủ gia tăng đáng kể về số lượng hội nhóm, nhưng bị hạn chế về nguồn nhân lực và thiếu tính trực tiếp với nhu cầu dân sinh nên không thu hút được số đông quần chúng.
Sau đó tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra một số nhận định cụ thể:
“Trong năm 2014, có khả năng Quốc hội sẽ được tác động ở mức độ nhất định để ban hành Luật tiếp cận thông tin, Luật lập hội và có thể cả Luật biểu tình”.
“Cũng nhằm thỏa mãn nhiều hơn yêu cầu của người dân và đòi hỏi của cộng đồng quốc tế, giới chính khách trong nước nhiều khả năng sẽ thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia trong năm 2014”.
“Một thỏa hiệp khác của Nhà nước Việt Nam với phương Tây là sẽ dần thừa nhận vai trò và dần chấp nhận sự tồn tại và vận động của xã hội dân sự ở Việt Nam, và thái độ này sẽ thể hiện rõ nét hơn trong năm 2014”.
“Năm 2014 cũng có thể chứng kiến một số biểu hiện giao lưu, kết nối kín đáo giữa báo chí “lề phải” với truyền thông “lề trái” về quan điểm và mối tương tác trong một số vụ việc nhạy cảm của xã hội, kinh tế”.
“Tình hình trên cũng có thể dẫn đến chủ trương chính quyền tạm thời không thi hành biện pháp bắt bớ giới bất đồng chính kiến, nhưng thay vào đó sẽ tiếp tục tăng cường hành động gây khó khăn cản trở, sách nhiễu đối với giới này”.
“Xu thế chính trị đối ngoại lẫn đối nội cũng tạo điều kiện cho sự xuất hiện đảng chính trị độc lập và còn có thể xuất hiện đảng chính trị đối lập trong dân chúng, tuy chỉ với quy mô nhỏ”.
Điều thú vị là nhà báo cựu đảng viên CSVN này nhận định là khuynh hướng của giới lãnh đạo ngã về phương Tây. Ông Dũng viết: “Để có thể tham gia đầy đủ vào TPP và được miễn thuế xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu là hàng hóa đó phải có xuất xứ từ các nước nội khối TPP, trong khi Trung Quốc vẫn chưa phải là thành viên TPP. Do đó, Chính phủ Việt Nam có thể phải tìm nhiều cách để giảm bớt cơ cấu nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc và chuyển đổi vùng nhập khẩu sang các quốc gia khác”.
Và như thế Việt Nam, theo ông Dũng, để bước vào gia đình TPP thì phải chấp nhận nghiệp đoàn độc lập.
Điều tiến sĩ Dũng nhấn mạnh là khủng hoảng kinh tế vào cuối năm 2014: “Rất nhiều khả năng nền kinh tế này sẽ vận động ngang trong năm 2014 chứ không thể tăng tốc được, và cũng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy sẽ “thoát đáy”…, nhiều khả năng hệ thống ngân hàng bắt đầu bước chân và giai đoạn đổ vỡ vào nửa cuối năm 2014. Khi đó nền kinh tế cũng bắt đầu thời kỳ đầu tiên lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, khi trước đó đã có 7 năm suy thoái”.
Theo ông Dũng khi kinh tế khủng hoảng thì lực phản kháng của dân tăng cao. “Phản kháng dân chúng sẽ tập trung vào lĩnh vực đất đai, môi trường, điều kiện lao động, giá cả. Số cuộc và số người dân tuần hành, biểu tình sẽ gia tăng so với năm 2013. Hiện tượng chống nhân viên công lực và hiện tượng “tự xử” của người dân cũng sẽ gia tăng nhanh chóng tại nhiều địa phương và ngay tại Hà Nội”.
Trong bối cảnh đó, xã hội dân sự sẽ hành động ra sao?
Ở phần thứ tư, tiến sĩ Dùng đặt ra các vấn đề: “Làm thế nào để các phong trào dân sự có thể được xây dựng nhanh chóng và lan tỏa được ở Việt Nam?” Rồi ông đưa ra câu trả lời: “Muốn xã hội dân sự được rút ngắn cung đường khởi động, yếu tố đoàn kết phải là con ngươi của phong trào phản biện, phong trào dân sự và do đó của xã hội dân sự trong tương lai ở Việt Nam”.
Từ đó nhà báo độc lập này đưa ra những bước tiến cụ thể cho xã hội dân sự:
“Trong giai đoạn đầu của xã hội dân sự, một số hành động cần được ưu tiên triển khai là:
Nhóm hành động chính trị – xã hội: lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo, hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế và chính trị Việt Nam vào Trung Quốc; phản biện chống tham nhũng và các nhóm lợi ích, nhóm thân hữu; thúc đẩy Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình, Luật lập hội, Luật trưng cầu dân ý; thúc đẩy tiếng nói của trí thức độc lập tại Quốc hội; thúc đẩy tính hợp hiến và hợp pháp hóa của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo; phản biện đối với các điều luật chính trị hóa hành vi phản phản biện như điều 79, 87, 88, 258 trong Bộ luật hình sự; phản biện đối với điều kiện giam giữ phạm nhân trong các trại giam; hỗ trợ tinh thần và vật chất cho các gia đình có người bị giam giữ, liên quan đến yếu tố chính trị…
Nhóm hành động kinh tế – xã hội: bảo vệ quyền lợi của nông dân trước hành vi trưng thu đất đai bất hợp pháp và vô lối; phản biện đối với chủ đề sở hữu trong Luật đất đai và cơ chế thu hồi đất đối với các dự án kinh tế – xã hội; bảo vệ quyền lợi của công nhân và thị dân về điều kiện làm việc và an sinh xã hội; đấu tranh chống tác động tiêu cực của một số doanh nghiệp đối với môi trường tự nhiên…
Và để tự nâng mình lên, các phong trào dân sự cũng phải phản biện với chính những tiếng nói phản biện thiếu tinh thần xây dựng và đoàn kết trong giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam và hải ngoại”.
Về phía các nguồn lực quốc tế, ở phần thứ năm, tiến sĩ Phạm Vhí Dũng đưa ra những đề nghị với các NGO quốc tế.
“Bài học kinh nghiệm mà nhiều tổ chức phi chính phủ hàng đầu trên thế giới đã tích lũy được và đưa vào chiến lược hành động của họ là không thể thụ động trông chờ thái độ cải hóa và sự cải tiến tự thân của các cấp chính quyền, mà phải tạo được hành động tác động đối với chính quyền nhằm thay đổi về chính sách và những vấn đề liên quan”.
“Sứ mệnh của các NGO tại các quốc gia phát triển (còn gọi là NGO phương Bắc) không chỉ là cung cấp viện trợ và “cần câu” cho các NGO ở các quốc gia đang và kém phát triển (còn gọi là NGO phương Nam), mà luôn cần được ưu tiên về hoạt động truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm về công tác tổ chức, đào tạo và thực hiện dự án, đặc biệt là kinh nghiệm làm thế nào để tạo tác động có hiệu quả đối với các chính sách bất hợp lý, bất công của chính quyền sở tại, nhằm cuối cùng điều chỉnh hoặc xóa bỏ những chính sách đó để bảo vệ quyền lợi người dân và các đối tượng dân chúng chịu rủi ro, mang lại công bằng hơn cho xã hội”.
Ông Dũng đề nghị các tổ chức NGO hỗ trợ những việc sau:
“- Tổ chức nghiên cứu các dự án xã hội, thể chế. Trước mắt cần tổ chức nghiên cứu đề tài về xã hội dân sự ở Việt Nam để chuẩn bị cho tương lai.
- Tổ chức truyền thông: đào tạo người viết và cách thức làm báo.
- Can thiệp, tác động các vấn đề về nhân quyền. Trước mắt, cần can thiệp, tác động về chủ đề đất đai, môi trường, nghiệp đoàn lao động, cải thiện chế độ lao tù. Cần thí điểm một số trường hợp cụ thể tại một số địa phương.
- Tổ chức đào tạo diễn giả, thông tín viên để chuyển tải thông tin từ trong nước ra quốc tế”.
Tham luận này của tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập, có thể không phản ánh hết mọi thực trạng Việt Nam, nhất là hiện tình xã hội dân sự và cộng đồng những người đang hoạt động vì dân chủ cho Việt Nam, tuy nhiên đây là một đóng góp quý giá của một trí thức viên chức, đang còn làm việc trong nguồn máy của đảng CSVN, mặc dù đã tuyên bố thoái đảng vào dịp cuối năm 2013 vừa qua.
PV. VRNs

No comments:

Post a Comment