Thứ bảy 22/02/2014 16:00
ANTĐ - Căn cứ vào kế hoạch xây dựng lực lượng tác chiến đổ bộ thuộc lực lượng tự vệ trên bộ, Nhật Bản vừa chi gần 500 triệu JPY (khoảng gần 4,9 triệu USD) để mua 4 trong tổng số 52 chiếc xe thiết giáp lưỡng thê “AAV7” dự định mua của Mỹ.
Vào tối ngày 20-02 (theo giờ địa phương), lô AAV7 đã được chuyển đến cảng Yokohama. Sau đó, chúng tiếp tục hành quân về nơi đóng quân của lực lượng tự vệ nằm ở khu vực Kanto. “AAV7” là trang bị mà lực lượng tự vệ Nhật Bản lần đầu tiên được sử dụng, nên bộ quốc phòng Nhật sẽ kiểm tra kỹ tính năng của nó, để làm cơ sở nghiên cứu về sau. Việc mua sắm các xe thiết giáp lưỡng thê này nằm trong “Kế hoạch phòng vệ trung hạn” mà Tokyo đã xây dựng.
Căn cứ vào kế hoạch này, trong vòng 5 năm tới, Nhật dự chi ngân sách 24,67 nghìn tỷ Yên (tương đương 239 tỷ USD); thành lập các “Trung đoàn thủy - lục cơ động” thuộc lực lượng tự vệ trên đất liền. Đây chính là lực lượng nòng cốt, chịu trách nhiệm phòng vệ các đảo xa của Nhật Bản. Để phục vụ cho nhiệm vụ này, các phương tiện tác chiến đổ bộ là yếu tố không thể thiếu được, do đó, kế hoạch của Nhật là sẽ mua 52 chiếc xe thiết giáp đổ bộ lưỡng thê.
Lực lượng tác chiến đổ bộ Nhật rất mạnh với sự hỗ trợ của tàu đổ bộ tấn công F-35 và tàu sân bay trực thăng
Ngoài ra, cùng với việc mang về các xe thiết giáp lưỡng thê, Nhật còn mua sắm 17 chiếc máy bay vận tải cánh quạt nghiêng V-22 Osprey, 3 máy bay trinh sát không người lái chiến lược, tầm cao - tầm xa RQ-4 Global Hawk để nâng cao khả năng giám sát và năng lực cơ động tác chiến. Số máy bay này sẽ được triển khai bố trí tại Okinawa, cùng với lực lượng của Trung đoàn đổ bộ đường không số 1 thuộc lực lượng tự vệ trên bộ, trong vòng 10 phút có thể triển khai đổ bộ xuống Senkaku.
Theo đại cương kế hoạch phòng vệ mà chính phủ Nhật xây dựng tháng 12 năm 2013, Tokyo sẽ xây dựng thành công biên chế cơ bản của lực lượng tác chiến đổ bộ trong vòng 5 năm tới. Lực lượng này được xây dựng trên nền tảng “Trung đoàn thủy - lục cơ động”, với biên chế chuẩn 3.000 quân, nhiều gấp 4 lần biên chế của Trung đoàn bộ binh cơ giới trực thuộc lực lượng tự vệ trên bộ khu vực phía tây (khoảng 700 người).
Tàu sân bay trực thăng thế hệ mới nhất 22DDH có thể mang theo ít nhất 10 chiếc F-35B
Việc mua sắm máy bay vận tải cánh quạt nghiêng V-22 Osprey và xe thiết giáp lưỡng thê AAV-7 là nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng các trung đoàn thủy - lục cơ động. Các trung đoàn này sẽ trở thành những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho việc thành lập các lữ đoàn hải quân đánh bộ trong tương lai. Có thể nhận thấy, các trung đoàn này sẽ sử dụng V-22 Osprey và AAV-7 để đổ bộ đánh, tái chiếm đảo, mục đích chính là nhằm vào quần đảo đang tranh chấp với Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư.
Ngoài ra, lực lượng tự vệ trên bộ của Nhật sẽ được sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện tác chiến đổ bộ tấn công của lực lượng tự vệ trên biển. Lực lượng tự vệ trên biển của Nhật cũng đã công bố kế hoạch mua thêm một chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Osumi nặng 9.000 tấn, đưa tổng số tàu lớp này lên 4 chiếc. Sau khi đưa 2 chiếc tàu khu trục chở trực thăng lớp Hyuga 19.000 tấn vào biên chế, họ còn có kế hoạch chế tạo thêm 2 chiếc tàu chở trực thăng 27.000 tấn nữa để hỗ trợ các hoạt động đổ bộ đánh chiếm đảo.
Xe thiết giáp lưỡng thê “AAV7” của hải quân đánh bộ Mỹ
Đồng thời, có thể Nhật sẽ mua sắm máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B để trang bị cho lực lượng hải quân đánh bộ. Tàu sân bay trực thăng thế hệ mới nhất 22DDH chuyên chở trực thăng tấn công, nhưng được xây dựng theo mô hình các tàu đổ bộ tấn công Mỹ nên có khả năng mang theo tới 12 chiếc F-35B. Lực lượng này sẽ càn quét các chiến đấu cơ, đánh phá các căn cứ bờ và tiêu diệt các chiến hạm Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tác chiến đổ bộ.
Ngoài ra, ngày 5/1 vừa qua, Chính phủ Nhật đã quyết định tái biên chế 7 sư đoàn và lữ đoàn trong tổng số 15 sư đoàn/lữ đoàn thuộc lực lượng tự vệ trên bộ (lục quân) trong toàn quốc, thành các sư đoàn và lữ đoàn cơ động phản ứng nhanh, chuyên trách bảo vệ khu vực cụm đảo tây nam. Động thái này chủ yếu để thay đổi thể chế lực lượng tự vệ trên bộ, được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhằm đối phó với tình huống đổ bộ quy mô lớn của đối phương.
Máy bay vận tải cánh quạt nghiêng V-22 Osprey
Được biết, trong thời gian 5 năm tới, bắt đầu từ năm 2014, lực lượng tự vệ trên bộ của Nhật Bản sẽ tái biên chế sư đoàn 6 và sư đoàn 8; lữ đoàn 11 và lữ đoàn 14 thành các sư đoàn và lữ đoàn cơ động. Trong thời gian 5 năm kế tiếp, sẽ tiếp tục tái biên chế các sư đoàn 2; lữ đoàn 5 và lữ đoàn 12 nhưng vẫn giữ nguyên địa điểm đóng quân của các Bộ tư lệnh sư đoàn/lữ đoàn này.
3 sư đoàn và 4 lữ đoàn cơ động mới thành lập sẽ trở thành lực lượng cơ động phản ứng nhanh. Nhật sẽ lấy các sư đoàn/lữ đoàn bố trí tại Hokkaido làm lực lượng nòng cốt để tiến hành thành lập các đơn vị này. Có thể nhận định là trong vòng 5 năm nữa, binh chủng hải quân đánh bộ “trá hình” này của Nhật Bản sẽ trở nên rất mạnh, có khả năng áp đảo hoàn toàn 2 lữ đoàn hải quân đánh bộ số 1 và 164 của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment