Saturday, February 22, 2014

Không lẽ chúng ta lãng phí đến vậy?

Thứ bảy, 22/2/2014 10:40 GMT+7
Trước khi nói chuyện các con số, trước hết, phải có những con số chính thức, và chính xác đã!


Xuất phát từ bài viết  Một bộ máy 'ngốn' 77 sân vận động Mỹ Đình, không ít người thấy giật mình vì mức độ lãng phí khủng khiếp trong việc chi cho bộ máy quản lý. Rất ít khi, con số lãng phí được đưa ra một cách sát sườn, có so sánh và quy chiếu đầy đủ như vậy, mặc dù, lãng phí trong bộ máy công quyền, từ lâu đã không còn là vấn đề mới mẻ.

Tuy nhiên, trước những con số mà bài báo đưa ra, đằng sau những cái giật mình, là trăn trở của một số cá nhân tâm huyết với...những con số. 

120 nghìn tỷ dành cho Quỹ xóa đói giảm nghèo, có hay không?

Trên mạng xã hội Facebook, nhà báo Nguyễn Vạn Phú tỏ ý nghi ngờ con số mà bài báo đưa ra. Anh cho rằng, con số 120 nghìn tỷ đồng (5,5 tỷ USD) được ngân sách chi cho việc xóa đói giảm nghèo, là không hợp lý. Bằng chứng, toàn bộ dự chi ngân sách năm 2013 chỉ ở mức 878 nghìn tỷ đồng, các khoản dự toán chi ngân sách lớn nhất như chi cho đầu tư phát triển cũng chỉ mới 175 nghìn tỷ đồng. Không có lý do gì ngân sách dành một khoản khổng lồ như vậy cho xóa đói giảm nghèo, trong khi ngân sách còn cả nghìn việc để quan tâm, để chi phí.

Tuy nhiên, 120 nghìn tỷ đồng không phải là con số vu vơ mà tác giả bài báo đưa ra. Thông tin đó do chính Bộ trưởng Bộ lao động và Thương binh xã hội cung cấp cho báo chí. Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 20/2/2013, bà Phạm Thị Hải Chuyền cũng không phản đối con số 120 nghìn tỷ đồng, mà chỉ nhấn mạnh cách chia quỹ xóa đói giảm nghèo cho tổng số hộ nghèo là sai lệch. Tuy nhiên, đó lại là một câu chuyện khác. 

Nói đi thì cũng phải nói lại, 120 nghìn tỷ đồng có thể là con số mà ngân sách Nhà nước dành cho việc xóa đói giảm nghèo, bao gồm quỹ Xóa đói giảm nghèo và các nguồn lực khác liên quan. Ví dụ, xây một con đường, tạo điều kiện giao thương; hoặc đắp một công trình thủy lợi... đều ít nhiều tác động đến đời sống của người nghèo. Và những nguồn này, do phải phân bổ cho nhiều đối tượng hưởng lợi (cả người nghèo và...không nghèo) nên nó không thuộc quỹ người nghèo!

Thế nhưng, nói gì thì nói, 120 nghìn tỷ rất có thể là con số được cho là dành cho mục đích xóa đói giảm nghèo, trực tiếp hoặc gián tiếp, cho dù con số đó có nằm trong quỹ hay không. Và như vậy, thông tin 1 hộ gia đình nghèo được tiếp cận với 10-15 triệu đồng/năm, là con số đáng phải suy nghĩ, cho dù Quỹ dành cho người nghèo là bao nhiêu đi chăng nữa.

Có ai dám chắc, trong 10 - 15 triệu đồng/hộ gia đình/năm đã bao gồm những lợi ích mà hộ nghèo nhận được mà không nằm trong quỹ (xây cầu đường, công trình thủy lợi, nhà chống lũ...) hay chưa?

Như vậy, 120 nghìn tỷ đồng nói trên, được chi cụ thể như thế nào, vẫn là một câu hỏi.

Lãng phí, cho dù ở các mức độ khác nhau, thì cũng là một câu chuyện có thật, và cần phải được xem xét kỹ lưỡng, trước hết là cần minh bạch các con số thống kê và chi tiêu ngân sách.

Thống kê, ai tin ai ngờ?

Đây không phải lần đầu tiên người ta hoài nghi các con số được đưa ra. Từ trước Tết Nguyên đán, một thông tin khiến nhiều người giật mình là có tới 17 tỉnh thành...xin gạo cứu đói. Dân thiếu đói, là có thật. Nhưng so sánh với những báo cáo tròn trĩnh và đẹp đẽ trước đó của các tỉnh, thì mọi việc bỗng trở nên cực kỳ hài hước. 

Cách đây 1 tuần, con số thống kê về mức tiêu thụ bia rượu tại Việt Nam lên tới 3 tỷ lít, tức là bình quân mỗi người Việt Nam uống khoảng 32 lít bia rượu mỗi năm. Thế nhưng, tại cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp sản xuất bia rượu nước giải khát, đại diện Hiệp hội bia rượu nước giải khát lại đưa ra con số khác hẳn, do WHO thống kê. Theo đó, tính chung cả rượu bia (quy đổi theo độ cồn nhất định), người Việt chỉ tiêu thụ khoảng 3,5 lít/người/năm, và ở mức thấp trên thế giới. 

Như vậy, việc đốt tiền vào bia rượu, là việc ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng theo thống kê, vẫn ở mức chưa đáng lo ngại.

Trước khi nói chuyện các con số, trước hết, phải có những con số chính thức, và chính xác đã!

Minh Thư
Theo Trí Thức Trẻ

No comments:

Post a Comment