ĐĂNG BỞI  - 
Chưa biết vụ cáo buộc sẽ diễn tiến ra sao, nhưng nếu Làng Văn thắng cuộc, VNG sẽ bị "xóa sổ", vì mức bồi thường có thể lên tới 450 triệu USD trong khi VNG đang được định giá khoảng 300-400 triệu USD.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết vào ngày 19.2.2014, trung tâm sản xuất, phát hành nhạc Làng Văn (trụ sở California, Mỹ) đã gửi công văn đến báo thông báo về việc đã khởi kiện Tập đoàn IDG (Mỹ) và Công ty VNG (Việt Nam) - chủ của website nghe nhạc trực truyến Zing.vn - đã vi phạm bản quyền của trung tâm này.
Nội dung đơn kiện cáo buộc Zing.vn (Zing) sử dụng trái phép hơn 3.000 bài hát và 600 album nhạc mà Làng Văn có bản quyền, để cho mọi người trên thế giới tải xuống miễn phí. Từ đó, Zing  tăng lượng truy cập và thu hút số lượng lớn quảng cáo cùng người sử dụng dịch vụ.
Con số trên do Làng Văn tự theo dõi và tính từ tháng 10.2012 đến tháng 11.2013. Làng Văn cho biết đã gặp chủ của Zing vài lần trong năm 2012 để bàn về chuyện này. VNG cũng có gỡ bài hát xuống khỏi Zing vài lần nhưng sau đó có lại nhiều bài hát tái xuất hiện.
Đại diện Làng Văn tại Việt Nam - bà Trần Thị Hồng Hải cũng xác nhận Làng Văn đã khởi kiện IDG và VNG từ tháng 1.
Tại Mỹ, sự việc đã được hãng thông tấn AP đưa tin từ ngày 28.1.2014 sau đó các tờ BBC, Bloomberg, TechinAsia... dẫn lại và khai thác thêm.
Cho đến hôm qua (21.2), một số bài hát mà Làng Văn đưa vào danh sách vi phạm bản quyền không còn ở dạng nghe hay download được trên Zing nữa. Thay vào đó là thông báo: “Bài hát này tạm thời bị ẩn theo yêu cầu của bên sở hữu bản quyền nội dung”.
Chưa biết vụ cáo buộc sẽ diễn tiến ra sao, nhưng nếu Làng Văn thắng cuộc, VNG sẽ bị "xóa sổ", vì mức bồi thường có thể lên tới 450 triệu USD trong khi VNG đang được định giá khoảng 300-400 triệu USD.
Sự việc đang ngày càng nóng hổi khi phía Làng Văn không có ý định từ bỏ, còn VNG không lên tiếng và IDG đang cho là bị lợi dụng tên tuổi. IDG cùng IDG Ventures và IDG Ventures Vietnam được cho liên quan vì là nhà đầu tư tài chính và cố vấn cho VNG. Đặc biệt, đứng đầu IDG Ventures Việt Nam hiện là ông Nguyễn Bảo Hoàng - người vừa được báo chí và dư luận nhắc đến nhiều sau sự kiện đưa thương hiệu McDonald's vào Việt Nam thành công.
Trao đổi với báo Đầu Tư qua điện thoại, bà Đường Thu Hương, Giám đốc đối ngoại IDG Ventures Việt Nam, nhận định sự việc xảy ra bên Mỹ, nếu có liên quan đến Việt Nam thì phía IDG Việt Nam sẽ giải quyết.
Tuy nhiên, bà Hương khẳng định, đây là chiêu trò marketing, PR của Làng Văn, một công ty theo bà là rất nhỏ bên Mỹ. Hơn nữa, quỹ IDG đã thoái vốn tại VNG từ năm 2009. Hiện IDG bên Mỹ đã yêu cầu phía Làng Văn bỏ tên tuổi của IDG ra khỏi vụ việc này nhưng họ vẫn cố tình đưa vào. 
Sự việc đang ngày càng nóng hổi khi phía Làng Văn không có ý định từ bỏ, còn VNG không lên tiếng và IDG đang cho là bị lợi dụng tên tuổi. 
Còn về phía ông Lê Hồng Minh - CEO của VNG thì trả lời là không có thông tin phản ứng gì về việc này.
Nhưng trước đó, Tuổi trẻ cũng có đăng ý kiến của đại diện VNG về việc này. Theo đó, VNG nắm giữ phần lớn bản quyền các tác phẩm âm nhạc hiện có trong hệ thống của mình, trong đó có Zing.vn, thông qua các hợp đồng với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), hợp đồng với các tác giả và hợp đồng độc quyền với hàng trăm ca sĩ. Với những tác phẩm còn lại, theo lý giải của Zing, là do cộng đồng người sử dụng tự đưa lên hệ thống và chính người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc vi phạm bản quyền.
Việc bị kiện bản quyền không lạ lẫm gì đối với VNG.
Trước đây, một nhóm các công ty hoạt động trong lĩnh vực internet đã cùng thành lập liên minh Sky Music nhằm đối chọi với VNG và củng cố luật bản quyền tại Việt Nam.
Năm 2012, Zing cũng bị Coca-Cola, Samsung rút quảng cáo, dừng hoạt động hợp tác vì cho tải nhiều bài hát trong nước và quốc tế không có bản quyền. Sau vụ việc, Zing nhanh chóng ký kết hợp đồng bản quyền với Universal Music.
Lần này VNG lại dính vào vụ cáo buộc mới cho thấy họ chưa thật sự cảnh tỉnh và tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ. Song giới kinh doanh nội dung số tại Việt Nam cho rằng, Làng Văn đã tính toán rất kỹ trước khi kiện VNG.
Với vụ kiện, dạo gần đây rất nhiều người thắc mắc Làng Văn là công ty nào? Và đây là câu trả lời của họ trên tài khoản Facebook.
Vụ kiện nhằm mục đích gây áp lực và dùng IDG như một nước cờ để tấn công VNG. Làng Văn đòi mức phạt tối đa 150.000 USD cho mỗi lần vi phạm. Trong khi nếu đúng VNG đã sử dụng trái phép hơn 3.000 bài hát và hơn 600 album nhạc mà Làng Văn có bản quyền thì số tiền bồi thường có thể sẽ lên đến 450 triệu USD. Một mức bồi thường có thể "xóa sổ" hoàn toàn VNG vì công ty này đang được định giá khoảng 300-400 triệu USD.
Theo hãng thông tấn AP, Zing được xếp vào "danh sách đen" các website tại châu Á về vấn đề vi phạm bản quyền. Đây sẽ là một vụ kiện phức tạp về trách nhiệm của các bên liên quan. Vụ kiện sẽ được giải quyết bởi Tòa án Liên bang Mỹ.
A.T