Saturday, February 22, 2014

Bài học nào từ bầu cử tại Thái và Nhật


Ngày 02/02/2014, Thái Lan đã tổ chức xong bầu cử Quốc hội trước sự biểu tình phản đối của nhiều người dân thuộc phe áo đỏ. Nhiều đơn vị bầu cử, nhiều địa điểm bỏ phiếu bị người biểu tình bao vây, ngăn cản khiến cử tri không đi bầu được. Trước và ngay trong ngày bầu cử đã có tiếng súng nổ làm cho khoảng 6 người bị thương. Không khí căng thẳng bao trùm cuộc bầu cử Quốc hội Thái Lan lần này.

Tại Việt Nam, báo đài đã được chỉ thị rọi đèn thật kỹ vào các biến động quanh cuộc bầu cử tại Thái để cố tung ra luận điểm đánh đồng đa nguyên, đa đảng với rối loạn trật tự xã hội, và nhất là cản trở phát triển kinh tế.

Nhưng ngược lại, chỉ một tuần sau, chủ nhật ngày 09/02/2014, Tokyo tổ chức bầu cử thị trưởng, thì báo đài Việt Nam không chỉ có thái độ lạnh lùng mà còn đi tin sai sự thật rằng ông Masuzoe, người mới đắc cử chức đô trưởng Tokyo, là người ủng hộ điện hạt nhân và ủng hộ kế hoạch tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật.

Ai theo dõi tình hình chính trị tại Nhật đều biết đó là thông tin không chính xác.

Trước hết cuộc bầu cử thị trưởng Tokyo có trọng lượng rất đáng kể trong chính trường toàn quốc. Tokyo không chỉ là thành phố lớn nhất của Nhật Bản, mà còn có vị trí trung tâm đầu não của quốc gia này. Nhưng điều có thể làm chúng ta ngạc nhiên là điều kiện ra ứng cử vị trí Đô trưởng rất dễ dàng. Người nộp đơn chỉ cần hội đủ hai điều kiện sau đây: Thứ nhất, phải mang quốc tịch Nhật và thứ hai là phải từ 30 tuổi trở lên. Và chỉ có thế thôi. Ứng viên không cần phải có nhà hay sống thường xuyên ở Tokyo. Nói theo tiếng Việt hiện nay là chẳng cần phải có hộ khẩu tại Tokyo và cũng chẳng cần Mặt Trận Tổ Quốc hay bất kỳ đảng phái nào giới thiệu cả.

Một vài qui luật khác cũng rất hay để bảo đảm tính nghiêm túc của cuộc bầu cử, cũng như không để tài phiệt khuynh loát. Mỗi ứng cử viên phải đóng 3 triệu yen (tức khoảng 29 ngàn USD) cho ủy ban bầu cử gọi là tiền ủy thác. Ứng viên nào không đạt được 10% tổng số phiếu bầu thì sẽ không được hoàn lại số tiền ủy thác đó. Cùng lúc, chi phí vận động bầu cử sẽ do mỗi ứng viên tự lo lấy nhưng chỉ được xử dụng tối đa 60 triệu 500 ngàn yen (khoảng 590 ngàn USD). Đây là khoản tiền mà khối người ủng hộ một ứng viên xứng đáng có thể chung góp dễ dàng. Luật cũng rất nghiêm khắc về việc ứng viên nào dùng quá số tiền nêu trên sẽ không được đắc cử dù có số phiếu bầu cao nhất. Tóm tắt là không phải chỉ có giai cấp giàu có mới ra ứng cử và nắm quyền được.
Những ứng viên đô trưởng nặng ký nhất lần này gồm có:

- Luật sư Utsu no Miya, người tuyên bố sẽ nạp đơn tranh cử sớm nhất. Ông là người từng về nhì trong cuộc tranh cử vào ghế đô trưởng lần trước. Không hiểu vì lý do gì lần này ông lại công khai chấp nhận sự ủng hộ của đảng Cộng sản Nhật. Và thế là hy vọng đắc cử coi như tiêu tan ngay từ đầu vì tình hình chán ngán đảng cộng sản trong quần chúng Nhật hiện nay. Nhiều phần chính vì thái độ của đảng Cộng sản Nhật trước chính sách hung hãn của Cộng sản Trung Quốc và sự độc ác của Cộng sản Triều Tiên.

- Cựu Tư lệnh Không quân Tamogami, người chủ trương chống lại mạnh mẽ mọi hành động xâm lược của Trung quốc. Ông cũng ủng hộ việc duy trì điện hạt nhân nhưng phải đặt dưới một ủy ban kiểm soát nguyên tử cấp quốc gia với nhiều quy luật gắt gao hơn trước đây.

- Cựu Thủ tưóng Hosokawa, người cũng được sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Koizumi. Ông tuyên bố lập trường ‘’Zero Điện hạt nhân’’ nếu đắc cử.

- Cựu Bộ trưởng Xã hội & Lao động Masuzoe, người chủ trương từng bước thay thế điện hạt nhân bằng các loại năng lượng khác thay vì một chính sách hủy bỏ quá đột ngột. (Đây là lập trường khác hẳn cách tường thuật trên báo đài lề phải tại Việt Nam).

Trước một đối thủ nặng ký là cựu Thủ tướng Hosokawa, ông Masuzoe phải tìm sự hậu thuẫn của hai đảng đang cầm quyền là Tự Dân-Công Minh. Vì Thủ tướng Abe là người muốn cho các nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại nên khi vận động bầu cử ông Masuzoe chỉ phát biểu rất sơ sài về chủ đề này. Và sau ngày đắc cử, khi các ký giả hỏi về vấn đề điện hạt nhân, ông Masuzoe trả lời rằng việc quyết định chính sách năng lượng của Nhật thuộc trách nhiệm của chính quyền Trung ương, chứ không phải là của Đô trưởng, nhưng "Lập trường của tôi vẫn là muốn giảm điện hạt nhân qua từng giai đoạn".
Nói chung, tuy mức lo âu, hoảng sợ trong dân chúng Nhật nói chung đã giảm khá nhiều so với những ngày tháng ngay sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nhưng chính sách về năng lượng hạt nhân vẫn tiếp tục là một trong những yếu tố hệ trọng trong chính trường và hầu hết các cuộc bầu cử lớn tại Nhật. Ảnh hưởng từ áp suất của dân chúng Nhật còn ảnh hưởng đến việc xuất cảng kỹ nghệ điện hạt nhân sang các nước khác như dự án xây 2 nhà máy điện nguyên tử tại Ninh Thuận, Việt Nam.

Điều có thể thấy rõ là cả 2 cuộc bầu cử tại Thái Lan và Nhật Bản đều không còn là loại bầu cử vô nghĩa, có cũng như không. Người dân thiết tha với lá phiếu và lá phiếu phải thực sự mang ước nguyện của người dân. Một số nhận xét khác qua 2 cuộc bầu cử này và các cuộc bầu cử tương tự tại các nước Đông Á và Đông Nam Á trong mấy thập kỷ qua là:

Mọi quốc gia đều phải đi qua tiến trình "tập sống theo lề thói dân chủ", đặc biệt là những nước vừa thoát khỏi các chế độc độc tài. Nước nào cũng phải gột rửa nhiều đợt mới có được một chính phủ dân chủ đúng nghĩa và phải qua một thời gian thì các ràng buộc của luật pháp mới đủ cứng cáp để đối đầu với các lạm dụng.

Những cuộc biến động để trưởng thành như tại Thái Lan hiện nay mới nhìn thì thấy ầm ĩ nhưng số người chết không bằng một phần ngàn những hình thức đổi đời bằng chiến tranh; đặc biệt là những cuộc cách mạng kinh hoàng để leo lên nắm quyền của hầu hết các đảng cộng sản.
Một khi qua được giai đoạn tập tành dân chủ này thì đất nước sẽ cất cánh rất cao, rất xa, rất bền vững như trường hợp đã thấy của Nhật Bản, Đài Loan, và Nam Hàn.

Còn loại "ổn định dưới gót chân độc tài" tuy có những giai đoạn ngắn vênh vang nhưng sau cùng đều dẫn đến lụn bại mọi mặt. Lịch sử cận đại của nhân loại đã chứng minh liên tục từ Liên Xô, Đông Âu, dài đến tận Myanmar, Bắc Hàn, Cuba, Trung Quốc, và Việt Nam.

Hiển nhiên báo đài lề phải tại Việt Nam không hề chạm đến những sự thật này.
Ngô Quảng - DienDanCTM

No comments:

Post a Comment