Saturday, February 22, 2014

Lãng phí có nghiêm trọng hơn tham nhũng?

Thứ bảy, 22/2/2014 10:48 GMT+7
Tamnhin “Lãng phí là cái tôi đánh giá nghiêm trọng hơn là thất thoát. Thất thoát ở đây nói thẳng là tham nhũng”.


Quan điểm nêu trên được một vị thứ trưởng bày tỏ khi trao đổi với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012, trong bối cảnh khá nhiều ý kiến quan ngại về tình trạng lãng phí khi sử dụng nguồn lực quốc gia vốn đã eo hẹp.

Nêu nhận xét cá nhân là hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho giảm nghèo thời gian qua chỉ ở mức trung bình, vị quan chức này cũng hơn một lần đề cập đến những biểu hiện của lãng phí khi đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng còn dàn trải. Hoặc có địa phương miền núi rất nghèo nhưng đường nội thị to như đại lộ Thăng Long và trụ sở làm việc rất chi là hoành tráng.

Song, ông thứ trưởng tỏ ý băn khoăn khi việc giám sát mới tập trung nhiều vào thất thoát. Mà theo ông thì lãng phí còn nghiêm trọng hơn là thất thoát hay gọi thẳng là tham nhũng. Bởi vì “tham nhũng thì tài sản không mất đi mà nó chỉ từ của nhà nước lòng vòng xuống cá nhân, xuống đối tượng tham nhũng. Còn lãng phí là cái mất đi, không vào ai cả, cũng không vào người dân”.

Lãng phí là công trình đầu tư không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng trong thời gian rất ngắn, chính xác là mất đi, ông thứ trưởng giải thích thêm.

Tuy nhiên, một số vị đại biểu Quốc hội - những người đang được trao trọng trách “giữ tay hòm chìa khoá” cho nhân dân - khi được tham vấn đều có quan điểm khác với ông thứ trưởng.

Không có mặt trong đoàn giám sát, nhưng đại biểu Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã “bắt bệnh” những cái được gọi là lãng phí trong xóa đói giảm nghèo nói riêng và đầu tư công nói chung.

Đó chính là việc ban hành quá nhiều chính sách nhưng không có nguồn lực tài chính đảm bảo dẫn đến đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Hay như chủ trương đầu tư sai, đầu tư quá nhu cầu, quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế cũng dẫn đến không bố trí vốn kịp thời, kéo dài thời gian thi công, làm tăng tổng mức đầu tư do trượt giá, hư hỏng thất thoát khối lượng xây lắp đã thực hiện….

Hầu như tất cả các công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, điện nước... đều trong tình trạng bố trí vốn không theo tiến độ dự án dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả sử dụng vốn. Trong khi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững cũng bao gồm cả những nhiệm vụ có thể lồng ghép với nhiệm vụ của các chương trình lao động và việc làm, vệ sinh nước sạch môi trường nông thôn, kế hoạch hóa gia đình và y tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới... để tập trung nguồn lực tài chính, tiết kiệm chi phí quản lý, truyền thông, nâng cao năng lực, ông Văn nhận xét.

Điều được ông Văn lưu ý là trong tất cả những biểu hiện trên đều có thể chứa đựng hành vi tham nhũng một cách tinh vi. Bởi vậy, vị đại biểu giữ trọng trách ở cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra các vấn đề liên quan đến túi tiền quốc gia cho rằng: “Lãng phí và tham nhũng đều nghiêm trọng, không thể nói cái nào ít nghiêm trọng hơn cái nào. Cả hai đều nghiêm trọng như nhau và có khi còn là hệ quả của nhau”.

Cũng là thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy viên thường trực Lê Thanh Vân cho rằng “nói lãng phí nghiêm trọng hơn tham nhũng" là không chính xác.

Ông Vân phân tích "tham nhũng" và "lãng phí" giống nhau ở chỗ đều là tệ nạn từ những hành vi làm thất thoát tài sản của nhà nước, của nhân dân.

Điểm khác nhau ở chỗ: tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy đi tài sản của nhân dân, hoặc là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Tham nhũng là hành vi bắt nguồn từ lỗi cố ý. Còn lãng phí là việc sử dụng nguồn lực vào những hoạt động vô ích, gây thất thoát, hư hại đến tài sản. Lãng phí bắt nguồn từ năng lực yếu kém, hay thái độ thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Tham nhũng và lãng phí đều là những hành vi làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với hoạt động quản lý của nhà nước và trực tiếp tác động tiêu cực đến sự ổn định chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, đều đáng bị lên án và bị trừng trị, ông Vân nhấn mạnh.

Lòng tin, đó cũng chính là điều được Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng đoàn giám sát trực tiếp làm việc với vị thứ trưởng nói trên nhấn mạnh trong bài viết đầu năm 2013 trên VnEconomy rằng “không được phép phung phí thêm nữa”.

Mà, sự phung phí niềm tin của nhân dân, cũng theo nhìn nhận của đại biểu Quốc hội, có nguyên nhân quan trọng từ việc chống tham nhũng “như đánh trận giả”.

Trở lại quan điểm cá nhân của vị thứ trưởng. Lãng phí mà ông nói, đó là tiền, tài sản, tóm lại là vật chất. Tham nhũng mà ông đề cập tất nhiên cũng là tài sản, tiền bạc. Cả hai đều đã và đang làm xói mòn niềm tin của nhân dân.

Nhưng, theo nhận định của Thanh tra Chính phủ thì “tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ". Còn theo cảm nhận của nhiều đại biểu và cả cử tri, thì tham nhũng còn là sự lãng phí niềm tin một cách vô tội vạ. Sự lãng phí đó, không tiền bạc nào sánh được.

Theo Nguyên Thảo
VnEconomy

No comments:

Post a Comment