- “Danh hiệu” này đã lấy đi của người Việt Nam quá nhiều máu và nước mắt
Tổ chức Nghiên cứu thị trường Erowatch mới đây công bố thông tin cho biết với lượng rượu bia tiêu thụ của Việt Nam trong năm 2012 là 3 tỷ lít, bình quân đầu người 32 lít đã đưa Việt Nam trở thành quán quân uống rượu bia ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Thông tin này đã khiến dư luận xã hội không khỏi giật mình bởi rượu bia được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những căn bệnh nan y, gián tiếp gây ra những vụ tai nạn giao thông đau lòng khi con người mất kiềm chế, kiểm soát do sử dụng rượu bia.
Báo động tình trạng lạm dụng bia rượu
Báo động tình trạng lạm dụng bia rượu
Một chuyên gia kinh tế từng cho rằng sự tăng trưởng nóng của ngành sản xuất bia rượu sẽ đem lại nhiều cái hại cho nền kinh tế cũng như đời sống xã hội. Thực tế đang cho thấy, rượu bia và những đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều căn bệnh nan y dù ngành sản xuất này có những đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập quốc dân. Còn bà Vũ Phạm Nguyên Thanh (Viện Xã hội học) cho rằng, tuy chưa có nghiên cứu, thống kê nào được tiến hành, nhưng có thể khẳng định rằng các khoản đóng góp từ ngành sản xuất rượu bia để khắc phục hậu quả của nó gần như tương đương. Đó là chưa kể những tổn thất không thể đo tính được những mất mát về người, về tinh thần nếu một ai đó vì say bia rượu mà hiếp dâm chính con cái mình, chị em mình hay giết cha mẹ mình, đốt nhà cửa, gây tai nạn cho người khác…
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), thực trạng bia rượu đang trở nên đáng báo động và nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời, mức độ tiêu thụ bia rượu gia tăng hàng năm với mức hơn 10% sẽ khiến cho nỗ lực của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội trong phát triển kinh tế cũng như chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng bị “hòa tan” cùng với rượu bia. Những vấn đề liên quan tới trật tự an toàn xã hội, sự phát triển bền vững của đất nước cũng sẽ bị đe dọa.
Bà Hạnh cho rằng, thực tế sử dụng rượu bia là xu thế chung trên thế giới. Trong quá trình toàn cầu hóa, Việt Nam mở cửa hội nhập quốc tế, nếu không có biện pháp kiểm soát, định hướng từ trước, ắt sẽ đón cả những “ngọn gió lành lẫn gió độc”. Hơn nữa, trong suy nghĩ, nhiều người Việt Nam vô tình chấp nhận việc sử dụng rượu bia làm khuôn mẫu trong mọi hình thức giao tiếp, biếu xén, làm ăn, lễ lạt, hiếu hỷ…
Đáng nói, một bộ phận giới trẻ hiện nay quan niệm “uống rượu là cách xã giao, là phương tiện không thể thiếu khi đi làm” và “uống rượu giúp giao tiếp bản lĩnh hơn với bạn bè” (kết quả khảo sát của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đăng trên Tuổi Trẻ online ngày 18/2/2014-PV).
Bên cạnh đó, các chính sách liên quan tới kiểm soát kinh doanh rượu bia, kiểm soát tiêu thụ rượu bia, sử dụng rượu bia ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Cộng hưởng các yếu tố nguy cơ như vậy, rõ ràng việc lạm dụng rượu bia là hiện tượng không có gì khó lý giải.
Bà Hạnh cũng đưa ra một thông tin đáng chú ý đó là đại diện của hãng Heineken khi nghiên cứu thị trường đã công khai dự báo tới năm 2015 Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ rượu bia lớn nhất thế giới. Còn theo đánh giá của Tổ chức nghiên cứu thị trường châu Âu, lượng tiêu thụ rượu bia của Việt Nam từ nay đến năm 2016 sẽ tăng 10%/năm.
Box: Theo thông tin từ Viện Chiến lược và chính sách y tế, lạm dụng rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu. Hậu quả của sử dụng rượu bia là 60% nguyên nhân trực tiếp gây ra bạo lực gia đình, trên 10% dẫn tới tai nạn giao thông và làm hơn 12.000 người tử vong mỗi năm. Ước tính phí tổn do rượu bia bao gồm cả dung nạp và giải quyết hậu quả do rượu bia gây ra chiếm từ 2-8% GDP của nhiều quốc gia.
Hệ lụy từ buông lỏng kiểm soát
Theo bà Hạnh, chúng ta đang gặp khó khăn lớn trong việc kiểm soát nguồn cung và nhu cầu rượu bia. Những khó khăn trong kiểm soát nguồn cung khiến cho mặt hàng rượu bia vô cùng đa dạng, được bán tràn lan trên thị trường. Nguồn cung ở đây bao gồm cả sản phẩm chính thống (đồ nhập khẩu, do nhà nước sản xuất) và không chính thống là các loại “bia cỏ”, rượu tự nấu thủ công.
Nhìn chung, rượu thủ công chiếm tới hơn 70% lượng tiêu dùng xã hội. Nhưng thực tế, những giải pháp về kiểm soát rượu bia hiện có chủ yếu mới tập trung vào các sản phẩm do nhà nước sản xuất và nhập khẩu. Còn rượu tự nấu vẫn bị buông lỏng, chưa quan tâm nhiều tới việc kiểm soát sản phẩm bia. Bia vẫn được coi như những mặt hàng bình thường khác. Cơ sở nào có giấy đăng ký kinh doanh là được nhập khẩu, lưu hành.
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát nhu cầu về bia rượu hay hành vi tiêu dùng cũng đang bị bỏ ngỏ, hậu quả là tỷ lệ vị thành niên và thanh niên sử dụng rượu bia gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Kể từ kết quả “Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam” (SAVY) thực hiện năm 2003, sau 5 năm, tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam sử dụng rượu bia tăng thêm 10%. Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy 42,7% người đã từng sử dụng rượu bia trước 14 tuổi. Trong nhóm tuổi bị cấm sử dụng rượu bia (14-17 tuổi), 21% cho biết đã từng say. Nhiều số liệu khác cho biết, trong cộng đồng hiện nay, 70% nam và 6% nữ có uống rượu bia hàng tháng; ¼ trong số 70% nam giới uống bia rượu đã dung nạp hơn 5 đơn vị rượu một ngày, khoảng 50gr rượu nguyên chất (cồn) , trong khi khuyến cáo đưa ra không được vượt quá 10gr rượu nguyên chất một ngày.
Kiểm soát thế nào
Theo bà Hạnh, cần hướng tới 3 nhóm giải pháp và tiến hành một cách đồng bộ: Thứ nhất, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, hạn chế từ sản xuất, kinh doanh và kiểm soát về chất lượng của sản phẩm; Thứ hai phải hạn chế cầu, phải có quy định rõ ràng về đối tượng được sử dụng, bán ở đâu, vào thời điểm nào, bán như thế nào và mức độ bán ra sao; Thứ ba, tập trung giảm tác hại do rượu bia gây ra, trong đó cần đặc biệt chú trọng truyền thông để xã hội hiểu được tác hại của sử dụng rượu bia. Với những người đã trót là nạn nhân, chưa có hiểu biết, xã hội cần có hỗ trợ hướng dẫn cai nghiện, trong chăm sóc, điều trị để giảm tác hại bệnh do rượu bia gây ra. Chính phủ cũng đã định hướng từ nay đến 2020, giải pháp trọng tâm trong kiểm soát bia rượu là truyền thông./.
Thanh Hà/VOV online (ghi)
No comments:
Post a Comment