Friday, January 15, 2016

Ý kiến của trí thức về chọn lựa bộ tứ

Mặc Lâm, biên tập viên RFA -2016-01-14  
000_Hkg4475195
 Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam từ trái qua: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. AFP photo
Trong không khí oi bức của hội nghị Trung ương lần thứ 14 chuẩn bị đại hội đảng thứ XII đang diễn ra tại Hà Nội, không hiếm các tin đồn được cho là rò rỉ từ trong thượng tầng Bộ chính trị, trí thức và những chuyên gia quan tâm đến vấn đề này luôn đưa ra các quan điểm khác nhau tùy cái nhìn riêng tư của mỗi người. Một trong những cái nhìn ấy là Bác sĩ Hồ Hải hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam, ông có rất nhiều bài viết nhận định tình hình chính trị, kinh tế xã hội trên trang blog riêng và hôm nay ông dành cho Mặc Lâm bài phỏng vấn tập trung về vấn đề bầu bán nhân sự kỳ này.
Mặc Lâm: Cho tới giờ phút này tuy chưa có một thông tin chính thức nào từ chính phủ nhưng việc tổ chức nhân sự hình như đã được định đoạt và ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở thêm 1 năm nữa. Theo BS thì việc ở lại này có ý nghĩa gì và tại sao lại chỉ có 1 năm?
BS Hồ Hải: Cần phải có cái nhìn khách quan và ghi nhận từng sự kiện theo đúng nó đang có. Ở đây, chưa có thông tin chính thức nào tuyên bố ông Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm 1 năm nữa. Ngay cả thông tin chính thống của báo chính phủ cũng chỉ nói ra 2 ý: thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII. Thứ hai, chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XII là một trong những nội dung lớn được Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI xem xét, quyết định.
Như vậy ta thấy rằng Hội nghị trung ương 13 chưa xong công tác nhân sự của 3 bộ phận: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII mà chỉ mới chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XII - bộ tứ - để 200 ủy viên trung ương chính thức và dự khuyết xem xét quyết định.
Hội nghị TW14 chỉ mới diễn ra 1 ngày không thể có quyết định nhanh, khi mà, trong Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng đã quy định rất rõ ràng trong các điều 11, 13, 25, 26 về việc đề cử và ứng cử các chức vụ lãnh đạo chủ chốt là từ cấp ủy. Cấp ủy là nơi mà tổng bí thư sinh hoạt đảng. Hơn nữa, đâu chỉ 1 mình ông Tổng bí thư được đề cử ra ứng cử. Sau đề cử thì BCT mới bỏ phiếu, sau đó, đem ra 200 UVTW xem xét và bỏ phiếu nên chưa thể nói gì khi có thông tin như thế. Trong lịch sử gần đây, tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng phải chấm dứt nửa nhiệm kỳ. Thường trực bí thư trung ương Trần Xuân Bách cũng phải bị quản thúc, quản chế đến cuối đời tại gia. Đó là sự chặt chẽ trong cơ cấu chính quyền đảng cộng sản, mà không ai có thể một tay bẻ nạn chống trời. Nó cũng làm nên sức mạnh độc quyền của đảng cộng sản.
Mặc Lâm: Cuộc tranh dành quyền lực lần này công khai và cả hai bên đều không cần che giấu như truyền thống đoàn kết trong đảng như trước đây. Vết nứt này theo BS có gì cần để ý?
BS Hồ Hải: Vết nứt này là đúng quy luật của một thể chế chính trị đơn nguyên tập quyền bắt buộc phải đến, vì nó sai với quy luật xã hội học, ngay cả trong một gia đình nhỏ là tế bào xã hội thì cũng phải có vợ để góp ý chồng và ngược lại, và kể cả con cái nữa, huống gì một xã hội lại chỉ có một đảng cầm quyền?
Thực ra, phải nhìn lại lịch sử của 70 năm cầm quyền của đảng cộng sản mới thấy rõ, vết nứt này đã có từ thời chưa thống nhất như các phe nhóm Ông Lê Duẩn và ông Võ Nguyên Giáp, v.v...
Nhưng thời đó, việc lo cho thống nhất lấn át cái riêng là tư lợi cá nhân, nên chỉ thấy đấu nhau vì sự nghiệp chung. Nay, hòa bình cái chung lớn đã xong, đảng cầm quyền nắm trọn kinh tế chính trị quân sự bảo an, thì cái riêng trời dậy lấn át, và có sự thỏa hiệp các phe nhóm để phục vụ cái riêng.
Khi tất cả được tích tụ đủ lượng để thăng hoa thành chất thì mọi việc sẽ phơi bày theo đúng quy luật lượng chất. Hơn nữa, hội nhập thông tin toàn cầu đã thúc đẩy cho những cái gọi là bí mật trong đảng không còn là bí mật nữa, vì công nghệ thông tin trao cho mọi người một quyền lực mà trước đây khi chưa có nó người nta không dám thể hiện ở một nền chính trị đơn nguyên tập quyền như ở Việt Nam.
Quan hệ với Trung Quốc
Mặc Lâm: Theo tin được cho là rò rỉ từ nội bộ thì cả 4 nhân sự được chọn lần này đều thân cận hay ít nhất là từng giữ im lặng trước những quan hệ của Việt Nam - Trung Quốc, đây có phải là thất bại của Mỹ trong nỗ lực cân bằng quyền lực chính trị trong nội bộ của Việt Nam?
Hồ Hải: Trong chính trị, khi chưa có công bố kết quả chính thức, chúng ta không thể lấy những thông tin ấy làm chứng cho sự thực, mà đôi khi là do các chính khách tung chiêu giả.
Ví dụ, chuyến công du của ông Nguyễn Sinh Hùng sau hội nghị trung ương lần thứ 13, khóa XI sang thăm ông Tập cũng là một sự cố gắng cân bằng quan hệ giữa 2 đối tác lớn Mỹ Trung hơn là vấn đề mà người ta cho rằng ông đi kiếm chức tổng bí thư. Nếu chúng ta nhìn toàn diện mọi mặt, nhất là Trung Quốc đang loạn cả kinh tế lẫn chính trị và sắc tộc, thì họ đang có ý đồ đẩy chiến tranh sang Việt Nam và khu vực mà chúng ta đã thấy qua việc xâm phạm vùng biển, vùng trời Việt Nam từ ngày 28/12/2015 đến hôm nay. Nếu không khéo sẽ có chiến tranh bất kỳ lúc nào!
Cần phải có cái nhìn khách quan và ghi nhận từng sự kiện theo đúng nó đang có. Ở đây, chưa có thông tin chính thức nào tuyên bố ông Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm 1 năm nữa.
- BS Hồ Hải
Nhất là Trung Quốc họ rất sợ mất Việt Nam, vì Việt Nam như tôi đã viết, là vùng đệm để Trung Quốc dễ dàng sản xuất mọi thứ rác như chính trị, chiến tranh, kinh tế, kể cả công nghiệp lỗi thời. Và quanh Trung Quốc bây giờ chỉ còn Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng là hướng thoát cho họ, vì phía Tây Nam Ấn Độ, Phía Tây Bắc thì Nga, Phía Đông thì có Nhật và Nam Hàn không ai là không gầm gừ với Trung Quốc.
Về phía Việt Nam cũng vậy, tôi không cho rằng lãnh đạo Việt Nam họ không hề ngây thơ như người ta vẫn nói. Ngược lại, tôi thấy họ khôn hơn người ta tưởng. Nếu họ không khôn thì họ đã mất chính quyền từ những năm cuối thập niên 1980 khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Thế giới bao vây tứ phía kể cả Trung Quốc, trong tay thì không có tiền bạc, lạm phát 700%, họ phải đổi chiến lược sang thân Trung Quốc.
Giai đoạn khó khăn nhất này, họ phải chạy ngược, chạy xuôi để được xóa cấm vận với Hoa Kỳ. Tôi có những rủi ro và may mắn chứng kiến rất rõ giai đoạn lịch sử này, vì tôi là người như trong gia đình với cố tiến sĩ kinh tế Phan Tường Vân - người sáng lập ra nhóm thứ Sáu giúp cho cởi trói kinh tế của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt - nên tôi hiểu họ rất khôn và rất linh hoạt trong ngoại giao, mặc dù, có một giai đoạn nhỏ họ đã sai lầm về ngoại giao từ 1975 đến 1990.
Có bất ngờ giờ chót?
Mặc Lâm: Ông Nguyễn Tấn Dũng được xem gần như rời khỏi chức vụ tuy nhiên vẫn có đồn đoán cho rằng còn một bí mật nào đó vào giờ chót, BS có tin khả năng lật ngược thế cờ của ông Dũng là khả thi hay không?
4e0584b4-2830-43b7-915d-1ff00d467c9d-400
Một đại biểu với lá phiếu bầu cử nhân sự Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 vào ngày 17/1/2011 tại Hà Nội. AFP photo
BS Hồ Hải: Nói ông Dũng sẽ rời bỏ cuộc chơi thì tôi cho rằng chuyện đó khó thể xảy ra. Trên bình diện toàn cầu, Việt Nam xưa nay chỉ là một quân cờ nhỏ trên bàn cờ khu vực và thế giới. Việt Nam phải sống với thế giới, không thể tách rời.
Hãy nhìn lại lịch sử 85 năm ra đời và 70 năm cầm quyền của đảng cộng sản ở Việt Nam là lịch sử của những biến cố lịch sử của đất nước và dân tộc.
Trong 70 năm cầm quyền ấy, chiến lược ngoại giao của đảng cầm quyền đã trải qua nhiều sách lược cụ thể khác nhau, nhưng trên một sách lược chung của Tôn Tử: "Dĩ bất biến ứng vạn biến" nhằm giữ vững vị trí đảng cầm quyền.
Tùy theo chiến lược cụ thể mà, chọn ra những lãnh đạo tối cao vào chức tổng bí thư đảng cho phù hợp với nhiệm vụ lịch sử giao phó.
Từ 1945 đến 1975 con đường ngoại giao của đảng cộng sản cầm quyền ở miền Bắc là, đa phương với phe cộng sản anh em để tận dụng sức người, sức của phục vụ thống nhất giang sơn, xâm lược miền Nam, thu về một mối. Ông Lê Duẩn hoàn thành tốt nhiệm vụ này nhất sau sai lầm trong cải cách ruộng đất của ông Trường Chinh.
Từ 1975 đến 1986, lịch sử đòi hỏi chống bành trướng bá quyền Trung Quốc phương Bắc, quan hệ ngoại giao thiên tả Liên Xô và Đông Âu cũ. Có ý kiến cho rằng sai lầm và bỏ qua cơ hội, vì không biết sử dụng quan hệ ngoại giao đa phương như thời nội chiến, mà để nước Mỹ cấm vận, Trung Quốc gây hấn. Và một số nhà lãnh đạo có khuynh hướng thân Trung Quốc phải lưu vong như Hoàng Văn Hoan...
Một thời kỳ mới, từ 2016 đến tương lai là một chiến lược ngoại giao đa phương với Hoa Kỳ và phương Tây, vẫn giữ hiếu hòa và không lép vế với Trung Quốc là bắt buộc phải làm.
- BS Hồ Hải
Sau đó, từ 1986 đến 2015 là sự trao lại ghế tổng bí thư cho ông Nguyễn Văn Linh và các đời Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng để phù hợp với tình hình buộc phải hữu hảo với Trung Quốc sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, qua Hội nghị Thành Đô tháng 9/1990.
Cứ mỗi lần thay đổi chiến lược ngoại giao như thế đều phải qua một cái gọi bất thành văn là: Thỏa hiệp. Vậy thỏa hiệp là gì?
Thỏa hiệp là một phần thiết yếu trong mọi mối quan hệ, bất kể là với đồng nghiệp, bạn bè, thành viên trong gia đình hay bạn đời của bạn. Biết rõ khi nào cần giữ vững quan điểm, cũng như điều gì xứng đáng để tranh cãi đều quan trọng như nhau.
Mà phải là Thỏa hiệp 2 tầng: tầng trong nước phải hợp với đảng để giữ vững vai trò cầm quyền. Tầng Quốc tế phải phù hợp với quan hệ ngoại giao kinh tế, chính trị, văn hóa, v.v… đúng thời thế. Vì quan hệ ngoại giao không chỉ ở trong nội bộ đảng cầm quyền, mà còn một thỏa hiệp ngầm với các đối tác mà đảng cộng sản đang bang giao với Quốc tế.
Nên, nếu 1945 đến 1975 là thỏa hiệp tầng một trong đảng cộng sản ở miền Bắc, mà còn thỏa hiệp của đảng cộng sản với các đảng cộng sản anh em đang giúp đỡ cho Bắc Việt, nhằm đạt mục tiêu thống nhất giang sơn, để chọn ra con người phù hợp nhất là ông Lê Duẩn. Ông Duẩn vẫn còn phù hợp, mặc dù quan niệm rất cổ hủ nên sai lầm và bỏ qua cơ hội đến 1986 buộc ông và nhóm của ông phải ra đi để những con người khác phù hợp hơn với thời cuộc.
Đến giai đoạn 1986 - 2015, một chiến lược cởi trói kinh tế để ổn định chính trị và đảng vẫn nắm vững vai trò lãnh đạo, thì nền kinh tế có lớn lên. Những thế hệ tổng bí thư thích hợp với quan hệ Trung Hoa, nhưng vẫn giữ quan hệ với Nga hậu Liên Xô ra đời; trong đó cũng có những con người thiên về Nga phải ra đi như Trần Xuân Bách. Và kết quả này cũng là một thỏa hiệp 2 tầng giữa nội bộ đảng cộng sản ở Việt Nam, với đảng cộng sản Trung Hoa là chủ yếu, sau đó là các Quốc gia có quan hệ làm ăn kinh tế.
Song hành với sự lớn lên của kinh tế trong thời kỳ 1986 đến 2015, thì chính trị lại tỏ ra ù lỳ và lỗi thời, không đáp ứng được với kinh tế. Hậu quả là tha hóa, tham nhũng, và kinh tế đã suy yếu trong từ cuối năm 2007 đến nay vẫn chưa thoát được. Trong khi đó, kinh tế ngày càng lệ thuộc Trung Quốc cả nhà nước lẫn tư nhân. Nhập siêu ngày càng lớn với Trung Quốc, biển đảo, vùng trời và đất liền cũng ngày càng bị Trung Quốc lấn chiếm.
Một thời kỳ mới, từ 2016 đến tương lai là một chiến lược ngoại giao đa phương với Hoa Kỳ và phương Tây, vẫn giữ hiếu hòa và không lép vế với Trung Quốc là bắt buộc phải làm. Song hành với chiến lược ngoại giao này, con người nào sẽ đóng vai trò lịch sử? Vì thỏa hiệp 2 tầng như cũ đã lỗi thời và không còn phù hợp, do Trung Quốc không chỉ ngày càng xâm lấn, mà cũng đang suy sụp kinh tế khó thể giữ vững chính trị đơn nguyên tập quyền.
Và tôi tin rằng, 200 ủy viên trung ương đảng cộng sản sẽ đủ sáng suốt để chọn một con người cho tình hình mới. Và vấn đề Việt Nam không phải con người, mà là thể chế chính trị đang kiềm hãm mọi mặt xã hội, kể cả đạo lý làm người chứ không chỉ kinh tế.
Về mặt quy luật xã hội Việt Nam thực tế hiện nay có thể so sánh hình ảnh của Miến Điện cuối thập niên 1980s sau đó ông Than Shwe phải nới lỏng chính trị độc tài cho các nhà tù chính trị và dần đi đến trao quyền cho Thein Shein để tiếp tục con đường cải tổ chính trị.
Mô hình kinh tế lấy tài nguyên đổi cơ sở hạ tầng đã hết thời ở quốc gia đất chật người đông như Việt Nam.
Bán sức lao động rẻ mạt được bao nhiêu? Đè dân ra đánh thuế đến lúc nào đó dân cũng không còn tiền mà lấy, thì dân nổi dậy.
Trong khi đó, ngân sách không đủ chi, mà nợ thì mỗi năm ập tới phải trả  cả vốn lẫn lãi lên đến 16  tỷ đô la - chiếm 10% tổng sản lượng nền kinh tế, mà nền kinh tế lại chủ yếu đựa vào giá dầu phải $90/thùng mới đủ chi, thì giá dầu lại hạ đến $30/thùng như hiện nay và sẽ còn xuống nữa.
Công nghệ thông tin làm dân thức tỉnh, lòng dân chán ngán, dù bất kỳ ai lên cũng phải thay đổi, chứ không thể vẫn như cũ được.
Lịch sử gọi tên ai, người đó sẽ ghi danh là minh quân hay hôn quân là điều chắc chắn. Nhưng còn một điều khác nữa, là đã đến lúc phải chuyển đổi nền chính trị Việt Nam không thể cưỡng lại được.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

No comments:

Post a Comment