Friday, January 15, 2016

Trung Quốc bày thêm trò mới tại biển Đông

Theo Người Việt-16-01- 2016 2:03:47 PM 
Tân Hoa Xã cho biết, chính quyền “thành phố Tam Sa” đã soạn xong kế hoạch kêu gọi tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng trên những hòn đảo ở biển Đông. 


Nhóm du khách đầu tiên được Trung Quốc đưa đến “du lịch” tại “thành phố Tam Sa.” (Hình: Tân Hoa Xã)

Tam Sa là tên một “thành phố” được Trung Quốc thành lập vào Tháng Bảy năm 2012. Thành phố này thuộc tỉnh Hải Nam và bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa cùng với tất cả các bãi đá nằm trong phạm vi mà Trung Quốc đòi chủ quyền tại biển Đông. Thủ phủ của “thành phố Tam Sa” được đặt tại đảo Phú Lâm mà Trung Quốc cưỡng đoạt của Việt Nam hồi Tháng Giêng năm 1974 khi thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Qua Tân Hoa Xã, ông Phùng Văn Hải, một phó thị trưởng của “thành phố Tam Sa,” giới thiệu kế hoạch vừa kể (xây dựng Trung Tâm Cấp Cứu về Y Tế và Hàng Hải, kéo cáp quang và phủ sóng wifi trên tất cả các đảo, bãi đá có hay không có người ở,...) và nói thêm, kế hoạch mang tên “chương trình đối tác công-tư” này sẽ được thực hiện ngay trong năm nay. Cũng theo lời ông Hải thì kể từ năm nay, Trung Quốc sẽ thiết lập một đường bay, thường xuyên thực hiện các chuyên bay đưa người đến “thành phố Tam Sa.”

Bất chấp các đề nghị, khuyến cáo, phản đối của cộng đồng quốc tế về việc thay đổi hiện trạng biển Đông, khiến tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á càng lúc càng căng thẳng, chưa kể sự lo ngại Trung Quốc độc chiếm biển Đông, xâm hại quyền tự do lưu thông cả trên biển lẫn trên không trong khu vực này càng ngày càng lớn, Trung Quốc vẫn tiếp tục bày ra đủ chiêu, đủ trò để từng bước củng cố cho yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên biển Đông.

Sau khi bồi đắp bảy bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, Trung Quốc ráo riết xây dựng hạ tầng trên chuỗi đảo nhân tạo đó. Trong khi các không ảnh được chụp từ vệ tinh cho thấy, hạ tầng trên chuỗi đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở quần đảo Trường Sa là hạ tầng của các căn cứ quân sự và chỉ có một cách lý giải, đó là các cảng, phi trường, công sự, nhà kho mà Trung Quốc đã và đang xây dựng chính là nhằm hỗ trợ cho mục tiêu khống chế toàn bộ biển Đông bằng cả Hải Quân lẫn Không Quân thì Trung Quốc thản nhiên giải thích, hệ thống đảo nhân tạo và những công trình trên đó chỉ nhằm... nghiên cứu khoa học, thực thi nghĩa vụ quốc tế (cứu nạn hoặc hỗ trợ cứu nạn khi xảy ra thảm họa, thiên tai trong khu vực). Trung Quốc cũng liên tục trấn an cộng đồng quốc tế rằng, Trung Quốc tôn trọng quyền tự do lưu thông và sẽ làm hết sức để bảo vệ các quyền đó. Thế nhưng ngay sau đó các Đài Kiểm Soát Không Lưu mà Trung Quốc vừa thiết lập tại biển Đông đã ra lệnh cho các phi cơ của Philippines, Hoa Kỳ đang thực hiện các phi vụ tuần thám ở biển Đông phải báo cáo vì “xâm nhập không phận của Trung Quốc” và yêu cầu những phi cơ này phải “rút ra ngay lập tức.”

Kế đó, Trung Quốc tổ chức xây dựng các hải đăng trên một số đảo nhân tạo. Xây dựng tổng kho nhiên liệu trên đảo Phú Lâm. Tổ chức cho các “phi cơ dân dụng” thử hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.

Các chuyên gia an ninh-quốc phòng đã liên tục cảnh báo, những việc Trung Quốc đã và đang làm tại biển Đông không phải là tùy hứng. Trung Quốc có một kế hoạch toàn diện và đang tuần tự thực hiện kế hoạch độc chiếm toàn bộ biển Đông. Khi kế hoạch này hoàn tất, cộng đồng quốc tế sẽ bị đặt trước “một chuyện đã rồi.” (G.Đ)


No comments:

Post a Comment