QUẢNG BÌNH (NV) - Chỉ trong vòng mười ngày, có tới hai lần các tài xế vây trạm thu phí Quán Hàu, tọa lạc trên quốc lộ 1, đoạn chạy ngang xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Tài xế vây trạm thu phí Quán Hàu ở Quảng Bình. Giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bị tắc. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì rất nhiều xe đò, xe vận tải vây trạm thu phí Quán Hàu treo banner: “Chúng tôi chỉ cần công bằng,” “Chúng tôi đã chịu nhiều thiệt thòi sau hơn năm năm đóng phí.”
Trước đây, Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam đặt ra trạm thu phí Quán Hàu để thu lại khoản tiền đã đầu tư xây dựng cầu Quán Hàu. Đến cuối năm 2010, bộ này quyết định dừng thu phí cầu Quán Hàu nhưng trạm thu phí Quán Hàu vẫn hoạt động để... thu lại khoản tiền đã đầu tư xây dựng con đường bọc qua thành phố Đồng Hới. Dẫu không dùng đường này, các loại xe từ bốn chỗ trở lên vẫn phải trả phí!
Tình trạng tài xế, dân chúng vây các trạm thu phí xảy ra càng ngày càng nhiều và được dự đoán là sẽ thường xuyên hơn vì kể từ ngày 1 tháng 1 năm nay, phí qua lại các công trình hạ tầng (cầu, đường) được thực hiện theo phương thức BOT (đầu tư-xây dựng-chuyển giao) đã tăng gấp ba.
Hôm 10 tháng 1, dân chúng cư ngụ tại thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã chặn xe của các Đại biểu Quốc Hội để yêu cầu dẹp bỏ trạm thu phí Lương Sơn nằm trên quốc lộ 6. Cách nay hơn hai tháng, hồi cuối tháng 10 năm 2015, dân chúng địa phương cũng từng vây trạm thu phí này.
E ngại trước phản ứng càng lúc càng quyết liệt của dân chúng, đặc biệt là của giới tài xế và các doanh nghiệp vận tải, Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam từng đề nghị Bộ Tài Chính Việt Nam khoan áp dụng quyết định tăng phí đối với các công trình hạ tầng (cầu, đường) được thực hiện theo phương thức BOT kể từ 1 tháng 1, 2016.
Thế nhưng Bộ Tài Chính Việt Nam vừa khẳng định, đề nghị của Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam không phù hợp với “chỉ đạo của thủ tướng,” đó là phải thực hiện đúng các cam kết với những nơi đã bỏ vốn ra xây dựng công trình hạ tầng.
Bởi phí giao thông tác động đến tất cả các mặt của sinh hoạt, đời sống, dân chúng Việt Nam gọi phí giao thông là một kiểu “mãi lộ hợp pháp.” Dẫu chỉ trích về các khoản “mãi lộ hợp pháp” mà mọi người, mọi giới phải trả không trực tiếp (khi đi lại) thì cũng gián tiếp (khi mua sắm các loại hàng hóa, dịch vụ với giá cao hơn do chúng phải “cõng” phí giao thông) càng lúc càng kịch liệt nhưng “phí giao thông” không những không giảm mà còn tiếp tục tăng cả về mức phí lẫn số lượt phải trả.
Năm ngoái, dân chúng, doanh giới, báo giới lẫn các viên chức địa phương từng nêu trường hợp quốc lộ 14 như một bằng chứng về những nguy hại cho dân sinh, kinh tế của phí giao thông. Quốc lộ này dài khoảng 550 cây số, chạy từ Bình Phước, qua các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai đến Kon Tum. Sau khi được mở rộng và tu sửa lại, trên quốc lộ 14 có đến 10 trạm thu phí. Trung bình cứ di chuyển khoảng 50 cây số, xe cộ phải dừng lại trả phí một lần.
Ông Đoàn Đức Lập, chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải Ô Tô tỉnh Gia Lai, bảo rằng, do quá nhiều trạm thu phí, cước vận chuyển phải tăng, giá hàng hóa, đặc biệt là nông sản buộc phải tăng theo, nông dân và người tiêu dùng lãnh đủ.
Ông Lê Quang Mão, chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải Ô Tô tỉnh Đắk Lắk, khẳng định, trạm thu phí đã nhiều mà công an mỗi tỉnh còn lập thêm hai trạm kiểm tra nên cước vận chuyển không thể không tăng.
Báo chí Việt Nam khảo sát và cho biết, trước đây, giá cước vận chuyển một tấn nông sản từ Đắk Lắk về Sài Gòn khoảng từ 400,000 đến 450,000 đồng, bởi tác động của phí giao thông đã tăng lên gấp rưỡi (từ 800,000 đồng đến 900,000 đồng/tấn).
Một viên chức là lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, yêu cầu ẩn danh, than với báo giới, đoạn quốc lộ 14 chạy qua Đắk Nông chỉ có chiều dài chừng 150 cây số song hiện có ba trạm thu phí và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến kinh tế của tỉnh này, đặc biệt là chuyện thu hút đầu tư vì thế sẽ khó khăn hơn.
Cũng vì vậy, năm ngoái, một phó thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu Bộ Giao Thông-Vận Tải và Bộ Tài Chính Việt Nam kiểm tra và báo cáo về tình trạng càng ngày càng nhiều trạm thu phí đường bộ.
Sau đó, Viện Chiến Lược và Phát Triển Giao Thông-Vận Tải, loan báo, tính đến tháng 4 năm ngoái, hệ thống quốc lộ tại Việt Nam có 37 trạm thu phí BOT. Đến năm nay, trên hệ thống quốc lộ ở Việt Nam sẽ có 69 trạm thu phí BOT. Nếu căn cứ vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam thì đến năm 2020, trên hệ thống quốc lộ ở Việt Nam, con số trạm thu phí BOT sẽ tăng lên thành... 120! (G.Đ)
01-14- 2016 4:47:27 PM
No comments:
Post a Comment