Friday, January 15, 2016

Tự do dân sự và báo chí truyền thông

Theo VNTB-16-01-2016
Lữ Hành Gia (VNTB) Trong những ngày gần đây khi mà ngày Đại hội sắp đến thì trên internet đã có rất nhiều thông tin từ đủ mọi nguồn về tình hình nhân sự của kỳ Đại hội. Mức độ xác thực của các thông tin thì chưa rõ ràng nên cũng không thể tin cậy hoàn toàn nhưng thiết nghĩ nguồn gốc của những thông tin đó có thể là phát xuất từ những nhận định khác nhau về chính trị tại Việt Nam và sau đó chúng bắt đầu thăng hoa thành thông tin và từ thông tin chúng lại biến thành dư luận và những khối dư luận này tha hồ thi triển sự bí ẩn của mình.


Nếu những người nào có quan điểm khác biệt so với khối dư luận này thì có thể phân định rõ ràng để không bị chi phối bởi khối dư luận ấy nhưng chính những người đó cũng đồng thời với luồng quan điểm của họ thì cũng có thể tạo nên một khối dư luận khác một cách dễ dàng, như vậy có thể nói việc tạo nên dư luận là không hề khó như một kiểu tung ra một khối thực thể thông tin hỗn mang lưu hành trong xã hội.

Nhưng điều này lại thể hiện rõ ràng rằng vì sao lại có những khối dư luận như vậy, đó là xuất phát từ nhu cầu thông tin của con người. Con người quả thật cũng cần thông tin như là họ cần thức ăn nước uống vậy và sâu xa hơn nữa là chính là từ nhu cầu muốn nhận biết thế giới xung quanh của họ, con người luôn luôn tò mò và muốn biết và trải nghiệm hết tất cả cho nên việc hạn chế tự do thông tin là điều không thể và hoàn toàn bất khả thi bởi vì nó xuất phát từ căn tính của loài người.

Khi giáp mặt với một khối dư luận thì người ta có thể nghĩ ra hàng ngàn cách để có thể làm tan rã khối dư luận đó bằng cách cải chính, đính chính, thông cáo báo chí, họp báo, chia sẻ thông tin... nhưng trên thực tế những điều này lại không mấy hữu hiệu nếu ở tại một nơi có hạn chế về sự tự do được biết về thông ti, sự kiện tức là nếu con người ta có mức độ tiếp cận và nhận diện sự thật về thông tin, sự kiện ở mức cao thì có thể sự tò mò của họ sẽ không ở mức độ cực đoan mà lại tạo nên những dư luận không hay ho, tức là mấu chốt của vấn đề đó là nếu có thể thỏa mãn cái căn tính tò mò của con người ở một mức độ nhất định thì họ sẽ không (hoặc tạm thời không) chất vấn và muốn biết về những thông tin đó nữa.

Nhưng sẽ là phản tác dụng nếu sự tự do thông tin vốn bị hạn chế theo kiểu chỉ có thể nhận được thông tin “chính thống” từ một nguồn duy nhất mà nguồn ấy mới là nguồn được công nhận mà hạn chế các cách khai thác khác thì chẳng những không thể cải chính mà còn làm dấy lên thêm sự tò mò trong con người và ngược lại phương tiện dùng để thỏa mãn sự tò mò nếu được đa dạng hóa thì sự thỏa mãn về thông tin của con người càng được đáp ứng vì thế cho nên ở những nơi hạn chế tự do báo chí và tác nghiệp là càng làm trầm trọng thêm tình hình mà đây cũng chính là nguyên nhân chính đẻ ra cái gọi là Thuyết Âm mưu tức là những câu chuyện về một sự kiện nào đó mà người ta có thể gán ghép đủ thứ chi tiết cho nó mà sự thật về câu chuyện đó cũng không thể được biết một cách chính xác vì sự thật không được phát hiện ra hoặc được công bố bởi một nguồn nào đó có uy tín hoặc có trách nhiệm mà có thể làm thỏa mãn cái căn tính tò mò của những người có nhu cầu.

Khi các nhà Triết học chính trị tìm ra nguyên tắc tam quyền phân lập dựa trên cơ sở đối trọng kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp thì nền chính trị của con người dường như vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng sự trung thực của nguyên tắc Tam quyền phân lập kia thì họ cũng đã tìm ra yếu tố “quyền lực thứ 4” chính là báo chí và truyền thông để nhằm giám sát luôn cả ba nhánh kia để đảm bảo rằng một sự cân bằng hài hòa các yếu tố chính trị vừa nhằm làm thể hiện quyền tự do dân sự của công dân bởi vì nhánh quyền lực thứ 4 này một phần xuất phát từ nhu cầu - như đã nêu ở trên - chính là nhu cầu về thông tin, tức là căn tính tò mò của con người mà đồng thời nó cũng đại diện cho những quyền tự do cơ bản khác của công dân về chính trị. Vì vậy có thể thấy ở những nơi mà quyền lực thứ 4 này bị hạn chế thì quyền tự do dân sự của công dân cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Có thể thấy báo chí truyền thông là nhánh quyền lực gần nhất với công dân nếu như đặt trong mối quan hệ với giữa công dân và nhà nước, nó xuất phát từ tính xã hội nhiều hơn là so với ba nhánh còn lại vì vậy nếu nhánh thứ tư này cũng bị kiểm soát chặt chẽ thì quả thật chưa thể đạt được sự tự do dân sự căn bản cũng như các quyền cơ bản của công dân, khi mà sự tự do báo chí truyền thông, thông tin của công dân bị hạn chế thì cũng giống như họ đang bị thiếu đi những nhu cầu căn bản, tự nhiên của con người vậy, nhất là sự tò mò mà hơn nữa báo chí truyền thông phải mang tính xã hội cao thì mới đúng là một nhánh quyền lực thứ 4 thực thụ của công dân để thay cho việc nó trở thành một phương tiện của nhà nước.

Tất cả những phân tích trên cũng một phần nói lên rằng những thông tin được xuất phát từ nhiều nguồn trên mạng internet hay trên mạng xã hội hiện nay chính là một cách để phản ứng lại sự hạn chế được tiếp cận thông tin và nhận biết sự thật về thông tin tại Việt Nam hiện nay, phản ứng này âu cũng là một điều bình thường như là một lực đẩy muốn phá đi những lớp rào để đến với sự thỏa mãn về thông tin, tính tò mò của nhân dân từ đó mới hình thành  nên những khối dư luận, những trang web đăng tải về thông tin nhân sự Đại hội mà không được xem là chính thống, bởi lẽ có thể trong xã hội vào thời điểm này đang có nhu cầu muốn biết nhiều thông tin hơn nữa về sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam thì những diễn đàn thông tin đó như là một liều thuốc đáp ứng sự tò mò của xã hội một cách đầy đủ hoặc tạm thời.

Hơn nữa tại Việt Nam lúc này báo chí truyền thông vẫn là phương tiện quan trọng của nhà nước nên tất nhiên phải mang tính lợi ích nhà nước trước tiên chứ chưa phải là một “quyền lực thứ 4” như đúng nghĩa của báo chí truyền thông thực hiện nhiệm vụ giám sát và mang tính xã hội, gần gũi với công dân.Thế nên việc tìm đến những trang mạng xã hội có chứa thông tin phi chính thống về khác sự kiện chính trị quan trọng tại Việt Nam chính là do xã hội chưa đủ hài lòng hoặc không hài lòng về những thông tin do báo chí truyền thông thuộc quyền quản hạt của nhà nước và đây cũng một điều dễ hiểu nếu truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ bởi nhà nước thì nhân dân có quyền tìm những nguồn khác để biết thêm về thông tin nhằm thỏa mãn sự tò mò của họ mà có thể chưa cần biết đến mức độ xác thực của thông tin, đây cũng là hệ quả của việc hạn chế tự do báo chính truyền thông, tiếp cận thông tin tại Việt Nam và sau cùng nó cũng phản ánh phần nào về một sự khép kín trong những quy trình chính trị lớn tại Việt Nam ví dụ như những khâu chuẩn bị Đại hội trong những ngày qua mà khiến người ta khó lòng biết được thông tin và sự thật bởi lẽ nếu thật sự rõ ràng thì có lẽ người ta không cần phải tìm đến những nguồn thông tin khác để thỏa mãn nhu cầu.

Triển vọng về tự do thông tin báo chí truyền thông tại Việt Nam thì đó là cả một câu chuyện dài nhưng qua việc theo dõi các luồng thông tin trên internet trong những ngày trước thềm Đại hội thì có thể có nhiều thông tin có thể bị xếp vào là dạng “xuyên tạc, tin đồn thất thiệt” nhưng nếu quan sát một cách khách quan nhất thì những nguồn thông tin đó cũng như là một sự phản ánh một phần về thực trạng tự do thông tin cũng như thực trạng về tình hình báo chí truyền thông tại Việt Nam và cũng hy vọng sẽ có những thay đổi và cải thiện trong tương lai. Thiết nghĩ giải pháp vẫn là tạo hành lang pháp lý để nới rộng những quyền tự do trên vì những nhu cầu tự do xuất phát từ xã hội và công dân là không thể bàn cãi, không thể né tránh, không thể bị chất vấn và nghi ngờ, chỉ có thể nhìn nhận những nhu cầu đó và đáp ứng chúng một cách nghiêm túc và khách quan .

No comments:

Post a Comment