HÀ NỘI (NV) - Chỉ trong vòng hai tuần, SJC - công ty độc quyền gia công vàng thành miếng và kinh doanh vàng miếng tại Việt Nam đã hai lần ngưng mua vàng miếng bị móp méo hoặc chỉ có “một chữ.”
Chỉ trong vòng hai tuần, SJC hai lần ngưng mua vàng miếng bị móp méo hoặc chỉ có “một chữ.” (Hình: Tuổi Trẻ)
Vàng “một chữ” là vàng chỉ có một chữ cái trên chuỗi số thứ tự đóng trên mặt miếng vàng. Tuy cũng là SJC nhưng vàng “một chữ” là những miếng vàng được SJC gia công trước ngày trở thành doanh nghiệp độc quyền gia công và kinh doanh vàng miếng tại Việt Nam. Sau khi trở thành doanh nghiệp độc quyền gia công và kinh doanh vàng miếng tại Việt Nam, vàng miếng của SJC có hai chữ cái trên chuỗi số thứ tự đóng trên mặt miếng vàng và được mọi người gọi là vàng “hai chữ.”
Bởi sự kiện SJC ngưng mua vàng miếng chỉ có “một chữ” và vàng miếng bị móp méo, các cửa hiệu kinh doanh vàng cũng ngưng mua những loại vàng này. Nếu cửa hiệu nào mạo hiểm mua vào thì ép giá mua xuống.
Chủ các cửa hiệu vàng phân trần, họ hoàn toàn không muốn bắt chẹt người mua nhưng vì SJC hành xử như vậy, thành thử mạo hiểm mua vào mà SJC không mua lại thì họ không biết bán cho ai.
Trường hợp ông Trần Văn Tuấn, ngụ tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, phải tìm lên Hà Nội bán 60 lượng vàng “một chữ” để mua nhà và số tiền thu về chỉ tương đương 59 lượng vàng “hai chữ” trở thành đề tài bàn luận của mọi người. Số người hoang mang bởi vàng mà họ dành dụm đột nhiên mất giá, thậm chí có thể không hoán đổi được tăng vọt!
Theo tờ Tuổi Trẻ thì một đại diện của SJC mới giải thích rằng, thật ra phẩm chất của vàng móp méo, vàng “một chữ” chẳng khác gì vàng “hai chữ,” tuy nhiên, do Ngân Hàng Nhà Nước khống chế số lượng vàng miếng mà SJC được phép gia công hàng năm, thành ra nếu Ngân Hàng Nhà Nước không nâng hạn mức thì SJC không thể làm gì khác, bởi lượng vàng tồn kho càng lớn thì nguy cơ mất cân đối về vốn càng cao!
Ngân Hàng Nhà Nước chưa nói gì về chuyện này. Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam, vừa mới lên tiếng hối thúc Ngân Hàng Nhà Nước phải sớm có giải pháp ổn định thị trường, điều chỉnh cơ chế quản lý-điều hành sao cho linh hoạt hơn để dân chúng không bị thiệt.
* Nhà nước hành xử như “mafia”
Cơ chế quản lý và điều hành thị trường vàng ở Việt Nam của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam từng được xem như một kiểu hành xử của mafia.
Ngày 24 tháng 4 năm 2013, tờ Thanh Niên từng làm rúng động dư luận khi đang bài “Rửa vàng bằng cơ chế.” Lúc đó, tờ báo này dựa vào các số liệu của Hiệp Hội Vàng Thế giới để tìm câu trả lời cho thắc mắc chung của dân chúng: Tại sao giá vàng tại Việt Nam luôn cao hơn giá vàng trên thế giới, có khi tới gần một chục triệu mỗi lượng? Tại sao Ngân Hàng Nhà Nước tìm mọi cách xóa bỏ các thương hiêu vàng để hướng thị trường vàng Việt Nam tới chỗ, chỉ còn một thương hiệu duy nhất là SJC? Tại sao nguồn vàng trong nước không thiếu nhưng không dùng trực tiếp mà lại tạo thêm qui trình “tạm xuất, tái nhập” (gom vàng hiện có, tạm chuyển ra nước ngoài, sau đó mang trở lại Việt Nam), rồi mới sử dụng để đúc thành vàng miếng?
Câu trả lời từ phía tác giả là vàng đã, đang, cũng như sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam dưới dạng nhập lậu, với số lượng lên tới hàng chục tấn/năm (tại sao có thể mang lậu vào Việt Nam hàng chục tấn vàng thì không ai điều tra) và nỗ lực hướng thị trường vàng ở Việt Nam tới chỗ chỉ còn một thương hiệu duy nhất là SJC chính là cơ sở để cho phép “tạm nhập, tái xuất.” Nói cách khác, “tạm nhập, tái xuất” chính là phương thức chuyển hóa vàng nhập lậu thành vàng hợp pháp.
Tuy “Rửa vàng bằng cơ chế” được công chúng tán thưởng nhưng Ngân Hàng Nhà Nước lại nổi giận. Thay vì hành xử theo các quy định sẵn có tại Luật Báo Chí: Yêu cầu đính chính. Kiện đòi cải chính và bồi thường thiệt hại thì Ngân Hàng Nhà Nước lại soạn - gửi một văn bản đề nghị Tổng Cục An Ninh của Bộ Công An điều tra, xử lý, vì tác giả “cố tình suy diễn, bóp méo hàng loạt chủ trương chính sách của Nhà Nước về quản lý thị trường vàng, chuyển tải tới người đọc thông điệp sai về cơ chế, chính sách của chính phủ, Ngân Hàng Nhà Nước, tạo ra sự hoài nghi đối với các chủ trương, chính sách quản lý thị trường vàng và các nỗ lực phối hợp phòng, chống buôn lậu của các cơ quan Nhà Nước.”
Cũng cần nhắc lại là nhiều năm nay, các chuyên gia kinh tế đã từng phân tích, khẳng định nhiều lần rằng, tình trạng hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, hàng chục triệu người thất nghiệp, lạm phát tăng vọt, dân chúng lao đao trong cuộc vật lộn để mưu tìm cơm áo là do hàng loạt sai lầm của Ngân Hàng Nhà Nước và là lỗi của nội các đương nhiệm do ông Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo.
Cũng trong vài năm qua, cả Quốc Hội CSVN, lẫn chính phủ do ông Dũng điều hành đã có hàng chục lần thừa nhận (khi trực tiếp, lúc gián tiếp) rằng, những phân tích, những kết luận ấy không sai. Chỉ có điều là ông Dũng vẫn tại vị, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước vẫn cứ là ông Nguyễn Văn Bình và đã năm, bảy lần, cả thủ tướng lẫn thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước nói xa, nói gần về chuyện điều hành - thực hiện chính sách tiền tệ-tài chính- ngân hàng kém hiệu quả vì... báo chí làm dân chúng hoang mang.
Dưới nhãn quan của chính quyền ở một xứ cộng sản, hoang mang tất nhiên là có “màu sắc chính trị” và khi đã có “màu sắc chính trị” thì đương nhiên phải mời Tổng Cục An Ninh nhập cuộc.
Cuối cùng vì ở vị trí “đương sự,” tờ Thanh Niên phải đăng toàn văn văn bản phản bác “Rửa vàng bằng cơ chế” của Ngân Hàng Nhà Nước, kèm “đính chính” do tác giả “hiểu chưa đúng về các thuật ngữ nên nhầm lẫn, dẫn tới sai sót khi phân tích.” (G.Đ)
01-14-2016 5:02:07 PM
No comments:
Post a Comment