Friday, January 15, 2016

Dự thảo Luật tiếp cận thông tin: Cần chỉ rõ thông tin nào “đóng dấu mật”

Theo Daikynguyenvn - 16/01/2016 @ 08:25 
van ban mat tiep can thong tin
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn sinh Hùng đề nghị nghiên cứu thông tin những loại nào là mật, loại nào không mật đề đưa vào ngay trong Luật tiếp cận thông tin. (Ảnh minh họa internet)
“Nếu không quy định cụ thể, thì các ông tỉnh, huyện, xã cứ đóng cái dấu mật vào là xong, người dân không thể tiếp cận được, như vậy thì luật này không có ý nghĩa”.
Đây là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/1 về dự án Luật tiếp cận thông tin tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/1, theo báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: “Nếu thông tin mật không được xác định đúng, không được giải mật kịp thời sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Hiện nay, về tài liệu mật ở nước ta được quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 và tại một số pháp lệnh, nghị định có hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân là không phù hợp với Hiến pháp. Bởi vì, theo quy định của Hiến pháp thì việc hạn chế quyền công dân chỉ có thể được quy định bằng luật.”
Trao đổi về dự luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay, công dân có quyền yêu cầu cung cấp tất cả các thông tin không mật và thông tin đã được giải mật. Tất nhiên, thông tin nào là mật, được bảo mật trong bao nhiêu năm, thì tới đây khi xây dựng Luật bảo vệ bí mật Nhà nước sẽ được quy định cụ thể.
Không đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải nghiên cứu quy định ngay trong Luật tiếp cận thông tin những loại nào là mật, loại nào không mật.
Chủ tịch Quốc hội nói: “Nếu không quy định cụ thể, thì các ông tỉnh, huyện, xã cứ đóng cái dấu mật vào là xong, người dân không thể tiếp cận được, như vậy thì luật này không có ý nghĩa”.
tiep can thong tin van ban mat
Công dân có quyền tiếp cận thông tin một cách minh bạch. (Ảnh minh họa)
Theo thông tin trên báo Lao Động, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, luật này quan trọng nhất là thông tin, thông tin nào được luật cho tiếp cận, thông tin nào không cho tiếp cận thì cần phải được quy định rõ ngay trong luật này, còn việc bảo vệ thông tin lại là chuyện khác.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nếu luật này không giải quyết được vấn đề ông đã nêu thì luật này không có giá trị, các vấn đề khác đều không quan trọng bằng việc này, cấm cái gì cũng cần phải đưa vào luật.
Về Luật bảo vệ bí mật Nhà nước, ông Hùng cho rằng: “Luật bảo vệ bí mật nhà nước chỉ được quy định những cái nào là mật, mật ở mức độ nào, khi nào giải mật được, chứ không được quy định hạn chế quyền tiếp cận thông tin”.
Việc thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin trong một số trường hợp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lợi dụng vị trí đặc quyền trong tiếp cận thông tin để trục lợi, gây nên sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong xã hội.
Điều 69 Hiến pháp năm 1992 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Trong Hiến pháp năm 2013, theo Điều 25 của Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp…”.  Quyền tiếp cận thông tin của công dân là quyền hiến định, được pháp luật ghi nhận đầy đủ và rõ ràng.
Quyền được tiếp cận thông tin thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị, là quyền cơ bản của con người, được pháp luật các quốc gia và cộng đồng quốc tế công nhận.
Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”.
Cho đến nay đã có khoảng 100 nước ban hành đạo luật riêng quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Nước đầu tiên ban hành luật là Thụy Điển (năm 1766). Ở châu Á, một số nước đã ban hành luật về tiếp cận thông tin như Thái Lan (năm 1997), Hàn Quốc (năm 1996 và sửa đổi năm 2004, năm 2008), Nhật Bản (năm 2001), Ấn Độ (năm 2005), Trung Quốc (năm 2007), Indonesia (năm 2008)…
Từ Ân tổng hợp

No comments:

Post a Comment