Friday, January 15, 2016

Việt Nam : Đảng ở lại, chính phủ ra đi

RFI -  ngày 15-01-2016 17:44 
media
"Bộ tứ quyền lực" sau đại hội đảng khóa 11 đến nay (Từ trái qua: Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng) Reuters
Báo The vWall Street Journal số ra ngày 14/01/2016, có bài viết « Thủ tướng Việt Nam dường như sẽ không có mặt trong chính phủ mới » của James Hookway. RFI điểm bài viết này.
Thủ tướng Việt Nam dường như đã cố gắng sắp xếp cho nhiều người thân cận được ông đỡ đầu vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt vào lúc đảng Cộng sản đang chuẩn bị lựa chọn một ban lãnh đạo mới để điều hành đất nước có tăng trưởng nhanh chóng, thế nhưng bản thân ông Nguyễn Tấn Dũng, người có tư tưởng cải cách, dường như sẽ bị gạt ra bên ngoài.
Các nguồn thạo tin, ngày 14/01/2016, cho biết, ông Tổng Bí thư bảo thủ của Đảng sẽ tiếp tục giữ chức vụ này, ít nhất là thêm hai năm nữa và như vậy gạt ông Dũng ra ngoài, người được cho là đang muốn trở thành Tổng Bí thư, sau khi kết thúc hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đương nhiệm, đứng đầu một phe quyền lực bảo thủ hơn và phe này có cách tiếp cận thận trọng hơn trong các vấn đề chủ chốt như cải cách thị trường, chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các nơi đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Không thể liên lạc được với ông Dũng và ông Trọng để có bình luận của họ. Thông tấn xã Việt Nam chỉ đưa tin là đã có được một sự đồng thuận chung tại hội nghị trung ương về các ứng viên sẽ được xem xét tại Đại hội Đảng 12 khai mạc ngày 20/01/2016 và kéo dài trong một tuần.
Đại hội, được tổ chức 5 năm một lần để vạch ra những kế hoạch phát triển dài hạn của đảng Cộng sản, còn có thể thay đổi danh sách những người được lựa chọn để lãnh đạo một trong những nền kinh tế năng động nhất, trong 5 năm tới, nhưng điều này được xem là hiếm khi xẩy ra.
Các chuyên gia về Việt Nam nói rằng sẽ có ít thay đổi trong ban lãnh đạo chính trị cho dù ông Trọng đóng vai trò như một tác nhân nặng ký trong « bộ ba » lãnh đạo chóp bu có thể bao gồm Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là tân Thủ tướng và Bộ trưởng Công An Trần Đại Quang sẽ là Chủ tịch nước. Giới phân tích cho rằng hai tân lãnh đạo này được coi là những cộng sự thân cận của ông Dũng.
Ông Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Yusop Ishak Institute, Singapore, nói : « Đường lối hiện nay sẽ không thay đổi, nhưng các cải cách sẽ chậm hơn và ít thực chất hơn». « Ông Dũng có tư tưởng cải cách hơn và hành động có phương hướng rõ hơn. Ông không bị ràng buộc bởi những vấn đề ý thức hệ. Ông là một nhà lãnh đạo thực tế ».
Bên cạnh đó, ông Dũng, nay đã 66 tuổi, đã lãnh đạo Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP do Hoa Kỳ dẫn đầu. Ông cũng là người dẫn dắt Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đôi khi gây ngạc nhiên các mối quan hệ về quân sự và ngoại giao với Hoa Kỳ, trong nỗ lực ngăn chặn các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc tại các vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên ở Biển Đông.
Đảng Cộng sản đã cảnh cáo ông Dũng năm 2012 về công tác quản lý kinh tế khi tăng trưởng bị tụt giảm và lạm phát gia tăng. Thế nhưng, ông đã nhanh chóng phục hồi uy thế và thách thức ban lãnh đạo, một phần do lập trường dân tộc chủ nghĩa rất mạnh mẽ của ông trong vụ Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải của mình năm 2014.
Thế nhưng, một số nhà quan sát, như Zachary Abuza, giáo sư thuộc Trường Chiến Tranh Quốc gia, ở Washington, nói rằng, ông Trọng, năm nay 71 tuổi, truớc đây là người bảo vệ sự thuần khiết tư tưởng của Đảng, đã có những thay đổi trong những năm gần đây.
Ông đã chấp thuận để Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại TPP do Mỹ dẫn đầu và nói với báo The Walle Street Journal bằng văn bản viết hồi tháng Bẩy vừa qua rằng ông hy vọng Mỹ tiếp tục chính sách xoay trục về ngoại giao và quân sự sang Châu Á. Ông nói, cựu thù của Việt Nam là một lực lượng bảo đảm ổn định trong khu vực.

No comments:

Post a Comment