Dường như thái độ hung hăng của Trung Quốc đã đẩy Việt Nam, Nhật, Hoa Kỳ, Philippines xích lại gần nhau hơn để cùng bước tới, ngăn chặn Trung Quốc.
Tập trận giữa Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Philippines tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân của Philippines hồi tháng 4 năm ngoái. (Hình: marforpac.marines.mil)
Nikkei Asian Review, một tạp chí của Nhật, cho biết, chính phủ Nhật đang ráo riết hoàn tất Hiệp Định Chia Sẻ và Bảo Vệ Thông Tin Quân Sự với Việt Nam và Philippines. Hiệp định này sẽ giúp các bên có liên quan chia sẻ thông tin về những vấn đề liên quan đến quốc phòng và thông tin tình báo về “quân đội của các quốc gia khác.” Các bên có liên quan tất nhiên phải cam kết bảo vệ thông tin được chia sẻ. Nhật đã từng ký kết những hiệp định tương tự với Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc, Ấn Độ, NATO.
Cũng theo Nikkei Asian Review, chính phủ Nhật có mong muốn xa hơn, đó là đạt được thỏa thuận tương tự với các thành viên của Hiệp Hội Đông Nam Á. Hiệp định vừa kể mà Nhật muốn ký với Việt Nam và Philippines là bước đầu tiên để thực hiện mục tiêu đó.
Nếu không có gì thay đổi thì ông Gen Nakatani, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật sẽ sớm đến Việt Nam và Philippines để thảo luận về Hiệp Định Chia Sẻ và Bảo Vệ Thông Tin Quân Sự. Nhật cũng sẽ sớm hoàn tất những cam kết trợ giúp Việt Nam và Philippines nâng cao năng lực quốc phòng cả trong đào tạo lẫn viện trợ trang bị, thiết bị.
Có vài dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy, Nhật sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc. Cách nay vài ngày, ông Yoshihide Suga, Chánh Văn Phòng của chính phủ Nhật loan báo, Nhật đã thông báo cho Trung Quốc rằng, chính phủ Nhật đã ra lệnh cho Hải Quân Nhật trục xuất tất cả các tàu ngoại quốc ra khỏi lãnh hải của Nhật nếu những tàu này này không tôn trọng nguyên tắc qua lại không gây nguy hại. Trước đó có hai tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc xâm nhập khu vực Senkaku (quần đảo vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật song Trung Quốc một mực khẳng định là của Trung Quốc). Khi Hải Quân Nhật yêu cầu hai tàu này rời khỏi lãnh hải của Nhật, cả hai cùng tuyên bố rằng đang di chuyển trong vùng biển thuộc Trung Quốc rồi ra lệnh cho chiến hạm của Hải Quân Nhật đi chỗ khác.
Bộ Quốc Phòng Nhật cũng đã quyết định rút các phi cơ tuần thám loại P-3C ra khỏi chiến dịch chống hải tặc Somali của cộng đồng quốc tế để gia tăng giám sát tình hình biển Đông. Sắp tới những phi cơ loại này của Nhật sẽ nhận tiếp liệu tại các quốc gia nằm quanh biển Đông như: Việt Nam, Philippines, Malaysia.
Thái độ hung hăng của Trung Quốc về biển Đông cũng đã tạo ra thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Philippines là hai bên sẽ cùng tuần tra và phối hợp hành động tại biển Đông. Chưa có chi tiết về thỏa thuận này nhưng khi kết thúc hội nghị giữa hai ngoại trưởng và hai bộ trưởng Quốc Phòng của Hoa Kỳ, Philippines, người ta được biết, Hoa Kỳ đã tái khẳng định cam kết bảo vệ Philippines là “sắt đá.” Đồng thời Hoa Kỳ sẽ hành động để bảo vệ quyền tự do lưu thông, không để Trung Quốc kiểm soát biển Đông.
Ngoài việc tiếp tục hỗ trợ huấn luyện, tập trận, chia sẻ thông tin, Hoa Kỳ và Philippines cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để gia tăng việc hợp tác song phương, nhằm đáp ứng tốt hơn các thách thức về an ninh trong khu vực. Cũng cần nhắc lại là hồi đầu tuần này, Tòa Án Tối Cao của Philippines tuyên bố, hiệp định gia tăng hợp tác quốc phòng mà chính phủ Philippines ký với Hoa Kỳ năm 2014 là hợp hiến nên không cần Quốc Hội phê chuẩn.
Hiệp định vừa kể từng bị một số dân biểu Philippines tìm cách cản trở việc thực hiện bằng cách đề nghị Tòa Án Tối Cao của Philippines xem xét có vi hiến hay không. Phán quyết của Tòa Án Tối Cao Philippines sẽ giúp Hoa Kỳ có thể điều động quân đội đến Philippines thường xuyên trong khuôn khổ kế hoạch chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment