Friday, January 15, 2016

Bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” nên dùng bản dịch nào?

 Theo daikynguyen.vn-15/01/2016 @ 11:47 
nam quốc sơn hà
Tranh minh họa Lý Thường Kiệt - vị anh dân tộc , người có nhiều đóng góp cho sự bền vững của nước Đại Việt (Ảnh: baodatviet.vn)
Bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” (Sông núi nước Nam) với những câu thơ quen thuộc, nay đã được in trong SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 với những bản dịch khác, khiến nhiều người cảm thấy “ngỡ ngàng”.
Chỉ 28 chữ, với những lời thơ hào hùng và chí khí, bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt được ví như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chủ quyền lãnh thổ bất khả xâm phạm và nêu cao tinh thần không bao giờ khuất phục trước giặc ngoại xâm của dân tộc.
Bản dịch quen thuộc của nhà sử học Trần Trọng Kim:
Nguyên bản chữ Hán
南國山河
南 國 山 河 南 帝 居
截 然 分 定 在 天 書
如 何 逆 虜 來 侵 犯
汝 等 行 看 取 敗 虛
Bản phiên âm Hán-Việt:
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Bản dịch thơ:
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách Trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Nhiều người dân Việt Nam từ xưa tới nay đã quen với bản dịch cũ này thì nay ở sách Ngữ văn lớp 7, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành lại 3 bản dịch như sau:
Bản dịch của của Lê Thước – Nam Trân có từ năm 1977, là năm ra đời của cuốn Thơ văn Lý Trần.
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
tranh-cai-ve-ban-dich-moi-bai-tho-nam-quoc-son-ha
Bản dịch thơ bài Nam Quốc Sơn Hà của Lê Thước – Nam Trân trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, Tập 1. (Ảnh: vnexpress.net)
Ngoài ra còn 2 bản dịch khác được đăng kèm để học sinh tham khảo là:
Bản dịch trên nguyên bản bức sơn mài ở Viện Bảo tàng Lịch sử:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Sách trời phân định đã rạch ròi
Cớ sao giặc cướp xâm phạm tớiChúng bay thất bại hãy chờ coi.
Bản dịch của nhà thơ, dịch giả Ngô Linh Ngọc:
Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự
Sách trời định phận rõ non sông
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?Bay hãy chờ coi, chuốc bại vong.
Việc thay đổi này không những gây nhiều bàn tán trong dư luận mà cũng được các đại biểu quốc hội đưa ra ý kiến chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận vào tháng 11/2015.
Nhiều người cho rằng bản dịch của nhà sử học Trần Trọng Kim đã đi sâu vào lòng của người dân Việt Nam từ xưa tới nay, đọc nghe hào hùng và vần điệu hơn, còn các bản dịch khác khó đọc, câu chữ “ngang ngang” và không hay bằng bản dịch cũ. Cũng có người ý kiến rằng, vì là tiếng Hán dịch ra nên dịch theo cách nào cũng được.
Từ Ân tổng hợp

No comments:

Post a Comment