(Dân trí) - Theo phía Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, đường ống dẫn nước sông Đà vẫn có nguy cơ tiếp tục bị vỡ.
Kể từ khi đưa vào sử dụng từ năm 2009 đến nay, đường ống dẫn nước sạch sông Đà đã 7 lần bị vỡ. Sự cố vỡ ống nước gần đây nhất xảy ra vào khoảng 21h tối ngày 17/6, tại km25 Đại lộ Thăng Long thuộc khu vực cầu vượt Đồng Trúc (đoạn qua huyện Thạch Thất - Hà Nội). Sự cố đã khiến cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân trên các quận nội thành Thủ đô bị đảo lộn.
Ngày 18/6, Cục Giám định - Bộ Xây dựng cũng đã có kết luận nguyên nhân nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến ống truyền tải nước Sông Đà được xác định do chất lượng của ống không đồng đều.
Tại một số vị trí của ống có hiện tượng bong rộp, tách lớp, một số chỉ tiêu cơ lý không đảm bảo dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ của đường ống, thiếu các yêu cầu kỹ thuật đối với việc sản xuất, thi công lắp đặt ống theo tiêu chuẩn áp dụng.
Đường ống sông Đà liên tiếp vỡ đến lần thứ 7
Liên quan đến sự việc trên, ông Trương Quốc Dương, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex cho biết: “Chúng tôi chỉ là đơn vị quản lý vận hành, với trách nhiệm chính là khi có sự cố xảy ra thì phải làm sao nhanh nhất để khắc phục và cung cấp nước trở lại cho người dân”.
Về việc thời gian thi công để làm lại đường ống dẫn nước, ông Dương cho biết cần có dự án cụ thể và mất nhiều thời gian chứ không phải nói một hai câu là xong.
Theo ông Dương, ngay sau khi nhận được thông tin sự cố xảy ra vào tối ngày 17/6, đơn vị đã huy động hơn 150 cán bộ, công nhân viên chức làm việc suốt đêm để khắc phục sự cố, cung cấp mước trở lại cho người dân vào 10h sáng ngày hôm sau.
Nói về kết luận của Bộ xây dựng về nguyên nhân vỡ ống nước sông Đà, ông Dương cho rằng: “Nếu căn cứ theo kết luận của Bộ Xây dựng thì đường ống dẫn nước sông Đà vẫn có nguy cơ tiếp tục bị vỡ”.
Ông Dương cũng cho biết, hiện đơn vị đang triển khai dự án xây dựng và lắp đặt tuyến ống dẫn nước thứ 2, hiện chỉ có 1 tuyến ống duy nhất nên áp lực lớn nếu có tuyến ống thứ 2 sẽ xây đối xứng với tuyến ống cũ. “Ngoài ống sợi thủy tinh, sắp tới chúng tôi sẽ sử dụng chất liệu tốt hơn, có thể bằng ống thép hoặc ống gang dẻo”, ông Dương cho hay
Theo ông Dương, ngày trước làm đường ống bằng composite cốt sợi thủy tinh thì chi phí hết khoảng gần 500 tỷ đồng, nhưng nếu chọn chất liệu bằng ống thép hoặc gang dẻo thì chắc chắn chi phí sẽ đội lên rất cao, khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Về thông tin chất liệu ống dùng để dẫn nước là ống composite cốt sợi thủy tinh có nguy cơ độc hại, ông Trương Quốc Dương cho rằng: “Tôi khẳng định không có chuyện ống sợi thủy tinh độc hại, vì không chỉ có Việt Nam mà rất nhiều các nước trên thế giới như Mỹ, Úc trong các dự án cũng đều sử dụng chất liệu này”.
Song Hà - Lê Tú
No comments:
Post a Comment