Thursday, June 19, 2014

Trung Quốc “khôn” hay “dại”?

"Không nên cho là Trung Quốc không có những bộ óc sáng giá. Họ rất thông minh, nhưng đôi khi họ không suy nghĩ thấu đáo"...
Trung Quốc “khôn” hay “dại”?
Phó tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc, tướng Vương Quán Trung đã liên tục công kích Mỹ, Nhật tại Đối thoại Shangri-la, diễn ra mới đây tại Sinpapore.
Có một câu hỏi đơn giản nhưng không dễ trả lời về những việc mà Trung Quốc đang làm với các quốc gia láng giềng. Đó là, những hành động đó khôn ngoan tới mức nào?

The Strategist, trang thông tin của Viện Chính sách chiến lược Australia, cho biết câu hỏi trên đã được đưa ra trong hàng chục cuộc trao đổi tại đối thoại an ninh Shangri-La ở Singapore và hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương ở Malaysia vừa qua.

Sự “khó hiểu” về hành vi của Trung Quốc đã định hình nên phần đầu trong bài phát biểu dẫn đề mang chủ đề “chúng tôi đã trở lại trong vấn đề an ninh ở châu Á” của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Shangri-La; các học thuyết an ninh khác nhau đến từ Trung Quốc và Mỹ; sự mất mát niềm tin trong khu vực; và ảnh hưởng của tất cả những việc này tới hệ thống an ninh còn non trẻ của châu Á.

Bài viết trên The Strategist đã điểm 5 phản ứng trước những hành vi hung hăng gần đây của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông:

Thứ nhất, Nhật Bản đã khẳng định quyền nắm giữ một vai trò an ninh lớn hơn ở khu vực châu Á, theo một cách chưa từng có trong suốt gần 7 thập kỷ qua, và sự thay đổi này của Tokyo nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của Australia và các nước Đông Nam Á. Chỉ vài tuần nữa, Thủ tướng Abe sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Australia, tương tự như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã làm hồi tháng 11/2011.

Trong bài phát biểu đó, Tổng thống Obama đã tuyên bố chính sách xoay trục của Mỹ về khu vực châu Á. Ông Obama nói rằng, trên cương vị là người đứng đầu Nhà Trắng, ông sẽ “đưa ra một quyết định cẩn trọng và mang tính chiến lược, rằng với tư cách là một quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, nước Mỹ sẽ đóng một vai trò dài hạn và lớn hơn trong định hình khu vực này và tương lai của khu vực thông qua việc duy trì những nguyên tắc cốt lõi và mối quan hệ đối tác mật thiết với các nước đồng minh và bạn bè”.

Theo dự kiến, ông Abe cũng sử dụng cùng một sân khấu là Hạ viện Australia để đưa ra phiên bản của riêng mình về một quyết định chiến lược tương tự.

Thứ hai, Tổng thống Obama đã tới thăm Nhật vào tháng 4 vừa qua và tuyên bố rằng, quần đảo Senkaku nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Trung Quốc đã có những động thái cứng rắn đối với quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư này đến nỗi, ông Obama đưa ra lời hứa cụ thể rằng, nước Mỹ sẵn sàng tham chiến để đảm bảo rằng, Senkaku là của Nhật.

Thứ ba, các nước như Malaysia và Việt Nam đang làm điều mà đúng như lý thuyết nói các nước này nên làm. Đó là “cân” lại với Trung Quốc bằng cách xích lại gần hơn với Mỹ. Hiện Washington đang có “quan hệ đối tác toàn diện” với Việt Nam và Malaysia.

Thứ tư, mối quan hệ liên minh Mỹ-Philippines vốn mờ nhạt bấy lâu nay bỗng được phủ một lớp sơn mới, và Manila đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để ứng phó với Trung Quốc.

Và thứ năm, đối với châu Á, việc Mỹ xoay trục về khu vực này giữ một vai trò quan trọng trung tâm. Không cần giải thích vì sao sự xoay trục của Mỹ có ý nghĩa như vậy và cần phải được biến thành những hành động cụ thể. Câu hỏi duy nhất là về mức độ cam kết của Mỹ. Tất cả các kế hoạch của quân đội Mỹ hiện nay đều xem Trung Quốc là kẻ thù mặc định. Châu Á đang rất hứng khởi với hệ thống liên minh của Mỹ trong khu vực, đồng thời bổ sung thêm một số quan hệ đối tác tương trợ.

Một khi hành động của Trung Quốc dẫn tới những phản ứng như vậy, thì có thể coi đó là hành động khôn ngoan? Một chiến lược gia người Canada hiểu sâu về châu Á nói rằng: “Vị kiến trúc sư chính giúp chính sách tái cân bằng của Mỹ thành công chính là Bắc Kinh”.

Nếu ai đó nói chuyện với các quan chức, sỹ quan và chiến lược gia của Trung Quốc, điều “chuẩn mực” được họ nói ra là Trung Quốc là nạn nhân. Họ vẫn một mực tuyên bố mình không phải là bên chủ động mà buộc phải hành động; rằng Trung Quốc chỉ phản ứng trước sự gây hấn của nước khác. Họ nói, Trung Quốc bị xô đẩy và buộc phải xô đẩy lại đối phương.

Tuy nhiên, với vị trí của Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và là một cường quốc ở châu Á, cách biện minh này của Trung Quốc nghe thật lạ lùng. Trung Quốc đang tìm cách chiếm lấy những đặc quyền của một siêu cường, và châm ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa của riêng mình, nhưng lại sử dụng giọng điệu của một đứa trẻ bị đối xử tệ.

Một trong những miêu tả tốt nhất về hành vi của Trung Quốc đã được đưa ra bởi ông Rodolfo Severino, một nhà cựu ngoại giao của Philippines, từng giữ chức Tổng thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hiện là người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, ông Severino viết:

“Nước Mỹ được chào đón một cách bí mật ở đây. Không ai công khai nói ra điều này, bởi như thế là không ‘hợp thời’. Và đây chính là điểm mà tôi nghĩ Trung Quốc đang phạm sai lầm. Họ nghĩ Philippines và Việt Nam phải quỵ lụy trong mối quan hệ với Mỹ, còn họ thì không. Với những việc mà Trung Quốc đang làm, họ đang tạo cho Mỹ một lý do để trở lại châu Á. Tôi nghĩ đó là một sai lầm, nhưng không nên cho là Trung Quốc không có những bộ óc sáng giá. Họ rất thông minh, nhưng đôi khi họ không suy nghĩ thấu đáo về mọi việc”.
 Thứ Năm, ngày 19/6/2014 - 17:33
Theo An Huy (Vneconomy)

No comments:

Post a Comment