Thursday, June 19, 2014

Sau năm 2016 sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia ?!


Đề xuất đã có một kỳ thi chung từ năm 2013, tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, sau năm 2016 sẽ có một kỳ thi quốc gia chung.

Trong cuộc họp báo ngày 18/6, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết “tổ chức một kì thi quốc gia” là một nội dung quan trọng nằm trong chương trình hành động của Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (bìa phải) tại cuộc họp báo.
Trên cơ sở thực tiễn của đổi mới kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định đang xây dựng phương án đổi mới thi theo hướng tổ chức một kì thi quốc gia.
Giải thích thêm về “một kì thi”, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: “Tổ chức một kì thi không có nghĩa là bỏ bớt đi một trong hai kì thi hiện nay (kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ) mà là một kì thi sử dụng cho hai mục đích.
Trên thực tế khi Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH-CĐ có phương án tự chủ tuyển sinh, đã có một số trường sử dụng kết quả của kì thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào.
Các trường ĐH-CĐ có thể sử dụng kết quả kì thi quốc gia hoặc tổ chức kì thi riêng, có thể lấy một phần kết quả hoặc tất cả kết quả thi của thí sinh, đó là việc không quy định bắt buộc” - ông Hiển nói thêm.
Phương án tổ chức một kì thi sẽ được công bố sớm để trưng cầu ý kiến xã hội và có khoảng thời gian cần thiết cho thầy, trò trong các nhà trường phổ thông chuẩn bị.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT đề thi cho kì thi quốc gia sẽ phải có tính phân hóa cao hơn, tăng cường các câu hỏi mở, các câu hỏi đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, hiểu biết thực tế của người học.
Vì thế, trước mắt là phải xây dựng định hướng cho việc tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá trong quá trình ngay trong năm học 2014-2015 và các năm tiếp theo.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá, phát hiện mức độ đáp ứng của trình độ học sinh đối với yêu cầu của kỳ thi này tới mức nào, từ đó có giải pháp tác động lại quá trình dạy học.
Theo đó, với việc phân tích kết quả kỳ thi này sẽ phát hiện được mức độ đáp ứng tới đâu để điều chỉnh lại quá trình dạy học để chất lượng dạy học tăng dần và tăng mãi.
"Sự đổi mới này nằm trong lộ trình đổi mới thi và kiểm tra đánh giá, tiến tới có một kỳ thi chung để cung cấp dữ liệu xét tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp số liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong tuyển sinh", ông Trinh thông tin.
Được biết, đề xuất hướng đến một kỳ thi chung đã có từ ngày 31/7/2013, phát biểu về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng: bây giờ không phải là lúc chúng ta nói chung chung, bây giờ là lúc đổi mới tư duy và xác định mục tiêu cụ thể từng cấp học.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thừa nhận chúng ta có lỗi rất nhiều trong nội dung và chương trình đào tạo, bà đề nghị bỏ kì thi tốt nghiệp THPT.
Bà lập luận "tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%. Vậy Bộ có thắt chặt được không. Nếu thắt thì phải thắt khâu quản lý, thắt quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này", bà Doan nói.
Theo bà Doan, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đầu tiên là phải có nhân cách. Bậc tiểu học là quãng thời gian quan trọng để hình thành, chi phối cả quá trình phát triển sau này.
"Nếu chúng ta xác định mục tiêu của các cấp học là số lượng, bằng cấp và nặng về lý thuyết thì chúng ta cứ giữ đào tạo như hiện nay, việc gì phải đổi mới” - bà nói.
Một vấn đề nữa, là các kỳ thi tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng, lãng phí, tốn kém tiền của của xã hội."Chúng ta cần phải thay đổi sản phẩm giáo dục. Hiện nay sinh viên ra trường không làm được việc, phải đào tạo lại rất tốn kém. Phải xác định bắt đầu từ người thầy. Đào tạo cái người ta cần hay đào tạo bằng cái mình có. Chúng ta có lỗi rất nhiều trong nội dung, chương trình đào tạo”, bà Doan kết luận.
Bên cạnh đó, sau kết quả của kỳ thi tốt nghiệp năm nay, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nếu thi cử như hiện nay thì tốt nhất không nên tổ chức một kỳ thi cấp quốc gia nặng nề, tốn kém và không cần thiết.
Theo các chuyên gia, nên tập trung đánh giá chất lượng giáo dục bằng những cách hợp lý và thực chất hơn.
Ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt vấn đề: “Mặc dù tính chất kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH là khác nhau nhưng cùng một đối tượng là học sinh học hết lớp 12 mà kết quả thi lại quá chênh lệch nhau thì rõ ràng phải xem lại tính thực chất của kỳ thi tốt nghiệp”.
Còn GS Nguyễn Lân Dũng thì chua xót gọi kết quả này là “hài hước” vì cho rằng với 6 môn thi, gần 100% học sinh đều vượt qua là điều không tưởng.
Tỏ rõ sự thất vọng vì kết quả thi tốt nghiệp đã cao hơn cả trước khi phát động phong trào Hai không (nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục - NV), ông Lê Tiến Hưng - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, bày tỏ: “38 năm làm trong ngành giáo dục nhưng chưa năm nào tôi thấy kỳ thi tốt nghiệp được “làm thật” như năm 2007, năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động Hai không”.
Vài năm gần đây, khi tỷ lệ tốt nghiệp cao ngất ngưởng thì cũng là lúc học sinh không còn lo phải học thì mới thi đỗ được nữa.

No comments:

Post a Comment