VRNs (19.06.2014) – Sài Gòn- Cách đây hơn một năm, các em trường PTTH Nguyễn Hiền – Sài Gòn đã có một bữa tiệc ăn mừng bằng hành động xé đề cương ôn thi sử ném xuống sân trường, khi nghe thông báo môn lịch sử không đưa vào môn thi tốt nghiệp PTTH kỳ thi năm 2013 (http://tuoitre.vn/). Kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm nay, một hiện tượng có một không hai trên thế giới này như báo chí trong nước đưa tin: 59 người túc trực cho một thí sinh thi môn lịch sử. (http://news.zing.vn/). Tại các trường học mang danh nhân lịch sử như trường Quang Trung – Hà Nội có 1 thí sinh dự thi, Trường Lý Thường Kiệt – Đà Nẳng có 3 thí sinh dự thi, trường Nguyễn Thị Minh Khai – Sài Gòn có 2 thí sinh dự thi… Đây là một thông số báo động tín hiệu không vui cho nền giáo dục nước nhà hiện nay, phát lộ những nguy cơ suy thoái chủ nghĩa dân tộc, tinh thần yêu nước trong lòng thế hệ trẻ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Mỗi quốc gia trên thế giới đều có lịch sử riêng nhưng lịch sử Việt Nam là một pho tự truyện của dân tộc ghi lại những bước đi thăng trầm đầy kịch tính xuyên suốt chiều dài thời gian khoảng bốn ngàn năm. Đó là một quá trình đấu tranh hình thành, xây dựng, phát triển và bảo vệ giang sơn gấm vóc của các cha ông ta từ xưa đến nay để giữ lại cho chúng ta một mãnh đất hình cong chữ S kéo dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau và các phần biển đảo: ”Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có!“ (Trích Bình Ngô Đại Cáo). Mỗi thời, mỗi triều đại, khi sơn hà nguy biến, mẹ Việt Nam như kịp thời sản sinh ra các vị anh hùng hào kiệt để cứu tinh dân tộc. Có những anh hùng tướng lĩnh từ trong hoàng tộc và cũng có những anh hùng áo vải xuất thân từ nông gia đứng lên lãnh đạo cuộc chiến đánh đuổi ngoại xâm giành lại đất nước. Tất cả các vị anh hùng đó đều đáng được chép vào sử sách, xây đền đúc tượng và được tôn vinh một cách công bằng trước quốc dân. Bao nhiêu xương máu của các bậc tiền nhân đã đổ xuống tô đậm màu vẽ vang cho trang sử hào hùng của dân tộc cả hàng ngàn năm chống giặc cường Tàu phương Bắc và thực dân Pháp xâm lược. Lịch sử Việt Nam là môn học sinh động, hấp dẫn hơn trong các môn học xã hội và nó cần được chú trọng trong giảng dạy học đường để giáo dục niềm tự hào và lòng yêu nước của công dân qua mọi thế hệ. Nhưng điều đáng buồn cho hôm nay là các em học sinh đều quay lưng và chạy trốn môn học lịch sử. Điều gì đã khiến các em có thái độ hành xử như thế ?
Giáo sư sử học Phan Huy Lê từng than phiền trước báo chí: ”…Nếu là học sinh, tôi cũng chán môn sử “ và ông cũng không qui trách đỗ lỗi cho học sinh và giáo viên giảng dạy mà ông cho đó là “khuyết tật” của ngành giáo dục hiện thời. Ông chỉ điểm vào chương trình biên soạn sách giáo khoa nặng nề, chung chung với la liệt nhiều sự kiện khô khan không gây hứng thú cho học sinh.”
Giáo sư Đinh Xuân Lâm là người từng trãi 60 năm giảng dạy lịch sử nói rằng: ”Chúng ta đang hiểu sai về môn lịch sử, đó không phải là bộ môn giáo dục tuyên truyền chính trị …trẻ con ai cũng thích môn sử nhưng người lớn đã làm cho chúng hết yêu thích lịch sử “.
Giáo sư sử học Dương Trung Quốc phát biểu rằng: ”Lịch sử có hai thuộc tính quan trọng, đó là sự trung thực và sự công bằng. Cần có sự công bằng trong đánh giá từng giai đoạn lịch sử, nếu không nó chỉ là lãi nhãi những điều mà các em chưa tin thì sử học sẽ không hấp dẫn… “
Qua những phản ảnh trên của các nhà chuyên môn sử, chúng ta có thể thấy rằng chương trình lịch sử trong sách giáo khoa có nhiều điều sai sự thật, thiếu tính trung thực. Cụ thể là anh hùng thiếu niên Lê Văn Tám – ngọn đuốc sống là nhân vật không có thật trên cõi đời này nhưng trong chương trình giảng dạy sách giáo lại đưa vào. Đừng bắt các em học sinh phải tin vào những điều không phải là sự thật vì như thế không những làm sai lệch lịch sử, phản văn hóa mà còn phá hoại nhân cách đạo đức của học sinh. Phải trả lại sự thật cho lịch sử, đây cũng là lời ủy thác của cựu bộ trưởng bộ tuyên truyền Trần Huy Liệu cho giáo sư Phan Huy Lê trước khi qua đời.
Môn lịch sử không phải là bộ môn giáo dục tuyên truyền chính trị mà là môn học giáo dục cho mọi người biết về cội nguồn dân tộc, lòng tri ân đối với cha ông và lòng yêu nước, nhưng đã bị Đảng lạm dụng và biến nó trở thành công cụ tuyên truyền cho mục đích riêng của CNCS. Vì bảo thủ chính trị, môn sử được biên soạn trong sự định hướng của tuyên huấn đã làm nhòa đi hàng ngàn năm vẻ vang hào hùng của dân tộc VN trong cuộc chống giặc Tàu thay vào đó là ca ngợi Đảng, Bác và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ (từ 1930 – 1975) với những sử liệu bất nhất mơ hồ gây nhiều tranh cãi trong dư luận quần chúng. Đảng CS đã đem lịch sử đảng để đánh đồng với lịch sử đất nước là một sự bất công vì lịch sử Đảng chỉ là một phần, một đoạn của chiều dài lịch sử Việt Nam. Chính vì thế, các em học sinh hầu như rất ít biết về Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Chu Trinh Phan Bội Châu …nhưng lại biết nhiều về Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Nguyễn Viết Xuân, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ … Vì sự yếu hèn lệ thuộc vào Trung Quốc mà Đảng CS không dám đưa cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979, hải chiến Hoàng Sa 1974, trận chiến Trường Sa 1988 vào sách sử. Đây là sự bất công, thiếu trung thực và phản bội lịch sử. Đề thi tốt nghiệp PTTH năm 2014 là một minh chứng rõ ràng.
Để cứu vãn cho tình trạng trên, các quan chức nghành giáo dục đưa ra giải pháp là biến môn sử thành môn bắt buộc cho thí sinh, không cho phép thi sinh quyền lựa chọn. Đây không phải chiếc phao để cứu sinh môn lịch sử một cách đúng nghĩa mà là sự cưỡng ép. Học sinh học sử chỉ để đối phó với thành tích học tập như đối phó với thứ môn triết học Mác-Lê trong nhà trường đại học. Hãy để các em học sinh ham mến môn lịch sử, hiểu biết bằng khối óc, yêu nước bằng con tim và hành động một cách nhân văn.
Giải pháp tối ưu và vĩnh cửu để môn lịch sử được sống động và hấp dẫn là biên soạn lại chương trình sách giáo khoa. Gác bỏ những định kiến chủ nghĩa, định kiến chính trị, xóa bỏ kiểm duyệt tư tưởng để các giáo sư, sử gia hoàn toàn độc lập ý chí và yên tâm làm công tác biên soạn. Có như thế, chúng ta mới có lại được môn lịch sử gọi là chính sử trọn vẹn của cả dân tộc một cách khách quan, trung thực, công bằng. Tin chắc rằng bộ môn sử sẽ tự nhiên chiếm lại vị thế trong lòng học sinh mà không cần ép buộc. Nếu không làm như thế, thì sách lịch sử Việt Nam như là một trang báo la liệt những con số, sự kiện, ghi lại thành tích chiến công và sẽ bị học sinh xa rời. Làm mất chỗ đứng của lịch sử trong lòng dân tộc là một trọng tội với đất nước.
Việt từ Gia Lai (Việt Nam) tháng 6-2014
Hồng Trung (ĐVDVN)
Nguồn: www.dangvidan.net
No comments:
Post a Comment