19.06.2014
Những năm gần đây, sự hiện diện của Trung Quốc ở Việt Nam có hai mặt đặc biệt quan trọng. Về kinh tế, họ là một đối tác ngày càng lớn của Việt Nam, xét cả về mặt thương mại và đầu tư, và xu thế nổi bật nhất trong quan hệ kinh tế giữa hai nước là vấn đề nhập siêu đặc biệt lớn của Việt Nam. Về chính trị, Trung Quốc là một đối tác đặc biệt của Việt Nam nhưng xu thế nổi bật nhất trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước là chủ trương lấn tới trong việc khẳng định chủ quyền trên thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hai mặt này tạo ra một cặp đối lập đặc biệt thú vị xét về khía cạnh phân tích chính sách. Vì Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng, Việt Nam cần Trung
Quốc để phát triển (và dĩ nhiên Trung Quốc cũng hưởng lợi đáng kể từ quan hệ kinh tế này). Thế nhưng chính sách thù địch của Trung Quốc đối với Biển Đông lại đẩy Việt Nam vào thế không thể coi Trung Quốc là một đối tác đáng tin cậy, nếu không muốn nói là đối thủ cần phải cảnh giác / đề phòng cao độ. Chính cặp đối lập này khiến những người Việt có tâm huyết với đất nước không khỏi đau đáu câu hỏi làm thế nào để thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Không nên cô lập Trung Quốc
Làm thế nào để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc là một câu hỏi hay và quan trọng không chỉ đối với Việt Nam. Ngay cả những cường quốc lớn như Hoa Kỳ cũng vẫn phải đặt ra câu hỏi này. Thế nhưng giả sử tạm gác câu chuyện riêng của Việt Nam sang một bên, và giả sử rằng phần còn lại của thế giới đang cân nhắc ảnh hưởng của Trung Quốc, thì câu hỏi đầu tiên có phải là “có nên giảm lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc và kiềm chế Trung Quốc về mặt chính trị hay không?”
Câu trả lời có lẽ là không. Vì sao? Thứ nhất, xét về góc độ kinh tế, một quy luật mang tính bản lề của kinh tế thế giới là thương mại tự do đem lại lợi ích cho tất cả các bên, mặc dù có những bên được lợi nhiều hơn và có những bên được lợi ít hơn. Cho dù chê trách kinh tế Trung Quốc như thế nào thì cũng ít ai phủ nhận rằng sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng chung của kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ qua, và có ít doanh nghiệp nào làm ngơ với mối lợi khi làm ăn với Trung Quốc. Đây là sự thật. Cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế không có lợi cho phần còn lại của thế giới, và dĩ nhiên rất không có lợi cho Trung Quốc.
Về mặt chính trị, việc cô lập Trung Quốc cũng không có lợi. Tư duy cô lập theo kiểu chiến tranh lạnh sẽ đẩy đất nước này lún sâu vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan và hận thù đối với các nước khác. Kết hợp với sự cô lập về kinh tế, hai gọng kìm này có thể biến Trung Quốc thành một con thú bị thương và trở nên hung hăng hơn với phần còn lại của thế giới.
Vì thế, cho tới nay học thuyết ngoại giao của các nước lớn đối với Trung Quốc vẫn là vừa hợp tác phát triển vừa tìm cách kiềm chế giống như mô hình cây gậy và củ cà rốt. Về lâu dài là khuyến khích sự phát triển của các xu hướng tiến bộ trong nội tại đất nước Trung Quốc, giúp cho tầng lớp trung lưu ở đây phát triển, mở rộng nhận thức, và hòa nhập với thế giới. Dĩ nhiên có nhiều người phê phán học thuyết này, nhưng ít ra, trong những thập kỷ gần đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn mang tính hòa bình (dù rằng có vẻ như về ngoại giao họ ngày càng trở nên cứng rắn và mang màu sắc bá quyền hơn).
Tiền của họ nhưng chủ quyền của ta
Quay lại câu chuyện của Việt Nam, Việt Nam có được lợi từ quan hệ kinh tế với Trung Quốc hay không? Dĩ nhiên là có, và ngược lại Trung Quốc cũng vậy. Việt Nam có chịu thiệt hại từ đường lối ngoại giao mang tính bành trướng và “cá lớn nuốt cá bé” của Trung Quốc hay không? Đương nhiên là Việt Nam đã và đang phải chịu thiệt hại rất nhiều, nhất là câu chuyện chủ quyền trên Biển Đông.
Nếu giảm thiểu các quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc có giúp gì cho Việt Nam trong vấn đề khẳng định và xác lập chủ quyền thực tế của Việt Nam trên Biển Đông hay không? Theo chúng tôi, câu trả lời là không. Trung Quốc đang được lợi từ quan hệ kinh tế bình thường với Việt Nam. Nếu giảm quan hệ kinh tế giữa hai nước, lợi ích đến từ quan hệ này với Việt Nam sẽ ít đi, và Trung Quốc sẽ có ít lý do hơn phải thỏa hiệp với Việt Nam, và vì vậy chắc chắn sẽ trở nên hiếu chiến hơn nữa. Điều này không có lợi cho cả Trung Quốc và Việt Nam.
Điều đó có nghĩa gì? Chẳng lẽ Việt Nam phải nhân nhượng chủ quyền để đổi lấy quan hệ kinh tế với Trung Quốc? Câu trả lời theo chúng tôi cũng là không nốt. Đứng trên khía cạnh quyền lợi dân tộc, Việt Nam phải có lập trường kiên quyết về vấn đề chủ quyền. Khi chủ quyền bị xâm hại, Việt Nam phải phản ứng bằng mọi cách có thể. Dù Việt Nam chắc chắn không bao giờ đơn phương sử dụng vũ lực trước, Việt Nam phải đáp trả khi đối phương sử dụng vũ lực. Thế nhưng trước khi bị đẩy vào nước cờ chiến tranh này, Việt Nam không có lý do gì phải chấm dứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Ngược lại, trong thời bình, thậm chí Việt Nam nên đẩy mạnh các quan hệ kinh tế này.
Nếu người Trung Quốc đổ tiền vào Việt Nam đầu tư, hãy cứ để họ làm vậy. Các khoản đầu tư này sẽ tạo ra các tài sản trên đất nước Việt Nam. Nói một cách bóng bẩy như một chủ doanh nghiệp lớn ở Việt Nam thì “tiền là của họ nhưng chủ quyền là của chúng ta”. Người Trung Quốc càng có nhiều tài sản ở Việt Nam thì họ càng chịu thiệt nếu có xung đột giữa hai nước dẫn tới việc tài sản của họ bị đóng băng hoặc biến mất. Tương tự như vậy, người Trung Quốc càng có lợi khi giao thương với Việt Nam thì họ càng không muốn quan hệ này biến mất vì căng thẳng leo thang.
Giảm lệ thuộc vào Trung Quốc như thế nào
Vậy có nên giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc? Ở đây không phải là câu chuyện giảm bớt quan hệ kinh tế, mà là thay đổi về chất lượng các quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc, trong đó có vấn đề cán cân mậu dịch, và tái cân bằng sức ảnh hưởng tương đối của Trung Quốc ở Việt Nam. Nói cách khác, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc nên ngày một tăng lên, nhưng với chất lượng khác đi, và bên cạnh đó Việt Nam cần đẩy mạnh các quan hệ kinh tế với nước khác để xét về mặt tương đối, vai trò của Trung Quốc có thể giảm dần.
Về mặt chất lượng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, vấn đề thâm hụt mậu dịch của Việt Nam đối với Trung Quốc là vấn đề lớn. Đáng tiếc là việc xóa bỏ thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc là việc không dễ làm, và không thể làm một sớm một chiều. Nó liên quan đến hàng loạt các vấn đề lớn của nền kinh tế, trong đó có câu chuyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Để làm được việc này thì phải tạo dựng các gốc dễ để thay đổi được cơ cấu kinh tế về dài hạn. Thí dụ các doanh nghiệp Việt Nam luôn phàn nàn rằng đấu thầu với các doanh nghiệp Trung Quốc luôn bị thua vì họ bỏ thầu rẻ hơn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam quay sang chỉ trích rằng nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu rẻ nhưng khi làm thì chất lượng thấp. Điều đó có thể đúng. Nhưng điều quan trọng hơn là liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể hạ thấp chi phí sản xuất xuống nữa hay không? Đây là một câu hỏi khó, ngoài câu chuyện trực tiếp của doanh nghiệp, nó còn liên quan đến rất nhiều vấn đề của hệ thống chính trị, trong đó có câu chuyện tham nhũng, nhũng nhiễu, và không minh bạch.
Hay một câu chuyện khác là vấn đề xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là tài nguyên, và nhập vào chủ yếu là nguyên vật liệu, bán thành phẩm, và máy móc. Việt Nam khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc về sản xuất máy móc công nghiệp, đơn giản vì Trung Quốc có lợi thế kinh tế nhờ quy mô (có nghĩa là có thị trường lớn, vì thế có thể có quy mô sản xuất lớn, và nhờ đó giá thành hạ). Thế nhưng nếu Việt Nam có thể tạo được các sản phẩm có trí tuệ cao thì vấn đề lợi thế nhờ quy mô (vốn gắn liên với sản xuất công nghiệp truyền thống) không còn quá quan trọng nữa. Đáng tiếc là điều này còn lâu mới thành hiện thực. Và lý do là chúng ta đang có nút thắt cổ chai về giáo dục trong nhiều thập kỷ nay và cho đến giờ vẫn không có lời giải ngoài một số chủ trương hay dự án “trên trời” theo kiểu bỏ 35 nghìn tỷ đồng mua sắm thiết bị giáo dục (để rồi vứt xó) như một đề xuất mới đây của quan chức Bộ Giáo dục.
Những giải pháp ngắn hạn kiểu như thay đổi chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam dễ trúng thầu hơn có thể là những viên thuốc giảm đau nhưng không phải là loại kháng sinh để chữa dứt bệnh. Trái lại nó có thể tạo nên những “hố đen lobby” mới đem lại lợi ích cho một nhóm thiểu số thạo lobby chính sách, và gây hại cho nền kinh tế về lâu dài.
Khi thay đổi được nền tảng bên dưới, cơ cấu kinh tế Việt Nam chuyển theo hướng hiện đại hơn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tự khắc tìm đến các nhà cung cấp chất lượng cao từ các nước khác thay vì từ Trung Quốc. Khi quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới tăng nhanh hơn so với quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc, người Việt sẽ cảm thấy Việt Nam bớt lệ thuộc vào Trung Quốc hơn. Câu chuyện thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc có vẻ như nên nhìn theo hướng này thay vì các động tác lobby chính sách mang tính bơm vá của một số doanh nghiệp và nhóm lợi ích.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment