Thursday, June 19, 2014

TQ xây đảo nhằm lập ADIZ, hiện thực hóa 'đường lưỡi bò'

(Baodatviet.vn) - Xây dựng đảo nhân tạo Chữ Thập, Gạc Ma thuộc Trường Sa, TQ đang âm mưu thay đổi hiện trạng Biển Đông, lập ADIZ và hiện thực hóa “đường lưỡi bò”.
Trung Quốc, Đài Loan cố tình thay đổi hiện trạng biển Đông
Sau khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam trên thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan Nam Hải 9 xuống khu vực 17 độ 14,1 vĩ Bắc, 109 độ 31 kinh Đông trên Biển Đông trong thời gian từ ngày 18 đến 20/6.

Hành động này của Trung Quốc là một mũi tên trúng 2 đích, vừa tiến hành thăm dò dầu khí trên biển Đông vừa che giấu hoạt động của các tàu vận tải Trung Quốc âm thầm chở sắt, thép, cát, xi măng ra vùng biển quần đảo Trường Sa, ráo riết xây dựng đảo nhân tạo ở Gạc Ma và cải tạo địa chất ở đảo Chữ Thập.Tuy vị trí của nó chưa đến 2 điểm gần nhất trên đường phân định vịnh Bắc Bộ là điểm số 20 (tọa độ: 18 độ 04’ 13” Bắc, 107 độ 39’ 09” Đông) và điểm số 21 (tọa độ: 17 độ 47’ Bắc, 107 độ 58’ Đông), tức là chưa xâm phạm lãnh hải của ta nhưng cũng nằm sát với đường phân định vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc.
Mô hình căn cứ tác chiến không-hải nhất thể Trung Quôc sẽ xây dựng trên đảo Gạc Ma và Chữ Thập
Mô hình căn cứ tác chiến không-hải nhất thể Trung Quôc sẽ xây dựng trên đảo Gạc Ma và Chữ Thập
Trung Quốc đang tiến hành hút cát, cải tạo đất nhằm đưa Gạc Ma trở thành một đảo nhân tạo khổng lồ có cả sân bay, cảng biển cho tàu quân sự và dân sự, khu vực dân cư và du lịch. Đây sẽ là khu căn cứ quân sự tổng hợp quy mô lớn trên biển Đông với diện tích 30 ha và có thể đón các tàu tải trọng lên tới trên 5.000 tấn và đường băng dài 1,6 km, đủ cất, hạ cánh các máy bay chiến đấu có tầm hoạt động hàng ngàn km.
Trước đó, giáo sư Kim Xán Vinh, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, cho biết, chính quyền trung ương Trung Quốc đã nhận bản đề xuất xây dựng một đảo nhân tạo tại bãi đá ngầm Chữ thập, có diện tích lớn gấp đôi căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Diego Garcia ở giữa Ấn Độ Dương.
Ông Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc cũng đã từng tiết lộ, Bắc Kinh đang tìm cách biến căn cứ tại bãi đá ngầm Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa thành một đảo nhân tạo toàn diện, bao gồm đường băng và cảng biển, với ý đồ áp đặt hiệu quả hơn sức mạnh quân sự ở Biển Đông.
Trung Quốc muốn mở rộng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa để có thể xây dựng một căn cứ quân sự với đầy đủ sân bay và cầu cảng nhằm có thể dễ dàng triển khai sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Tổng chi phí cho dự án lên đến 5 tỷ USD và cần 10 năm để hoàn thành nhưng giá trị chiến lược của các căn cứ không - hải quân hỗn hợp này là điều mà các tàu sân bay không thể sánh được.
Một số nguồn tin Trung Quốc cho biết, hiện đề án xây dựng bãi đá ngầm Đá Chữ Thập đã được trình lên lãnh đạo nước này thông qua (chắc chắn sẽ được phê duyệt). Trung Quốc sẽ tiến hành sẽ khởi công xây dựng đảo nhân tạo Chữ Thập dựa trên tiến độ cải tạo đất và kinh nghiệm xây dựng đảo Gạc Ma, bắt đầu ngay sau khi công cuộc khảo sát xây dựng ở đảo này hoàn thành.
Cả 2 dự án này sẽ được tiến hành song song gối nhau, khi hoàn tất đảo Gạc Ma cũng là lúc đảo Chữ Thập sắp hoàn thành. Đồng thời, hiện nay thông tin trên mạng Trung Quốc còn cho biết, sau đó Bắc Kinh sẽ lần lượt gia cố và mở rộng 5 đảo còn lại, bao gồm: Xubi, Ga Ven, Huy Gơ, Châu Viên (chiếm đóng trái phép của Việt Nam năm 1988) và đảo Vành Khăn (chiếm từ tay Philippines năm 1995).
Vị trí hạ đặt của giàn khoan Nam Hải 9 nằm sát đường phân giới vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc
Vị trí hạ đặt của giàn khoan Nam Hải 9 nằm sát đường phân giới vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc
Các chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng âm mưu xây dựng phi pháp ở Trường Sa của Trung Quốc vừa nhằm phục vụ ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự trên thực địa vừa muốn tạo sự đã rồi, để hợp lý hóa sự hiện diện trên các khu vực nước này cưỡng chiếm trên biển Đông.
Bên cạnh đó, bằng cách dựng nên những hòn đảo chưa từng tồn tại trong tự nhiên, Bắc Kinh hy vọng có thể dựa vào đó để đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý của mình. “Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là nếu không đạt đến mức hợp pháp thì cũng phải kiểm soát được trên thực tế các vùng biển trong khu vực.
Việc Bắc Kinh xây dựng cầu cảng và đường băng trên bãi Gạc Ma và Chữ Thập nằm trong một chiến lược lâu dài thực hiện giấc mộng trở thành một cường quốc biển trong tương lai. Đây là đường vươn ra biển lớn của Trung Quốc từ căn cứ Hải Nam xuống Hoàng Sa - Trường Sa, khống chế hoàn toàn biển Đông.
Trước tố cáo của công luận quốc tế, ngày 6-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã ngang ngược tuyên bố, bất kỳ hoạt động nào của nước này tại những hòn đảo hoặc bãi đá ngầm tại Trường Sa đều thuộc “phạm vi chủ quyền” (bất hợp pháp) của nước này và “không đến lượt” nước khác lên tiếng!
Trung Quốc đang cố thay đổi hiện trạng ở biển Đông, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký với ASEAN năm 2002 và các quy định quốc tế khác. Một khi được hoàn thành, đây sẽ là bàn đạp để Bắc Kinh khống chế biển Đông, phô diễn sức mạnh quân sự nhằm uy hiếp các quốc gia đông nam Á xung quanh biển Đông.
Phản ứng trước sự việc này, chiều 16-6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế lần thứ 5 kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, công bố thêm bằng chứng về những hành động phi pháp của Trung Quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Tại buổi họp báo, trước câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc mở rộng một số công trình kiên cố ở Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Lê Hải Bình khẳng định: "Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết Trung Quốc đã mở rộng, xây dựng công trình trái phép ở Gạc Ma và một số điểm khác vốn bị Trung Quốc chiếm từ tháng 3-1988".
Trung Quốc đang cố tình thay đổi hiện trạng ở đảo Gạc Ma
Trung Quốc đang cố tình thay đổi hiện trạng ở đảo Gạc Ma
Người phát ngôn của Bộ ngoại giao Việt Nam lên tiếng đanh thép: "Việt Nam cực lực phản đối hành vi này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xây dựng mở rộng trái phép, các hành động thay đổi hiện trạng, không để hành động tái diễn trong tương lai vì nó ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở biển Đông…".
Khi các phóng viên quốc tế đặt câu hỏi, Việt Nam phản ứng như thế nào về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏi 29 đảo, bãi đá ở Trường Sa, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền ở Trường Sa. Việt Nam đã quản lý, khai thác liên tục tại Trường Sa”.
Ông Hải nhấn mạnh, đề nghị của Trung Quốc rất vô lý, Việt Nam kiên quyết bác bỏ đề nghị đó và khẳng định: "Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm một số bãi ở Trường Sa nên chính Trung Quốc phải rút khỏi những đảo họ đã dùng vũ lực xâm chiếm trái phép của Việt Nam năm 1988".
Hành động củng cố và mở rộng trái phép các đảo, bãi đá mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép trên biển Đông là hành vi cực kỳ nguy hiểm, khiến tranh chấp chủ quyền mở rộng phạm vi và leo thang lên mức độ xung đột quân sự, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực cũng như của toàn bộ châu Á.
Trung Quốc muốn lập ADIZ,  hiện thực hóa đường lưỡi bò?
Hành động của Trung Quốc có thể dẫn tới những kịch bản rất xấu trên biển Đông. Kịch bản thứ nhất là tất cả các quốc gia trong tranh chấp sẽ cũng làm tương tự như Trung Quốc. Hiện nay, chính quyền Đài Loan cũng đang “đục nước béo cò” khi liên tiếp tiến hành củng cố và mở rộng trái phép các công trình kiến trúc quân sự trên đảo Ba Bình (đảo Thái Bình) - đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Đài Loan chiếm đóng trái phép.
Vào ngày 18-5 - thời điểm biển Đông đang căng thẳng vì vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tại khu vực phía nam đảo Tri Tôn - quần đảo Hoàng Sa, nhà cầm quyền Đài Loan đã triển khai 6 tàu hộ vệ và một toán đặc nhiệm, hộ tống các tàu chở nguyên vật liệu và các thiết bị thi công xây dựng đến hòn đảo này.
Đài Loan xây dựng đê chắn sóng trái phép ở đảo Ba Bình
Đài Loan xây dựng đê chắn sóng trái phép ở đảo Ba Bình
Kế hoạch xây dựng cầu cảng trái phép trên đảo Ba Bình được phe duyệt từ cuối năm 2013, khởi công trong năm 2014 và dự kiến hoàn thành trước cuối năm 2015. Chậm nhất là vào cuối năm 2015, Đài Loan sẽ hoàn tất bến cảng trị giá 100 triệu USD gần đường băng mà Đài Loan xây dựng trái phép ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hiện nay, Đài Loan đang xây dựng đê chắn sóng, một phần của bến cảng ở phía tây nam đảo Ba Bình. Sau khi hoàn thành cầu cảng sẽ đón được các khinh hạm và tàu bảo vệ bờ biển nặng 3.000 tấn, tăng cường sức mạnh quân sự phi pháp của Đài Loan tại biển Đông.
Đài Loan còn lên kế hoạch nâng cấp đường băng phi pháp ở Ba Bình từ 1.150 m lên 1.500m để các máy bay quân sự Hercules C-130 của Đài Loan có thể hạ cánh xuống đây. Đầu năm 2013, nhà cầm quyền hòn đảo này còn tuyên bố sẽ tiến hành kế hoạch thăm dò dầu khí tại vùng biển xung quanh đảo Ba Bình
Kịch bản này xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiện trạng của biển Đông. Nếu các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… đều làm như vậy sẽ khiến cho tranh chấp cục bộ lan rộng trên toàn bộ biển Đông, gây mâu thuẫn căng thẳng giữa nhiều bên với nhau, tạo điều kiện cho Trung Quốc chia rẽ đoàn kết nội khối Asean, bẻ gẫy từng chiếc đũa, thực hiện thành công âm mưu độc chiếm biển Đông.
Kịch bản xấu thứ hai là có thể Trung Quốc sẽ lập lại hành động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ gần quần đảo Hoàng Sa chuyển sang một đảo tiền tiêu thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, để củng cố thêm cái gọi là “chủ quyền bất hợp pháp” của Bắc Kinh
Giáo sư Richard Heydarian (ngành Quan hệ quốc tế, Đại học Ateneo, Philippines) cho rằng, Trung Quốc muốn “tạo sự đã rồi” bằng cách “khai hoang”, cải tạo và chiếm các vùng biển tranh chấp cùng những phần đất tại đó. Bắc Kinh còn có thể lợi dụng biện pháp này khi đối mặt với phán quyết quốc tế về tranh chấp lãnh thổ và hàng hải với các láng giềng trong khu vực.
Ngoài đảo Gạc Ma, Trung Quốc sẽ xây dựng thêm căn cứ không-hải hỗn hợp ở đảo Chữ Thập
Ngoài đảo Gạc Ma, Trung Quốc sẽ xây dựng thêm căn cứ không-hải hỗn hợp ở đảo Chữ Thập
Nếu xem xét những xu hướng trọng tài quốc tế gần đây sẽ thấy, tòa án quốc tế thường ưu tiên và giành đặc quyền cho những quốc gia tiếp tục thiết lập và thực thi quyền chủ quyền hiệu quả và liên tục. Nếu Trung Quốc có thể xây dựng các cơ sở tại đây, biến nó thành các hòn đảo nhân tạo và nằm trong vùng kinh tế 200 hải lý thì Bắc Kinh có thể tìm được những phán quyết có lợi từ trọng tài quốc tế".
Các hòn đảo nhân tạo với căn cứ hải - không quân hỗn hợp ở Trường Sa sẽ giúp không quân và hải quân của Trung Quốc phản ứng nhanh, trong vòng vài phút các chiến đấu cơ Trung Quốc và các khu trục hạm mang tên lửa hành trình đối đất có thể đặt toàn bộ Philippines, Việt Nam, Indonessia và Malaysia vào tầm ngắm, nếu xung đột xảy ra trong khu vực này.
Căn cứ mà Trung Quốc dự tính xây bao gồm cả cầu cảng để họ có thể tiếp tế và hỗ trợ cho các tàu khu trục, tàu hộ vệ. Đường băng có chiều dài hơn 1,6 km có thể làm căn cứ cho các máy bay chiến đấu, như chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc (có phạm vi hoạt động hơn 3.200 km), các máy bay vận tải, tiếp dầu hạng nặng cũng có thể dễ dàng cất hạ cánh trên đường băng dài này.
Nếu lấy các đảo này làm tâm, vòng tròn xung quanh bán kính khoảng hơn 1.200 km sẽ nằm trong phạm vi tác chiến của máy bay chiến đấu (J-11, Su-30…) và tàu khu trục mang tên lửa hành trình đối đất Type 052D của Trung Quốc. Phạm vi này bao gồm rất nhiều phần lãnh thổ của các nước đông nam Á trong khu vực.
Xây dựng căn cứ hỗn hợp ở đảo Gạc Ma, về phía đông Trung Quốc có thể khống chế toàn bộ vùng trời, vùng biển phía tây Philippines, xuống phía nam uy hiếp không phận và lãnh hải Maylasia. Còn đảo Chữ Thập là trọng tâm, sang phía tây khống chế dải bờ biển phía nam Việt Nam, uy hiếp trực tiếp Na Tu Na Bắc của Indonesia, thậm chí là cả eo biển Malacca.
Như vậy, xây dựng các căn cứ tác chiến không-hải nhất thể trên biển Đông sẽ giúp Trung Quốc hoàn tất quá trình chuẩn bị tuyên bố vùng nhận dạng phòng không bao trùm trên hết Biển Đông, sau khi đã tuyên bố vùng tương tự tại biển Hoa Đông; nhằm tiến tới thực hiện âm mưu giành quyền kiểm soát không chính thức các vùng biển lân cận ở tây Thái Bình Dương.
Xây dựng căn cứ tác chiến hỗn hợp ở Chữ Thập và Gạc Ma sẽ giúp Trung Quốc lập ADIZ và hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi pháp (các khung đỏ là đảo TQ chiếm đóng trái phép)
Xây dựng căn cứ tác chiến hỗn hợp ở Chữ Thập và Gạc Ma sẽ giúp Trung Quốc lập ADIZ và hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi pháp (các khung đỏ là đảo TQ chiếm đóng trái phép)
Sau khi sân bay ở đảo Gạc Ma và đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa cùng sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa đi vào hoạt động, Bắc Kinh sẽ có chuỗi sân bay ở hai đầu Đông Tây của Biển Đông, hình thành cơ sở thiết yếu cho việc thành lập ADIZ bao trùm vùng biển này, tập trung các tàu sân bay của họ để đối đầu với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Vì vậy, có thể khẳng định, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này bởi vì nó có triển vọng đầy hứa hẹn về mặt chiến lược địa-chính trị và quân sự. Ngoài việc thiết lập ADIZ, việc xây dựng các căn cứ ở Trường Sa sẽ giúp Trung Quốc tiến nhanh trên con đường đòi hỏi chủ quyền phi pháp về “đường 9 đoạn”.
Kích thước lớn gấp đôi căn cứ Mỹ ở Diego Garcia còn cho phép Bắc Kinh triển khai ở đây nhiều vũ khí, trang bị, chẳng hạn như hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 hoặc thậm chí là S-400, hệ thống tên lửa hành trình chống tàu YJ-62 cũng như những hệ thống tên lửa mạnh hơn khác. Trên đảo nhân tạo cũng có thể bố trí đội máy bay trực thăng vận tải, các tàu đổ bộ và tàu đệm khí.
Xây dựng những căn cứ này, Bắc Kinh sẽ tạo được một lợi thế rất lớn: Về phía nam khống chế quần đảo Na Tu Na Bắc của Indonesia và bãi James Shoal của Malaysia (2 điểm cực nam của đường lưỡi bò), về phía đông khống chế bãi Cỏ Mây, bãi Cỏ Rong (sườn phía đông đường lưỡi bò), phía tây khống chế dọc 1 dải 9 lô dầu khí Trung Quốc gọi thầu phi pháp trên thềm lục địa phía nam của Việt Nam (sườn phía tây đường lưỡi bò), nhằm hiện thực hóa "đường lưỡi bò" phi pháp.
Như vậy, hành động xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh là cực kỳ nguy hiểm, làm gia tăng căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền, gây mất ổn định an ninh, chính trị trong khu vực ngang nhiên đạp đổ các luật lệ quốc tế. Nếu kế hoạch này hoàn tất, Bắc Kinh sẽ chiếm đoạt phi pháp toàn bộ biển Đông, đặt các nước trong khu vực vào tình trạng nguy hiểm.
Vì vậy, các nước trong khu vực cần nhanh chóng bắt tay hợp lực cùng chống lại kế hoạch dựng đảo khống chế khu vực của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hành vi bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh.
  • Thiên Nam

No comments:

Post a Comment