HÀ NỘI (NV) - Sau các cuộc tranh luận quanh chuyện “lấy phiếu tín nhiệm,” tuần tới, các đại biểu Quốc Hội Việt Nam sẽ biểu quyết về việc sửa đổi hoạt động này thế nào.
Cuối năm 2012, Quốc Hội Việt Nam thông qua một nghị quyết (nghị quyết 35) về “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm.”
Bỏ phiếu ở Quốc Hội Việt Nam. (Hình: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)
Theo đó, “lấy phiếu tín nhiệm” là công việc sẽ được tiến hành hàng năm, đối với 49 chức danh vốn do các đại biểu Quốc Hội từng bỏ phiếu bầu chọn: chủ tịch Nhà Nước, phó chủ tịch Nhà Nước, chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc Hội, các thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Chủ tịch Hội Ðồng Dân Tộc, chủ nhiệm các Ủy Ban của Quốc Hội, thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng và những thành viên khác của chính phủ, chánh án Tòa Án Tối Cao, viện trưởng Viện Kiểm Sát Tối Cao, tổng kiểm toán Nhà Nước.
Còn “bỏ phiếu tín nhiệm” là công việc sẽ tiến hành đối với những người không đạt mức độ tín nhiệm ở vòng “lấy phiếu tín nhiệm” (bị 2/3 đại biểu Quốc Hội xác định là “tín nhiệm thấp,” hoặc trong hai năm liền bị 1/2 đại biểu Quốc Hội xác định là “tín nhiệm thấp.”) Hoặc bị Ủy Ban thường vụ Quốc Hội, các Ủy Ban của Quốc Hội hay 20% đại biểu Quốc Hội yêu cầu “bỏ phiếu tín nhiệm.”
Trong kỳ họp Quốc Hội hồi tháng 6 năm ngoái, lần đầu tiên, các đại biểu Quốc Hội Việt Nam thực hiện “lấy phiếu tín nhiệm.”
Tuy chuyện “lấy phiếu tín nhiệm” bị chỉ trích vì chia việc bày tỏ mức độ tín nhiệm thành ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp sẽ bảo đảm sự an toàn cho tất cả những viên chức nằm trong diện cần phải thăm dò mức độ tín nhiệm song kết quả vẫn rất đáng chú ý. Ví dụ, ông Nguyễn Tấn Dũng - thủ tướng Việt Nam, nhân vật tai tiếng nhất song đồng thời cũng được xem là nhiều quyền lực nhất trong đội ngũ lãnh đạo đảng, chính phủ - đã trở thành một trong ba kẻ đội sổ về mức độ tín nhiệm.
Một số ủy viên Bộ Chính Trị khác như ông Trần Ðại Quang (bộ trưởng Công An), ông Phùng Quang Thanh (bộ trưởng Quốc Phòng) đội sổ về mức độ bất tín nhiệm (các đại biểu Quốc Hội bỏ trống, không bày tỏ mức độ tín nhiệm đối với những nhân này).
Năm nay, trong kỳ họp đang diễn ra ở Hà Nội, lẽ ra Quốc Hội Việt Nam phải thực hiện chuyện “lấy phiếu tín nhiệm” theo nghị quyết 35, giống như năm ngoái nhưng trước kỳ họp, Ủy Ban thường vụ của Quốc Hội Việt Nam đề nghị hoãn việc “lấy phiếu tín nhiệm,” sửa nghị quyết 35 theo hướng, không thực hiện “lấy phiếu tín nhiệm” hàng năm như trước mà chỉ “lấy phiếu tín nhiệm” bốn năm một lần.
Ðề nghị này đã bị nhiều đại biểu Quốc Hội chỉ trích mạnh mẽ. Họ đòi vẫn phải thực hiện “lấy phiếu tín nhiệm” mỗi năm một lần. Ðòi bỏ việc chia mức độ tín nhiệm thành ba (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp) bởi điều đó khiến việc “lấy phiếu tín nhiệm” trở thành thiếu thực chất, khiến dân chúng chê cười. Các đại biểu Quốc Hội này đề nghị, sửa đổi việc phân chia mức độ tín nhiệm thành hai. Ðó là: tín nhiệm và không tín nhiệm.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban Công Tác Ðại Biểu của Quốc Hội Việt Nam loan báo, Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam “đã tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu.” Nội dung “tiếp thu” cho thấy Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam buộc phải nhương bộ, đó là sẽ tổ chức “lấy phiếu tín nhiệm” hai năm một lần trong mỗi nhiệm kỳ.
Cơ quan này cũng sẽ bỏ chia mức độ tín nhiệm thành ba như trước. Trên phiếu tín nhiệm sẽ chỉ còn: tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Nếu viên chức nào nhận 75% phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ bị “bỏ phiếu tín nhiệm” ngay trong kỳ họp đó. Tuy nhiên vẫn chưa rõ, tuần tới, nội dung của nghị quyết sửa nghị quyết 35 sẽ như thế nào, bởi Ðảng CSVN vẫn lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” Quốc Hội Việt Nam.
Trong thực tế, việc “lấy phiếu tín nhiệm” tuy đã được xác định bằng một nghị quyết nhưng chỉ thực hiện được một lần thì phải thảo luận để sửa dù đó không phải là mong muốn của đa số đại biểu Quốc Hội. (G.Ð.)
06-09- 2014 3:47:08 PM
No comments:
Post a Comment