Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát ngôn rất ít về vụ máy bay mất tích.
"Sự thất vọng của những gia đình có người thân mất tích là dễ hiểu
và hợp lý, nhưng cũng không nên kỳ vọng nhiều từ chính quyền Malaysia"..
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước có 153 công dân đi trên chuyến bay đó, cũng như nhiều cơ quan truyền thông lớn đã đặt dấu hỏi về những phản ứng của phía Malaysia.
Bài viết dưới đây của trang Businessweek.com có thể phần nào lý giải câu hỏi đó. Quan điểm trong bài không phải quan điểm của tòa soạn:
Trong nhiều ngày liền, có vẻ như các quan chức và hãng hàng không thuộc sở hữu nhà nước của Malaysia không tiết lộ chút thông tin gì về chuyến bay hay giải thích các giả thuyết về việc tại sao nó biến mất không tăm tích.
Malaysia Airlines thậm chí không thông báo cho gia đình các hành khách mãi 15 giờ sau khi chiếc máy bay đã biến mất, để họ chờ đợi mỏi mòn trong một khách sạn ở Bắc Kinh, và các phái đoàn của Kuala Lumpur sau đó cũng không tiết lộ được gì nhiều.
Hơn 100 bạn bè và người thân của các hành khách đã cùng ký một kiến nghị kêu gọi chính quyền Malaysia minh bạch hơn và trả lời các câu hỏi. Một số người thân của các hành khách đã ném chai lọ vào nhân viên Malaysia Airlines tới giải thích với họ ở Bắc Kinh, điểm đến dự kiến của chiếc máy bay xấu số, nhưng hầu hết các quan chức Malaysia vẫn giữ thái độ im lặng.
Sự thất vọng của những gia đình có người thân mất tích là dễ hiểu và hợp lý, nhưng cũng không nên kỳ vọng nhiều từ chính quyền Malaysia. Dù trên lý thuyết là một nền dân chủ phổ thông đầu phiếu, từ khi độc lập tới nay, Malaysia hầu như chỉ có một khối liên minh chính trị lãnh đạo, và chính quyền này thiếu minh bạch, không quan tâm tới, thậm chí là có thái độ thù địch, với báo chí và những đòi hỏi của các công dân.
Là một nước khá giàu có, nhưng Malaysia cũng khá nổi tiếng về chuyện tham nhũng. Kể từ sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ, đã xuất hiện những tin tức về việc các thành viên Al Qaeda có kế hoạch gặp gỡ ở Malaysia.
Chính quyền nước này đã áp dụng một chính sách bảo mật thông tin nghiêm ngặt về các nguy cơ khủng bố, đồng thời duy trì chính sách thị thực khá cởi mở cho người nước ngoài tới Malaysia.
Thành tích an toàn hàng không của Malaysia, theo lời các chuyên gia hàng không, là không tồi chút nào. Thành tích này cũng không đáng ngạc nhiên với một quốc gia có GDP bình quân đầu người vào khoảng 10.400 USD, là một điểm sản xuất toàn cầu các thiết bị điện tử và công nghệ cao.
Trước khi chuyến bay MH370 mất tích, Malaysia Airlines không gặp phải vụ tai nạn hàng không gây chết người nào kể từ năm 1995. Kuala Lumpur, nơi chiếc máy bay cất cánh, còn có thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với phần còn lại của đất nước, khoảng 18.000 USD. Thành phố cũng tự hào với hệ thống đường trên cao quy mô, hiện đại, giao thông hiệu quả và các khu ngoại ô giàu có.
Nhưng nền chính trị Malaysia không theo kịp tăng trưởng kinh tế. Liên minh Barisan Nasional nắm quyền từ rất lâu tiếp tục thắng cử bất chấp nhiều vụ bê bối. Trong những cuộc bầu cử toàn quốc gần đây nhất, tháng 5/2013, liên minh Barisan Nasional giành nhiều ghế nhất ở quốc hội, dù phe đối lập giành được nhiều phiếu phổ thông hơn, cho thấy cuộc bầu cử có thể có nhiều khuất tất.
Vì thế, dù Malaysia giàu hơn nhiều so với các nước láng giềng như Indonesia hay Philippines, các nền dân chủ ở hai nước kia khiến trách nhiệm giải trình với đòi hỏi của người dân của chính trị gia lớn hơn. Kể từ khi độc lập vào năm 1957, Malaysia mới có sáu thủ tướng và liên minh cầm quyền cũng ít có sự đổi mới.
Trong cuộc khủng hoảng hiện giờ, Thủ tướng Najib Razak đưa ra rất ít bình luận về chuyến bay, trong khi truyền thông Malaysia, vẫn do nhà nước kiểm soát, lẽ ra phải đi trước một bước trong việc đưa tin về cuộc điều tra, lại cung cấp thông tin rất ít ỏi.
Truyền thông quốc tế sốt ruột trước cách cung cấp thông tin của phía Malaysia (Nguồn: AP)
Một nghiên cứu tổng thể về các công ty có liên hệ với chính quyền do một nhóm các nhà kinh tế học ở Australia và Malaysia cùng tiến hành cho thấy các doanh nghiệp nhà nước được quản trị yếu kém hơn nhiều so với những công ty cổ phần không do nhà nước kiểm soát.
Thiếu minh bạch và các định chế dân sự yếu ớt ở Malaysia đã khiến tình trạng tham những lan tràn, một phần nguyên nhân dẫn tới nạn hộ chiếu giả trở nên phổ biến. Tổ chức Global Financial Integrity (Minh bạch tài chính toàn cầu) xếp hạng Malaysia là một trong những nước với dòng tiền chảy ra bất hợp pháp lớn nhất thế giới, trong khi tổ chức Transparency International (Minh bạch quốc tế) xếp Malaysia hạng 53 trong hạng mục chính phủ trong sạch, thấp hơn nhiều so với các nước nghèo hơn khác.
Ít nhất hai người đã mất tích trên chuyến bay, và có thể còn nữa, đã sử dụng hộ chiếu đánh cắp. Người đứng đầu tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol, Ronald Noble, tỏ ra rất ngạc nhiên về việc những người dùng hộ chiếu đánh cắp đó có thể lên máy bay dễ dàng như vậy.
Dù chưa thể xác định việc máy bay mất tích là có liên quan tới khủng bố, ngay cả điều đó đúng, có lẽ chính quyền Malaysia cũng sẽ không cung cấp đủ thông tin cho dư luận. Malaysia từ lâu đã duy trì một chính sách thị thực tương đối cởi mở với người Hồi giáo nước ngoài, một phần vì nước này cần nhân công giá rẻ, và một phần vì chính sách này được lòng dân (cũng vì thế mà Al Qaeda đã định tổ chức gặp mặt ở đây).
Nhưng đồng thời, Malaysia cũng hợp tác chặt chẽ với tình báo Anh và Mỹ trong các vấn đề an ninh. Sự hợp tác này không được lòng đa số người dân Malaysia và chính quyền phải cố gắng cung cấp càng ít thông tin về các hợp tác đó càng tốt.
No comments:
Post a Comment