Thursday, March 13, 2014

Philippines thả dù tiếp tế cho lính trên Bãi Cỏ Mây ở Trường Sa

 Thứ năm 13 Tháng Ba 2014
RFI-Trọng Nghĩa
 Tàu cũ của Philippines mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây, Trường Sa, nơi đồn trú của lính Philippines
 Tàu cũ của Philippines mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây, Trường Sa, nơi đồn trú của lính Philippines-DR

Đường biển bị Trung Quốc ngăn chặn, Philippines đã phải dùng đến đường hàng không để tiếp tế lương thực cho nhóm lính của họ đồn trú trên Bãi Second Thomas Shoal – Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây - vùng quần đảo Trường Sa. Theo hãng tin Pháp AFP, quân đội Philippines đã cho biết như trên vào hôm nay, 13/03/2014, nhưng không nói rõ chiến dịch tiếp tế xẩy ra vào lúc nào.

Theo ông Peter Paul Galvez, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, quân đội nước này đã dùng máy bay thả thực phẩm xuống cho các binh sĩ đóng trên bãi Second Thomas Shoal. Nguồn tin này không cho biết thêm bất kỳ chi tiết nào, đặc biệt là thời điểm diễn ra chiến dịch thả dù đồ tiếp tế.
Philippines đã phải dùng đến máy bay thả lương thực tiếp tế cho binh sĩ của mình, đó là vì đường biển đã bị tàu Trung Quốc phong tỏa. Cách nay hai hôm, Manila đã chính thức gởi công hàm phản đối việc tàu tuần duyên Trung Quốc, ngày 09/03 vừa qua, đã chặn hai tàu dân sự được quân đội Philippines thuê chở hàng tiếp tế, không cho đến gần bãi Cỏ Mây.
Nằm cách đảo Palawan, ở phía Tây Philippines khoảng 200 km, Bãi Second Thomas Shoal là một thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa đang là đối tượng tranh chấp giữa Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.
Từ những năm 1990 đến nay, Philippines đã cho một toán thủy quân lục chiến thường xuyên canh giữ bãi này. Họ sống trên một chiếc tàu cũ mắc cạn trên bãi, và được tiếp tế bằng đường thủy. Công việc này vẫn tiến hành đều đặn cho đến sự cố hôm 09/03/2014, khi Trung Quốc lần đầu tiên dùng võ lực ngăn chặn việc tiếp tế của Philippines.
Theo giới quan sát, động thái gây căng thẳng của Trung Quốc nằm trong sách lược phong tỏa đường tiếp tế cho lính Philippines trên bãi Second Thomas Shoal, cho đến khi Manila buộc phải rút quân đi, tạo điều kiện cho Bắc Kinh mặc nhiên chiếm đóng bãi đá này, được Trung Quốc đặt tên là Nhân Ái Tiều.

No comments:

Post a Comment