Bác bỏ các nguồn tin "phát hiện"
“Phía Malaysia đã cử một chiếc Bombardier đến điều tra những mảnh vỡ mà Trung Quốc nói rằng vệ tinh của họ đã tìm thấy và chúng tôi khẳng định, những thông tin này không chính xác, ở đây chắc chắn có sự nhầm lẫn” - ông Hussein cho biết. 
Chính quyền Malaysia đã yêu cầu phía Trung Quốc kiểm tra lại nguồn tin. Theo thông tin phản hồi từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Kuala Lumpur, đã xác nhận rằng các bức ảnh vệ tinh Trung Quốc công bố không liên quan gì đến chuyến bay MH370. 
Ngoài ra, ông Hussein cũng bác bỏ thông tin của các nhà điều tra hàng không Mỹ cho rằng, chuyến bay MH370 bay tiếp 4 giờ sau khi mất tín hiệu. 
Theo một số báo chí nước ngoài đưa tin, các nhà điều tra Mỹ - dựa trên số liệu mà động cơ chiếc Boeing tự động gửi về trung tâm dữ liệu của nhà sản xuất Rolls-Royce - nói rằng máy bay có thể đã bay tổng cộng 5 giờ đồng hồ, tức là còn bay 4 giờ nữa sau khi mất tích.
Trong buổi họp báo hôm qua, ông Hussein cho biết, các nhóm điều tra của Hãng Rolls-Royce và Boeing đã đến Kuala Lumpur và hợp tác với Malaysia Airlines để mở cuộc điều tra kể từ hôm 9.3 và không hề đưa ra vấn đề nêu trên. 
CEO của Malaysia Airlines - ông Ahmad Jauhari Yahyain - cũng bác tin nói chiếc Boeing 777 bị mất tích của hãng này vẫn gửi dữ liệu cho Rolls-Royce nhiều tiếng đồng hồ sau khi biến mất. Vị này khẳng định, lần cuối cùng chiếc máy bay gửi đi dữ liệu là vào lúc 1h07, tức khoảng 30 phút sau khi cất cánh. “Hoàn toàn không có bất kỳ một dữ liệu nào được gửi đi sau đó” - ông Yahyain nói.
Nhiễu loạn và mâu thuẫn 
 Quan chức Malaysia trong cuộc họp báo tại Kuala Lumpur chiều 13.3.
Về vấn đề có hay không việc hãng hàng không âm thầm thoả thuận bồi thường tiền với thân nhân tại Trung Quốc, ông Yahyain không trả lời, nhưng chỉ cho biết thông tin là phía Chính phủ Malaysia sẽ hỗ trợ mọi điều kiện tốt nhất cho thân nhân các hành khách, nếu họ có nhu cầu muốn sang Malaysia để chờ thông tin người thân.
Trước sự nhiễu loạn về thông tin, dư luận và báo giới luôn đặt ra câu hỏi là phải chăng Chính phủ Malaysia muốn giấu điều gì đó. Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia tỏ ra khá khó chịu và tuyên bố, phía Chính phủ Malaysia đang ra sức phối hợp với các bên để cùng tham gia tìm kiếm và sẽ làm mọi điều để tìm ra chiếc máy bay. Vị bộ trưởng này tuyên bố: "Chính phủ Malaysia không giấu giếm bất kỳ thông tin nào”.
Tuy nhiên, theo quan điểm của một nhà báo Malaysia, bản thân việc cung cấp thông tin từ phía chính phủ trước đó cũng luôn có nhiều xung đột và không đồng nhất, điều đó khiến người ta nghi ngờ. Trong đó, thông tin về thời gian chiếc máy bay ngừng cung cấp tín hiệu là điều đáng suy nghĩ nhất.
Vị phóng viên này đưa ra các dữ liệu phân tích từ các chuyên gia hàng không nổi tiếng của Malaysia rằng, khi chiếc máy bay bắt đầu được cho là mất tích, chính đại diện của Hãng hàng không Malaysia đã nhiều lần tuyên bố rằng, lần liên lạc cuối cùng của chiếc máy bay là vào lúc 2h40-AM, tức là 2 tiếng đồng hồ sau khi cất cánh. Nhiều người đã cho rằng có sự nhầm lẫn ở đây, bởi vì tín hiệu cuối cùng của chuyến bay hiện diện trên hệ thống theo dõi là 1h20-AM, khi mà máy bay bắt đầu qua vùng biển phía nam biển Đông, hướng vào vùng biển của Việt Nam.
Như vậy nếu có thay đổi vị trí, có thể nó biến mất vào lúc 1h30-AM. Đây chắc chắn là tín hiệu được nhận thấy cuối cùng, bởi vì khi đó cũng là lúc cuối cùng hệ thống tiếp sóng của máy bay liên hệ với hệ thống radar dân sự. Và rồi trong cuộc họp báo ngày hôm qua, cũng chính phía hãng hàng không lại khẳng định là thời điểm ngừng hoàn toàn liên lạc là vào lúc 1h07-AM. Ngoài ra, việc công bố và phủ nhận liền ngay sau đó về tín hiệu máy bay trên radar quân sự của phía quân đội... đặt ra nhiều câu hỏi.
Các quan chức Malaysia có mặt tại các buổi họp báo luôn viện dẫn sự “không chắc chắn” của mình để giải thích cho việc không cung cấp nhiều thông tin. Cũng chính vì sự "không chắc chắn" đó mà qua 6 ngày tìm kiếm, đã có những báo cáo rất mâu thuẫn về những gì có thể xảy ra sau khi chiếc máy bay của Malaysia Airlines mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu. Theo kế hoạch, ngày hôm nay (14.3), việc tìm kiếm vẫn sẽ tiếp tục ở hai khu vực biển Đông và eo biển Malacca.