Thursday, March 13, 2014

An ninh bệnh viện và chuyện người nhà đòi chôn xác bệnh nhân ở sảnh

Thứ năm, 13/3/2014 15:08 GMT+7
Sau khi sản phụ Trần Thị Loan và con tử vong tại bệnh viện đa khoa Kinh Bắc (Bắc Ninh), hàng trăm người thân và người dân đã kéo đến bệnh viện, đào huyệt trong bệnh viện đòi chôn nạn nhân trong sảnh bệnh viện.
Hàng loạt vụ việc ‘đại náo’ bệnh viện
Vấn đề an ninh tại bệnh viện (BV) vừa được Bộ Y tế gióng lên hồi chuông cảnh báo sau nhiều vụ việc làm náo loạn bệnh viện.
An ninh BV không chỉ là tình trạng bệnh nhân bị móc ví, trộm đồ, bị lừa đảo, cò mồi mà còn ở vấn đề an ninh cho chính những bác sỹ.
An ninh bệnh viện và chuyện người nhà đòi chôn xác bệnh nhân ở sảnh
 Người nhà sản phụ Loan đào huyệt ở sảnh bệnh viện. Ảnh Xahoionline
Câu chuyện về cái chết của sản phụ Loan vẫn được nhiều bác sỹ nhắc lại mỗi khi nói về an ninh ở BV.
Trước đó, khoảng 8h ngày 20/4/2012, chị Trần Thị Loan (SN 1978) ở Khúc Toại, Khúc Xuyên - TP Bắc Ninh được chị Tạ Thị Hà (SN 1978) là bạn đưa đến Bệnh viện đa khoa Kinh Bắc để khám thai định kỳ. Sau khi khám và làm một số xét nghiệm, bác sỹ yêu cầu chị Loan nhập viện để chờ sinh.
Đến 8h20 cùng ngày chị Loan làm thủ tục nhập viện và được bác sỹ đưa vào phòng chờ sinh để được thăm khám. Quá  trình nằm tại bệnh viện, chị Loan đã được thăm khám nhiều lần, sức khoẻ của chị và thai nhi đều bình thường, không có gì khác lạ.
Khoảng 23h30 ngày 20/4, chị Loan đau bụng trở dạ đẻ, đến 23h45 phút, chị Loan được bác sỹ và người nhà đưa vào phòng đẻ. Khi vào phòng đẻ, chị Loan được bác sỹ Nguyễn Ngọc Tân (SN 1984) và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hyền (SN 1986) trực tiếp đỡ đẻ.
Quá trình theo dõi sinh phát hiện thấy cần phải đẻ chỉ huy bác sĩ Tân cùng hộ lý Huyền đã tiêm thuốc và truyền dịch cho chị Loan. Nhưng chị Loan đã  bị ngất trên bàn đẻ phải cấp cứu.
Bác sỹ Tân đã mời bác sĩ Thọ chuyên khoa nội, bác sĩ Khải khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện và các thành viên liên quan đến cấp cứu cho chị Loan nhưng chị Loan và thai nhi đã tử vong vào hồi 0h15 phút ngày 21/4/2012.
Sau cái chết của sản phụ Trần Thị Loan hàng trăm người thân và người dân đã kéo đến bệnh viện, đào huyệt trong bệnh viện đòi chôn nạn nhân trong sảnh bệnh viện.
Vụ việc đã khiến hoạt động của bệnh viện bị đình trệ, lực lượng công an phải làm việc vất vả nhiều ngày để vãn hồi trật tự.
Các cơ quan liên quan, các cấp quản lý mất nhiều thời gian, công sức để lập lại trật tự, đưa bệnh viện trở lại hoạt động bình thường.
Hậu quả lớn nhất là bệnh viện đã bị mất uy tín trầm trọng, đội ngũ y bác sỹ hoạt động trong hoang mang, lo lắng tới tính mạng và ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn không nhỏ.
Năm 2013, hàng loạt vụ việc làm náo loạn bệnh viện khác, như ngày 4/9/2013, tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh, sản phụ Nguyễn Thị Vinh, 24 tuổi, trú tại xóm 4, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc có hiện tượng trở dạ, gia đình đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thành phố Vinh để sinh.
Sau khi nhập viện, khoảng 3 giờ ngày 5/9 thì chị tử vong. Bức xúc vì cho rằng BV không chữa trị kịp thời dẫn đến cái chết của mẹ con chị Vinh, sáng 5/9, hàng chục người đã mang xác mẹ con sản phụ đặt trước sảnh BV kêu gào, chửi bới, lăng nhục y, bác sỹ và có hành vi đập phá.
Công an Thành phố Vinh phải huy động lực lượng đến dẹp trật tự và bảo vệ bệnh viện.
Cục trưởng lý giải nguyên nhân
Về những vụ việc xảy ra ở viện khiến nhiều bác sỹ, điều dưỡng phát hoảng, BS CK II Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện ĐK Thống Nhất – Đồng Nai cũng chỉ biết than thở, “nhiều trường hợp ẩu đả trong bệnh viện, đuổi đánh bác sỹ và nhân viên y tế, đe dọa, yêu sách theo ý cá nhân, gây bất an trong đội ngũ thầy thuốc bệnh viện đã xảy ra thường xuyên hơn”.
An ninh bệnh viện và chuyện người nhà đòi chôn xác bệnh nhân ở sảnh
 Hàng trăm người tập trung ở Bệnh viện đa khoa Kinh Bắc sau cái chết của sản phụ Loan. Ảnh: xahoionline.
Còn PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh- Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân chính của các vấn đề tiêu cực này vì xảy ra các sự cố y khoa do các nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Ví dụ như vụ sản phụ Loan tử vong là do thuyên tắc ối. Đây là nguyên nhân khách quan mà ngành y không thể kiểm soát được.
Tuy nhiên, khi có tai biến trong y khoa, người nhà bệnh nhân đã không được giải thích, giải quyết kịp thời nên họ bức xức dẫn đến ẩu đả,  gây rối, truy sát bác sỹ, nhân viên y tế.
Tuy nhiên, ông Khuê cũng thừa nhận còn có những nguyên nhân chủ quan. “Thái độ của nhân viên y tế trong qúa trình tiếp xúc với bệnh nhân, những tắc trách xảy trong quá trình điều trị như bệnh nhân không được thăm khám kịp thời, bác sỹ xử lý chậm hay có những chẩn đoán, xử lý sai lệch. Sự  xuống cấp y đức cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ gây rối, đập phá, hỗn loạn tại bệnh viện.
Các vụ việc gây rối ở viện kiểu này diễn ra ngày một nhiều, hậu quả ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát. Do không được ngăn chặn, tuyên truyền nâng cao nhận thức kịp thời nên nó như một dịch bệnh lây lan nhanh chóng”, ông Khuê nói.
Bà Lê Thị Thủy, Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, các tệ nạn, các vụ gây rối ở viện một phần do lực lượng bảo vệ chưa đủ khả năng kiểm soát tình hình.
Công tác bảo vệ trật tự trị an trong các bệnh viện cũng còn nhiều bất cập. Hầu hết các nhân viên bảo vệ trong các bệnh viện khi được tuyển dụng chưa được đào tạo bài bản, không có trình độ nghiệp vụ nên nhiều trường hợp khi bị các đối tượng côn đồ đe dọa bảo vệ cũng phải trốn chạy.
Ngoài ra, lực lượng nhân viên bảo vệ mỏng, không bao quát được hết nên lực lượng bảo vệ bệnh viện không đủ mạnh để đảm bảo an ninh, trật tự trong bệnh viện.
Trước thực trạng an ninh bệnh viện cần được nâng cao, trước đó, ngày 24/2 Công an thành phố Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội đã ký quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự giữa hai ngành và các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô.
Nguyễn Tâm

No comments:

Post a Comment