(PetroTimes) - Ngày 13/3, tờ Wall Street Journal cho rằng, có người đã cố tình tắt hệ thống nhận và phát tín hiệu trên chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines mất tích và chuyến bay MH370 vẫn tiếp tục bay thêm một khoảng thời gian dài nữa sau khi biến mất khỏi màn hình radar.
Đồ họa mở rộng khu vực tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích sang eo biển Malacca
Và có khả năng chiếc Boeing 777-200 đã bay thêm hơn 3.500km - có thể đã bay đến biên giới Pakistan hoặc ra Ấn Độ Dương hay biển Arab. Tờ Wall Street Journal dẫn lời giới chuyên gia hàng không và quan chức an ninh quốc gia Mỹ khẳng định, chiếc Boeing 777-200 đã bay tổng cộng 5 tiếng đồng hồ (dựa theo báo cáo tự động về tình trạng hệ thống gửi từ máy bay cho mặt đất của động cơ máy bay). Giới chức chống khủng bố của Mỹ đang điều tra theo hướng phi công hoặc ai đó trên chuyến bay MH370 đã chuyển hướng bay đến một vị trí chưa xác định sau khi cố tình tắt hệ thống truyền và phát tín hiệu, nhằm tránh bị radar theo dõi. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cũng có bài viết tương tự. Nhưng Malaysia đã bác bỏ tin nói rằng: chiếc máy bay mất tích tiếp tục bay 4 giờ sau khi biến mất khỏi màn hình radar.
Cũng trong ngày 13/3, Malaysia Airlines thông báo, người thân và bạn bè của những hành khách trên chuyến bay MH370 sẽ được bố trí ở khu vực Cyberjaya, một nơi riêng biệt của hãng này (tại tầng 5 của sân bay quốc tế Kula Lumpur) được biết tới dưới tên gọi Anjung Tinjau. Theo đó, sân bay quốc tế Malaysia sẽ không còn được sử dụng như trung tâm đón tiếp người thân, họ hàng và bạn bè của hành khách trên chuyến bay MH370 đến cầu nguyện. Malaysia Airlines cũng khẳng định, thông tin về việc gia đình của một số hành khách mất tích trên chuyến bay MH370 đã bị chở nhầm sang Ấn Độ thay vì Kuala Lumpur là không đúng. Và họ đã triển khai tổng cộng 112 nhân viên tâm lý để hỗ trợ về tinh thần cho người nhà của các hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay MH370, đồng thời hỗ trợ 5.000 USD/hành khách để trang trải các chi phí. Tuy nhiên nhiều thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 không muốn nhận.
Cùng ngày 13/3, Tân Hoa xã dẫn lời Cục phó Cục hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) Hạ Hưng Hoa cho biết, CAAC đã đề nghị cử một nhóm chuyên gia tới giúp tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Đặc phái viên của Thủ tướng Malaysia tại Trung Quốc Ong Ka Ting cho biết, Chính phủ Malaysia sẽ ưu tiên đề xuất của Trung Quốc và thăm dò một kênh liên lạc giữa các giới chức hàng không của hai bên ngay lập tức. Khi trả lời các câu hỏi tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 12, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố, Bắc Kinh sẽ không ngừng hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines.
Giới chuyên môn và dư luận thực sự quan tâm tới thông tin trên tờ Telegraph (Anh) khi dẫn lời cựu điều tra viên tai nạn máy bay người Anh David Gleave cho rằng, các nỗ lực tìm kiếm gặp khó khăn vì các nước trong khu vực không sẵn lòng chia sẻ thông tin về tầm hoạt động của hệ thống radar quân sự của nước mình. Việc tiết lộ khả năng dò tìm của hệ thống radar hải quân và quân sự là một điều nhạy cảm và đây có thể là nguyên nhân khiến các nước không sẵn lòng công bố những gì họ biết.
Trong khi đó tờ The Telegraph (Anh) dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho rằng, có thể phải mất nhiều tuần, thậm chí vài tháng mới tìm thấy chiếc máy bay mất tích. Nhưng nếu việc này diễn ra sẽ không có kết quả bởi pin của hộp đen có thể hết sau 30 ngày phát tín hiệu. Theo tiên đoán của nhà chiêm tinh thế hệ thứ bảy Yuvaraj Sowma, người Ấn Độ: chiếc máy bay mất tích có thể sẽ được tìm thấy trong ngày 15/3 hoặc trước thời điểm này.
Các pháp sư Malaysia làm phép tìm máy bay mất tích
Dư luận quan tâm tới tin nói rằng, anh Mike Seberger, một người sử dụng hệ thống mạng Tomnod đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện hình ảnh giống như chiếc máy bay Boeing 777-200 chìm dưới đáy biến. Giới chuyên môn cũng khá chú ý tới sự khác nhau trong nhận định về chiếc máy bay mất tích của CIA và Interpol. Bởi trong khi Giám đốc CIA John Brennan không loại trừ khả năng khủng bố, thì Tổng Thư ký Interpol Ronald Noble không tin chuyến bay MH370 bị khủng bố.
Sáng 13/3, đại diện Malaysia Airlines cho biết, đã kiểm tra các e-mail, cuộc gọi của cơ trưởng MH370 thực hiện trước chuyến bay nhưng chưa phát hiện dấu hiệu khả nghi và bất thường về tinh thần. Malaysia Airlines cho biết, sẽ ngừng sử dụng số hiệu MH370 và MH371 cho chặng bay từ thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia tới thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Và từ 14/3, Malaysia Airlines bắt đầu sử dụng số hiệu MH318 và MH139 cho chặng bay kể trên.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Khairy Jamaluddin cho rằng, việc mời pháp sư Ibrahim Mat Zin làm phép ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur để tìm kiếm chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị mất tích hôm 8/3 là một việc làm đáng xấu hổ. Ông Hardi Mohd Sadali, Phó chủ tịch Cục Tôn giáo Hồi giáo bang Selangor (JAIS) cho biết, cơ quan này sẽ làm việc với nhân viên an ninh tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur để ngăn các pháp sư thực hiện nghi lễ nhằm tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 13/3 cho biết, cộng đồng người dùng Internet tại Trung Quốc đang chế giễu việc chính phủ Malaysia mời thầy phù thủy (pháp sư) để giúp tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Trước đó, hãng thông tấn Bernama và Free Malaysia Today từng đưa tin, pháp sư Ibrahim Mat Zin (còn được gọi là Raja Bomoh Sedunia Nujum VIP) nổi tiếng của Malaysia tuyên bố: có thể giúp tìm chiếc máy bay mất tích bằng phương pháp tâm linh. Nhiều người đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi pháp sư được mời tham gia tìm kiếm chiếc máy bay gặp nạn nên họ đã làm một sự so sánh: trong khi Trung Quốc triển khai 10 vệ tinh, Malaysia mời 1 thày phù thủy! Trên các mạng xã hội, nhiều người Malaysia cũng bày tỏ bức xúc trước hành vi mê tín dị đoan nói trên.
Tiên Du - Bắc Ninh
No comments:
Post a Comment