Thursday, February 20, 2014

Lao động oằn lưng cõng phí đen!

21/02/2014 06:25 (GMT + 7)

TT - Bắt đầu từ ngày 1-2-2014, doanh nghiệp đưa lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc chỉ được phép thu tối đa 4.000 USD/người bao gồm cả phí môi giới. Quy định như vậy nhưng người lao động vẫn đang phải trả mức phí cao hơn nhiều.
Lao động Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh vào Đài Loan - Ảnh: Hồ Văn
Yêu cầu đó của Bộ Lao động- thương binh và xã hội đã bị ngó lơ. Ngay trong tháng 2, chúng tôi đã có cuộc khảo sát trong lĩnh vực này và công ty nào cũng có sai phạm về mức thu phí.
Phổ biến là 5.000- 6.000 USD/người
Trong vai lao động đang “tìm cửa” sang Đài Loan làm việc, chúng tôi tiếp xúc với nhiều người đang tuyển nguồn lao động cho các doanh nghiệp.
Trần Trung Kiên, người đang tuyển lao động cho Công ty TMS nhân lực, hào hứng giới thiệu về đơn hàng nghề hàn sẽ tuyển vào ngày 20-2. Liên tục giục người lao động tới đăng ký form (đăng ký bằng văn bản), Kiên nhắn: mức chi phí trọn gói là 6.400 USD, không cần đặt cọc. Tuy nhiên, khi hỏi có thêm chi phí đào tạo nữa không thì Kiên nói: bắt buộc phải học tiếng (tiếng Hoa), chi phí 2 triệu đồng/người và thêm 800.000 đồng/người tiền khám sức khỏe.
Một nhân viên khác xưng là người của Công ty Hoàng Long cũng giới thiệu về các đơn hàng công ty này chuẩn bị tuyển. Phù hợp nhất là đơn hàng của Công ty Khả Thành (Đài Loan) lắp ráp đồ điện tử với mức phí trước khi đi là 5.500 USD/người cho công ty, ngoài ra mỗi lao động phải nộp thêm 500 USD nữa để “lo việc trúng tuyển và bay nhanh”. Tổng cộng người lao động phải nộp 6.000 USD. Mỗi lao động còn phải nộp thêm khoản chi phí đào tạo 2,5 triệu đồng.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại hợp tác nhân lực quốc tế (Vinaincomex) mới đây cũng có thông báo tuyển lao động nữ sang làm việc tại nhà máy điện tử ở thành phố Cao Hùng (Đài Loan) với mức phí 5.600 USD/người, trong đó bao gồm 1.000 USD tiền đặt cọc.
Đó chỉ là số ít doanh nghiệp xuất khẩu lao động mà chúng tôi tiếp cận. Ở đa số doanh nghiệp khác, mức phí trước khi đi phổ biến khoảng 5.000 - 6.000 USD/người.
Giảm phí: làm được không?
Đài Loan là thị trường lao động quan trọng của VN với tổng số lao động đưa đi trong năm 2013 hơn 46.000 người, chiếm hơn 50% tổng số lao động ra nước ngoài làm việc. Tổng chi phí người lao động phải trả để sang Đài Loan làm việc tăng nhanh trong mấy năm trở lại đây và đang ngày càng tăng nhanh, theo cách nói của ông Nguyễn Lương Trào, chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động (VAMAS).
Lý do cơ bản là phí môi giới (trả cho đối tác môi giới Đài Loan) bị đẩy lên cao do các công ty xuất khẩu lao động giành giật hợp đồng cung ứng. Cách đây vài năm, mức phí môi giới chỉ 500- 800 USD/lao động nhưng đến nay hầu hết doanh nghiệp đều nói “sau lưng” với nhau là 1.500 USD/lao động đã rất khó để có được hợp đồng.
Theo dõi các hợp đồng cung ứng lao động sang Đài Loan được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định trong tháng 1 vừa qua thì thấy hầu hết mức phí trước khi đi của người lao động đăng ký thẩm định dao động từ 3.500- 3.800 USD/người. “Đăng ký như vậy nhưng lúc làm lại khác” - ông Nguyễn Xuân An, tổng thư ký VAMAS, cho biết. Mức phí trước khi đi của lao động sang Đài Loan như ông An biết, khoảng 6.000- 6.500 USD/người.
Ông An cho biết thêm trong tháng 2 này, Hiệp hội Xuất khẩu lao động sẽ thành lập ban cung ứng lao động Đài Loan. Ban này sẽ làm việc trực tiếp với các hiệp hội cung ứng lao động tại Đài Loan để yêu cầu các thành viên của những hiệp hội này giảm phí môi giới cho lao động VN.
Theo ông Trào, Bộ Lao động- thương binh và xã hội đã đưa ra giải pháp cứng rắn: tạm dừng giấy phép để bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải giảm phí. Tuy nhiên, nếu không đưa ra được một cơ chế kiểm soát kiểm tra chặt chẽ thì vẫn duy trì tình trạng báo cáo một đằng làm một nẻo như trước đây.
TÂY GIANG
Buộc sáu công ty XKLĐ tạm dừng việc cung ứng lao động sang Đài Loan
Bộ Lao động - thương binh và xã hội vừa có quyết định tạm dừng có thời hạn việc cung ứng lao động sang Đài Loan làm việc đối với sáu công ty XKLĐ.
Theo đó, kể từ ngày 20-2, các công ty có tên trong danh sách tạm dừng (Vinagimex - JSC, Emico, Vietcom Human - JSC, Công ty cổ phần hữu nghị Bắc Giang, Isalco, Phutho Co) không được triển khai việc tư vấn, tạo nguồn, tuyển chọn và đào tạo lao động để đưa sang làm việc tại Đài Loan thời hạn từ 45-60 ngày. Các công ty này đã thu phí cao hơn quy định, giữ lương của người lao động, khấu trừ tiền ăn, tiền ở cao hơn quy định.
Ngoài ra, 11 công ty môi giới Đài Loan cũng bị đề nghị tạm dừng xác nhận hồ sơ tiếp nhận lao động VN gồm: Chính Cách, Tam Hòa, Triển Lâm, Hâm Thụy, Liên Dương, Điền Gia, Lợi Thiên, Nam Á, An An, Lực Thông và Vịnh Ngạn. Liên quan đến 11 công ty môi giới này, sáu công ty XKLĐ VN khác (gồm Vinamoto, Vietracimex, Letco, Emico, Simco SDA - JSC, Polimex HR - JSC) cũng được yêu cầu tạm dừng thực hiện hợp đồng với 11 công ty môi giới này. Ba công ty XKLĐ VN khác cũng bị yêu cầu chấn chỉnh hoạt động gồm: Songhong Im - JSC; Vicm Co., Ltd; Cienco 8.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp từ 1-2-2014 đưa lao động sang Đài Loan chỉ được thu mức phí 4.000 USD trở xuống; doanh nghiệp nào sai phạm sẽ bị tạm đình chỉ giấy phép trong ít nhất sáu tháng đến khi cam kết làm đúng.
HỒ VĂN

No comments:

Post a Comment