Thursday, February 20, 2014

Trường sư phạm cấp bằng kinh tế, ai dùng?

- Nhiều ý kiến đặt ra tại buổi làm việc sáng 20/2 giữa Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là cần xác định đúng nhiệm vụ của trường sư phạm. Trường gắn mác "sư phạm" không thể chạy theo số đông: đào tạo đa ngành.

Theo ông Hồ Văn Liên - khoa Tâm lý (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), sứ mạng của trường sư phạm là đào tạo nhà giáo. Nhưng hiện nay các trường sư phạm ngoài đào tạo giáo viên, có nhiều khoa “chẳng liên quan gì” tới sư phạm. Do vậy cần phải xác định lại sứ mạng của trường bằng cách thay đổi cơ cấu, tư duy, hệ thống.
sư phạm, đại học, bằng, Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Các đại biểu chăm chú lăng nghe và đề xuất ý kiến
"Đối với việc đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đề nghị tuyển đầu vào là học sinh THPT. Đối với đào tạo giáo viên THPT, CĐ, ĐH cần tuyển sinh đa dạng để lựa chọn những người có trình độ…" - ông Liên đề xuất.
Ý kiến khác cho rằng: “Nên đào tạo giáo viên sau khi đã học 4 năm cử nhân cộng 1 năm sư phạm. Trong thời gian 1 năm học sư phạm cần cho sinh viên hưởng những chế độ đặc biệt, do xét trên khía cạnh năm này nếu không học họ đã đi làm và có thu nhập”.
Phản bác lại ý kiến này, ông Ngọ (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nêu quan điểm, chỉ cần đào tạo như cũ là được (đầu vào từ THPT). Việc đào tạo giáo viên từ cử nhân rất hạn chế. Hơn nữa nguồn này không đáng tin cậy, thiếu ý thức nghề nghiệp ngay từ đầu.
“Nếu đào tạo như vậy những người trước đây có tham vọng vào tài chính, kế toán không được nay cũng chạy sang sư phạm thì nguy. Cần tổ chức kì thi nghiêm túc, nghiêm minh, chặt chẽ để chọn được người có tài” – ông Ngọ nói.
Còn ông Nguyễn Đình Thi, trưởng Khoa Ngữ văn cho rằng, nhiệm vụ của trường sư phạm là đào tạo giáo viên, những người ngoài nhiệm vụ giáo viên mà kiêm nhiệm công tác giảng dạy phải có nhiệm vụ khác. Cốt yếu là ĐH SP phải làm rõ hai việc-đào tạo người giáo viên truyền thống (truyền thụ được chương trình của Bộ, không có năng lực thích ứng) và giáo viên sau năm 2015 (chuyên nghiệp, thích ứng) tránh tình trạng học vài ba tháng ra làm giáo viên.
Đào tạo đa ngành phải bỏ mác "sư phạm"
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, sứ mạng của trường ĐHSP là đào tạo ra giáo viên có năng lực. Bao gồm năng lực khoa học (khác khoa học tự nhiên) và năng lực sư phạm (nghiệp vụ, kỹ năng, năng lực thực hành sư phạm, phát triển nghề nghiệp). Trường sư phạm không thể đào tạo ra những sinh viên thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mà phải đào tạo ra giáo viên chuyên nghiệp.
“Trung bình một giáo viên công tác giảng dạy khoảng 40 năm, trong khi chương trình giáo dục phổ thông thay đổi 10 năm một lần, một giáo viên phải thay đổi được ít nhất 4 lần. Nếu giáo viên không có trải nghiệm sáng tạo, không năng lực sẽ không đào tạo ra được những sinh viên tốt. Mình đã nghèo lại rải mành mành ra nguy ” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.
Theo thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, giáo dục Việt Nam gần đây đã được cải thiện, được đánh giá cao (ví dụ thông qua kết quả PISA) nhưng điều đó không có nghĩa nền giáo dục đã tốt. Cần nhìn ra những yếu kém để tìm cách khắc phục.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ trường Phạm Vũ Luận cho rằng có hai nhóm ý kiến về trường sư phạm.
sư phạm, đại học, bằng, Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: "Một trường đã dính đến từ "sư phạm" - nếu các đồng chí cấp bằng kinh doanh, kinh tế thì chẳng ai dùng...."
Nhóm thứ nhất là quy hoạch lại mạng lưới sư phạm, không nên để các trường đào tạo đa ngành. Các ngành phụ mọc ra đôi lúc khỏe hơn, át cả nhóm ngành sư phạm.
Nhóm thứ hai cho rằng, nên bỏ từ trường sư phạm biến thành trường đa ngành để đào tạo ngành khác ngoài sư phạm như vậy là ngược nhau.
"Một trường đã dính đến từ "sư phạm" - nếu các đồng chí cấp bằng kinh doanh, kinh tế thì chẳng ai dùng" - lời Bộ trưởng. Vấn đề này đã từng xảy ra tại Trường ĐH Sư phạm Hải Phòng, chúng tôi đã quyết định bỏ tên sư phạm. Ai lại tốt nghiệp kế toán mà hiệu trưởng trường sư phạm cấp bằng thì ai dùng?
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, có nhiều ý kiến cho xu hướng phát triển trường sư phạm là bình thường, tránh hai trường hợp “đẽo cày giữa đường” và tình trạng “nhắm mắt bịt tai không nghe ai”.
Phải lấy đổi mới phổ thông làm mục tiêu định vị cho đổi mới sư phạm (lý do là phổ thông đang thay đổi). Còn tinh thần của Bộ nếu lựa chọn ĐH và sau ĐH sẽ tập trung giải quyết ĐH; giữa chính quy và không chính quy sẽ giải quyết chính quy; giữa đào tạo và đào tạo lại sẽ chú trọng đào tạo lại.
Lê Huyền

No comments:

Post a Comment