Thursday, February 20, 2014

Châu Á nên học cách hòa giải từ châu Âu

Nhưng chính kinh nghiệm hòa giải lịch sử của châu Âu sau Thế chiến 2 là nếu biết hòa giải lịch sử để lại, các quốc gia Đông Á sẽ tránh được xung đột và có thể chung sống hòa bình.

Trung - Nhật tiếp tục căng thẳng vì các lý do lịch sử

Hiềm khích lịch sử – cùng với chủ nghĩa dân tộc cực đoan – là lý do chính đưa châu Âu và sau đó cả thế giới vào hai đại chiến đẫm máu trong nửa đầu thế kỷ 20.

ó đến 9 triệu binh sỹ chết trong Thế chiến 1, còn Thế chiến 2 làm thiệt mạng 60 triệu người, gồm 40 triệu thường dân.

Sau Thế chiến 2, lãnh đạo một số nước Tây Âu – như Thủ tướng CH LB Đức Konrad Adenauer và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Robert Schuman – đã có sáng kiến dẹp bỏ hiềm khích quá khứ và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi để cùng chung sống hòa bình.

Sự hòa giải đó – đặc biệt giữa Pháp và Đức – còn đặt nền móng xây dựng một Cộng đồng châu Âu (EC) hòa bình, phát triển trong suốt thời kỳ Chiến trạnh Lạnh và tạo cơ hội để EU nhận cả các nước cựu cộng sản vào sau khi khối Đông Âu tan rã.

Phát biểu tại Đại học Zurich năm 2011 – khi nhiều nước EU rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng – Chủ tịch EU Herman Van Rompuy cho rằng dù đang đối diện với khủng hoảng, EU vẫn là khu vực phồn thịnh, an toàn và tự do nhất thế giới.

Đúng vậy, nếu dựa vào chỉ số kinh tế, dân chủ và tự do, không khu vực nào vượt qua khối EU.




Vì đã thực sự hòa giải lịch sử, lãnh đạo và người dân châu Âu giờ có thể thẳng thắn đối diện với lịch sử và cùng nhau kỷ niệm các cuộc chiến trong quá khứ"
Hơn nữa, chiến tranh giữa các nước thành viên EU, chẳng hạn giữa Đức và Pháp hay Đức và Ba Lan – những quốc gia từng là thù địch của nhau – giờ được coi là chuyện không thể và không tưởng.

Vì có công đưa châu Âu từ ‘một lục địa của chiến tranh tới một châu lục của hòa bình’ EU đã được trao Giải Nobel hòa bình năm 2012 dù giải thưởng trao vào lúc EU gặp khủng hoảng kinh tế đã khiến không ít người chỉ trích.

Tuy vậy, dù không đồng ý với một số chính sách của EU, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, khó ai có thể phủ nhận những đóng góp của tổ chức này trong việc mang lại thống nhất, tự do, dân chủ, hòa bình cho châu Âu.

Vì đã thực sự hòa giải lịch sử, lãnh đạo và người dân châu Âu giờ có thể thẳng thắn đối diện với lịch sử và cùng nhau kỷ niệm các cuộc chiến trong quá khứ.

Chẳng hạn, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã cùng tham dự một buổi lễ tưởng niệm các tử sỹ trong ngày đình chiến, được tổ chức tại đài tưởng niệm Arc de Triomphe, Paris, năm 2009.

Họ tưởng nhớ hàng triệu binh sỹ, dân thường chết trong cuộc chiến và vừa để nhắc nhở chính họ và bao thế hệ sau đừng vì hận thù quá khứ hay vì chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà đẩy đưa đất nước, châu lục vào một cuộc chiến tương tự.

Thủ tướng Đức Willy Brandt có cử chỉ hòa giải nổi tiếng ở Ba Lan năm 1970

Nói đến thiện chí hòa giải tại của các nước châu Âu thiết nghĩ cũng nên nhắc lại một vài cử chỉ rất nhỏ nhưng đầy ý nghĩa của một số lãnh đạo châu Âu.

Trong số đó có việc Thủ tướng Đức Willy Brandt – người được trao Giải Nobel Hòa bình 1971 – đã quỳ xuống trước đài tưởng niệm các nạn nhân phát-xít Đức ở thủ đô Ba Lan để tỏ lòng hối hận khi ông tới đây vào năm 1970.

Trong cuốn Germany’s Foreign Policy of Reconciliation: From Enmity to Amity, ấn bản năm 2012, Lily Gardner Feldman còn nêu nhiều cử chỉ hòa giải khác của giới lãnh đạo Đức.

Bài học cho châu Á?

Nhiều lý do khác nhau được đưa ra để giải thích tại sao Đông Á cần hòa giải lịch sử. Một trong số đó là sự hợp tác về kinh tế hay các diễn đàn khu vực đã không thể giúp các nước khu vực vượt qua được những nghi kỵ quá khứ.

Hơn nữa, gần đây các hiềm khích lịch sử không chỉ không được giải quyết êm thấm mà còn được khai quật, thậm chí được khuyến khích hay biến thành công cụ chính trị.

Các cuộc khẩu chiến về quá khứ chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật trong thời gian qua là một ví dụ.

Hầu hết các nghiên cứu, bài viết về hòa giải lịch sử ở châu Á đều tập trung vào quan hệ Trung-Nhật và cho rằng nếu hai quốc gia này hòa giải được, châu Á sẽ tránh được xung đột.

Trong một bài viết có tựa đề ‘Japan-China reconciliation is key to unified Asia’ được đăng trên tờ International Herald Tribune vào năm 2010, Kumiko Haba, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại đại học Aoyama Gakuin ở Nhật, cho rằng sự hòa giải Trung-Nhật có thể giúp xây dựng một cộng đồng châu Á thống nhất, ổn định.

Không ai có thể phủ nhận được những thù hận lịch sử Trung – Nhật và chuyện hai cường quốc khu vực này giải quyết quá khứ xung đột của mình hay không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai khu vực.

Nhưng tại châu Á không chỉ có hiềm khích lịch sử Trung – Nhật mà chuyện quá khứ vẫn là một vấn đề phức tạp trong quan hệ Việt-Trung.

Việc chính quyền Việt Nam không tổ chức kỷ niệm 35 năm chiến tranh biên giới và việc báo chí Trung Quốc khá im lặng về biến cố đó có thể tránh được căng thẳng trong quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Nhưng chính sự im lặng hay né tránh ấy cho thấy hai nước cộng sản láng giềng này chưa hoàn toàn giải quyết êm thấm những xung đột trong quá khứ.

Trong cuốn 'Inherited responsibility and historical reconciliation in East Asia', được xuất bản năm 2013, Jun-Hyeok Kwak và Melissa Nobles cho rằng để hòa giải lịch sử, trước hết các bên phải thẳng thắn đối diện với lịch sử và công tâm đánh giá – và nếu có lỗi, phải thừa nhận – trách nhiệm của mình trong lịch sử.

Quan hệ Trung-Nhật rơi vào tình trạng căng thẳng, đối đầu gần đây phần lớn vì hai bên bất đồng với nhau trong việc nhìn nhận, giải quyết lịch sử.

Trong khi Bắc Kinh muốn Nhật Bản phải xin lỗi thêm nữa về những tội ác chiến tranh trước đây, Tokyo lại cho rằng họ đã nghiêm túc giải quyết chuyện quá khứ.

Yếu tố khác cũng được coi là rất cần cho việc hòa giải lịch sử là sự tin tưởng giữa các nước có hiềm khích.

Tại diễn đàn an ninh Shangri-La, Singapore vào tháng 5 năm 2013, ông Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi ‘xây dựng lòng tin chiến lược’ giữa các nước trong vùng.

Trách nhiệm 'xây dựng lòng tin' đến từ lãnh đạo hay người dân?

Bài diễn văn ấy của Thủ tướng Việt Nam được đón nhận vì nó đề cập đến một vấn đề rất quan trọng trong việc hòa giải các xung đột quá khứ và giải quyết các căng thẳng hiện tại trong vùng.

Sang thăm Indonesia vào tháng 10/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nói rằng Bắc Kinh ‘muốn xây dựng niềm tin chiến lược’ với Indonesia và các nước ASEAN.

Nhưng các động thái mạnh bạo của Bắc Kinh như đơn phương đưa ra ‘đường chín khúc’ hoặc có ý định áp đặt vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông đang gây quan ngại chung, cho thấy ‘niềm tin chiến lược’ đó chỉ tồn tại trong diễn văn.

Điều kiện quan trọng khác – nếu không muốn nói là tối cần thiết – để hàn gắn những vết thương quá khứ là các quốc gia từng có tranh chấp với nhau phải có cử chỉ, hành động chứng tỏ mình muốn thực tâm hòa giải, muốn chung sống hòa bình.

Một chi tiết quan trọng mà người dân cũng như giới lãnh đạo Việt Nam ít nhắc đến là trong Thế chiến 2 Nhật Bản đã từng đô hộ Việt Nam và gây nên nạn đói Ất Dậu năm 1945 làm chết hàng triệu người Việt.

Nhưng dư luận Việt Nam đã phần nào hòa giải với Nhật về chuyện này vì từ khi chiến tranh kết thúc, Tokyo không có một hành động gây hấn nào đối với Việt Nam và trong nhiều năm đã giúp đỡ nhiều, nhất là về kinh tế, cho Việt Nam.

Cùng lúc, dư luận Việt Nam luôn muốn nhắc lại các xung đột quá khứ với Trung Quốc, như Hải chiến Hoàng Sa 1974 và Chiến tranh Biên giới 1979, một phần cũng vì những động thái trên Biển Đông gần đây của Bắc Kinh.

Có thể nói, nếu thực tâm muốn hòa giải và chung sống hòa bình với Việt Nam và các nước làng giềng khác, chắc Bắc Kinh không mạnh bạo, hung hăng như thế.

Lướt qua như vậy để thấy rằng chuyện hòa giải những xung đột lịch sử ở Đông Á vẫn là một vấn đề nan giải.

Các quốc gia trong vùng vẫn chưa muốn thẳng thắn và công tâm đánh giá lịch sử hay tỏ thiện chí hoặc có những cố gắng hòa giải xung đột trong quá khứ.

Thái độ của Trung Quốc gần đây xem ra càng làm cho việc hòa giải ở Đông Á càng khó khăn hơn.

Khó nhưng rất cần

Châu Âu đã có hàng chục năm hòa giải sau hai cuộc Thế chiến

Dù đều cho rằng Đông Á cần có một sự hòa giải lịch sử như Đức, Pháp và các nước châu Âu đã từng làm, nhiều người trong giới nghiên cứu cho rằng một sự hòa giải như vậy rất khó xảy ra ở Đông Á.

Khác với châu Âu, hầu hết các nước Đông Á đã từng bị thuộc địa và vì vậy chủ nghĩa dân tộc rất mạnh tại đây.

Hơn nữa, không giống như các nước châu Âu sau Thế chiến thứ hai, hiện tại các nước Đông Á rất khác nhau về nhiều mặt, đặc biệt là chính trị, và đây cũng là một trở ngại khác cho việc hòa giải.

Một lý do khác thường được nêu ra là các nước châu Âu tiến hành hòa giải vì sau hai cuộc chiến đẫm máu, giới lãnh đạo và người dân châu Âu nhận ra rằng chỉ có hòa giải mới có thể tránh được những hậu quả tương tự trong tương lai.

Trong khi đó, dù có xung đột và chiến tranh trong quá khứ, châu Á chưa phải đối diện một cuộc chiến nào tàn khốc như châu Âu đã từng trải qua.

Đông Á vẫn chưa thể hòa giải để có thể chung sống hòa bình có thể vì thiếu các lãnh đạo có tâm, có tầm và dám can đảm lên tiếng xin lỗi, hay có những cử chỉ bày tỏ sự hối tiếc về những sai lầm, tội ác mà các lãnh đạo trước của họ gây nên.

Yếu tố nữa làm cho việc hòa giải giữa các nước Đông Á khó diễn ra là ngay trong một số quốc gia khu vực chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.

Chẳng hạn, khi chưa giải quyết được vấn đề Tây Tạng hay Tân Cương làm sao Bắc Kinh có thể tiến hành hòa giải với các nước trong vùng như Nhật hay Việt Nam?

Tuy vậy, dù một sự hòa giải tương tự như châu Âu ở Đông Á rất khó, thậm chí không thể có, những ai muốn khu vực này ổn định, hòa bình đều cho rằng các nước Đông Á cần và nên tiến hành hòa giải những xung đột lịch sử.

Vì nếu không, căng thẳng và đối đầu giữa các nước khu vực vẫn cứ tiếp diễn và nguy hại hơn – như trường hợp châu Âu cho thấy – hiềm khích, hận thù và xung đột quá khứ ấy có thể là nguyên cớ đẩy đưa Đông Á vào các cuộc chiến trong tương lai.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện cộng tác với Viện Global Institute tại London.
Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc
(BBC)

No comments:

Post a Comment