Trước số liệu cứ ba hộ thoát nghèo thì lại có một hộ tái hoặc phát sinh nghèo, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu phải thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện giảm nghèo theo hướng bền vững, khuyến khích người dân vươn lên.
Báo cáo trước Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững chiều 20/2,
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho hay,
kết quả giảm nghèo của cả nước và từng địa phương cơ bản đạt được mục
tiêu đề ra. Bình quân số hộ nghèo giảm 2% mỗi năm; các huyện nghèo, xã
nghèo giảm bình quân trên 5% một năm.
Tuy nhiên, kết quả giảm chưa đồng đều, chưa vững chắc. Địa bàn các xã
nghèo miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 50%
trong tổng số hộ nghèo cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ hộ tái, phát sinh nghèo
hàng năm còn cao. “Bình quân cứ 3 hộ thoát nghèo thì có một hộ tái
nghèo, phát sinh nghèo”, bà Chuyền nói và cho hay tỷ lệ này bao gồm cả số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo do hậu quả thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, do tách hộ.
Dù số hộ nghèo giảm trung bình 2% mỗi năm song kết quả này được đánh giá là không bền vững. Ảnh: Vĩnh Phú.
|
Đại diện cho Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Chuyền cũng nhìn nhận, kết
quả đánh giá giảm nghèo chưa phản ánh đúng thực chất do chuẩn nghèo được
duy trì trong thời gian dài, không cập nhật chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
và vẫn còn bệnh thành tích ở một số địa phương. Bên cạnh đó,
nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo dù được quan tâm song chưa đáp ứng được
nhu cầu giảm nhanh, bền vững. Các cơ quan, bộ ngành chưa có sự phối hợp
chặt trong quản lý điều hành.
Chia sẻ quan điểm, đại diện Bộ Giáo dục khẳng định, vấn đề cân đối
nguồn lực hiện có tình trạng trung ương không đảm bảo trong khi nhiều
địa phương sẵn sàng bỏ ra 70% nếu nhận được 30% hỗ trợ. Về điều hành,
các chính sách ban hành nhiều nhưng chồng chéo. Trong lĩnh vực giáo dục
thậm chí một số chính sách còn thể hiện mặt trái.
Đại diện Bộ Tài chính thì khẳng định, chính sách giảm nghèo hiện tản
mát. Như việc có nhiều quyết định riêng rẽ cho các đối tượng thanh niên,
phụ nữ, nông dân… Nguồn lực vì thế bị phân tán nguồn lực, thậm chí mâu
thuẫn. Bộ Tài chính đề nghị nên gom các chính sách trong cùng một quyết
định đồng thời xây dựng chính sách dựa trên sự cân đối nguồn lực.
Phân tích về chính sách, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho
rằng, cách làm hiện nay đang theo quy trình ngược, tức là xuất phát từ
nhu cầu, từ mong muốn giảm nghèo chứ không phải từ nguồn lực thực tế. Số
lượng người nghèo ở Việt Nam còn rất đông, nếu hỗ trợ hết thì Nhà nước
không đủ nguồn lực. Ông Nam đưa ra công thức 1+1+1.
“Nhà nước chỉ nên cho hộ nghèo một phần, thứ hai khoản tiền đối ứng và
thứ ba là cho vay ưu đãi tín dụng. Phải làm sao để khơi dậy nguồn lực
trong người nghèo”, Thứ trưởng Nam nêu quan điểm.
Đồng thời, khi hỗ trợ người nghèo cũng nên đưa ra các gói hỗ trợ để họ
lựa chọn, ví dụ như xây nhà trước hay dành tiền cho con, em đi học. Thứ
trưởng cũng đề nghị, cơ chế chính sách đưa ra phải có tính ổn định, lâu
dài. Từ trước đến nay, do thiếu nguồn lực tài chính nên dù Thủ tướng có
ký quyết định thì các bộ cũng không rót tiền về địa phương được. Trung
ương vì thế mất uy tín với địa phương. “Phải có kế hoạch phân bổ nguồn
lực ngắn hạn, trung hạn. Và không có chính sách nào là chi 100% hết”,
ông Nam nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, điều quan trọng trong chính
sách giảm nghèo là khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo. Ảnh: N.Hưng.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cũng tán thành
việc duy trì tính ổn định các chính sách, ít nhất là 2 nhiệm kỳ. Song
song với đó, nội dung các chính sách phải hướng tới việc khuyến khích
người dân thoát nghèo, “chứ không phải hỗ trợ với thanh niên cả đời như
ông già”.
Để có nguồn lực ổn định, tránh phụ thuộc quá nhiều vào tài trợ, ông đề
nghị Chính phủ trình Quốc hội việc dành hẳn 3-5% ngân sách nhà nước cho
chương trình giảm nghèo bền vững.
Bộ trưởng Giàng Seo Phử còn đề nghị, bỏ khái niệm “cận nghèo” bởi ranh giới mong manh, có khi chỉ 1.000 đồng, với “hộ nghèo”.
Chốt lại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhìn nhận, các văn bản
hiện nay đúng là chưa mang tính hệ thống dẫn đến việc khó triển khai
thực hiện, khó cho cả người dân. Thậm chí, có chính sách còn cào bằng,
chưa phù hợp với thực tế, đặc điểm, tập quán từng vùng.
Ông đề nghị các thành viên ban chỉ đạo, các bộ ngành thống nhất về quan
điểm để làm sao thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện một cách bền
vững. Các chính sách cần khẩn trương được rà soát để đề xuất, tối giản
số lượng văn bản; đồng thời có tiêu chí để phân biệt được hộ nghèo, cận
nghèo, thoát nghèo. Từ đó, tiến hành cho vay, hỗ trợ hay bảo trợ xã hộ.
“Điều quan trọng là phải khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo và
tạo điều kiện cho họ về vốn, tư liệu sản xuất, hỗ trợ về đào tạo”, Phó
thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2%
(năm 2010) xuống còn 11,76% (2011) và 9,6% (2012), ước thực hiện năm
2013 là 7,6-7,8%.
Năm 2012, trên cả nước, tỷ lệ số hộ nghèo cao nhất tập trung ở khu
vực miền núi Tây Bắc với trên 28%, tiếp đó là miền núi Đông Bắc (17,4),
Tây Nguyên và Khu 4 cũ 15%. Khu vực Đông Nam Bộ chỉ có khoảng 1,3% hộ
nghèo.
|
Nguyễn Hưng
No comments:
Post a Comment