|
Túi ni lông khó phân hủy vẫn được sử dụng phổ biến tại các chợ hiện nay. Ảnh: Mạnh Tùng |
(TBKTSG Online) – Lượng túi ni lông tiêu thụ tăng theo từng năm mặc dù nó đã bị đánh thuế cao từ năm 2012.
Đây là thông tin tại cuộc tọa đàm “Giảm sử dụng túi ni lông: khó khăn và giải pháp” do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND quận 5, TPHCM tổ chức chiều 7-8.
Trao đổi với TBKTSG Online, bà Ngô Nguyễn Ngọc Anh, Phó giám đốc Qũy Bảo vệ môi trường TPHCM cho biết, theo một nghiên cứu mới nhất của quỹ này tại TPHCM, mỗi ngày thành phố sử dụng đến 9 triệu túi ni lông khó phân hủy, tương đương với 50-70 tấn, từ các hệ thống chợ, siêu thị. Đáng chú ý là lượng túi ni lông này tăng theo từng năm mặc dù Luật Thuế bảo vệ môi trường đã có hiệu lực từ 1-1-2012.
Bà Ngọc Anh cho biết, theo luật này, mỗi ki lô gam túi ni lông khó phân hủy sẽ chịu 40.000 đồng tiền thuế. Thông thường, loại túi ni lông khó phân hủy được bán với giá 30.000 đồng/ki lô gam, nếu tính cả tiền thuế bảo vệ môi trường và thuế gái trị gia tăng thì giá túi ni lông hiện nay phải trên 70.000 đồng/ki lô gam.
Tuy nhiên, giá túi ni lông này được bán ở các chợ vẫn phổ biến trên dưới 30.000 đồng/ki lô gam vì nhiều doanh nghiệp sản xuất loại hàng này không đóng thuế bảo vệ môi trường.
Đại diện của nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là sự không sòng phẳng trên thị trường túi ni lông hiện nay và họ cho rằng, cơ quan thuế làm chưa nghiêm chuyện thu thuế bảo vệ môi trường.
Nghịch lý này đã dẫn đến việc các tiểu thương, người dân không mặn mà với việc sử dụng túi thân thiện với môi trường theo vận động của nhà nước trong thời gian qua. Họ vẫn chọn loại túi ni lông khó phân hủy được bán với giá rẻ hơn và vốn quen thuộc từ lâu nay.
Còn ông Lê Sanh Mỹ, đại diện Công ty Cổ phần bao bì Vafaco (quận 8) cho biết, doanh nghiệp của ông sản xuất kinh doanh túi ni lông thân thiện môi trường. Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường thì đây là sản phẩm không phải đóng thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi luật có hiệu lực ngày 1-1-2012, doanh nghiệp này vẫn phải đóng mức thuế 40.000 đồng/ki lô gam theo trong gần 1 năm mới được miễn thuế.
Đại diện Cục Thuế TPHCM cho rằng, sở dĩ có trường hợp này là vì luật hiện hành chưa nói rõ thời gian nào được áp dụng miễn thuế cho các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường sau khi được cấp chứng nhận sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết tại TPHCM hiện có 11 doanh nghiệp đang sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường. Tuy nhiên, bà Mỹ cho rằng, rất ít người dân biết đến các sản phẩm này cũng như cách thức phân biệt được túi ni lông khó phân hủy và túi ni lông thân thiện với môi trường vì việc phổ biến thông tin vẫn chưa tốt.
No comments:
Post a Comment