Thursday, August 7, 2014

Khốn khổ đòi tiền bán cá

Không chỉ đối mặt với tình trạng giá cả lên xuống thất thường, nhiều người nuôi cá tra ở ĐBSCL còn phải chạy vạy trả lãi ngân hàng do doanh nghiệp mua cá luôn tìm cách trốn nợ

Sáu tháng qua, ông Lưu Văn Lợi - một người nuôi cá tra ở xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang - phải tất tả ngược xuôi đi đòi nợ doanh nghiệp (DN) mua cá tra của ông. Đầu tư vốn rất lớn để nuôi cá nhưng người mua trả tiền như kiểu bố thí làm ông nản lòng.

Đòi nợ khổ hơn... nuôi cá

Ông Lợi cho biết đầu năm 2014, ông bán cá tra nguyên liệu cho Công ty CP An Xuyên (gọi tắt là Công ty An Xuyên, trụ sở đóng tại phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) với tổng số tiền hơn 4 tỉ đồng. Sau nhiều lần trả tiền dây dưa, đến nay công ty này vẫn còn “ngâm” của ông hơn 800 triệu đồng. “Họ cứ trả lần hồi như thế thì tôi lấy đâu ra vốn để tái đầu tư. Nuôi cá đã khổ, đến khi đi đòi nợ còn khổ hơn nhiều lần” - ông Lợi ngao ngán.

Người nuôi cá tra ở ĐBSCL không chỉ đối diện với tình trạng giá cả bấp bênh mà còn bị doanh nghiệp 
thiếu nợ dây dưa Ảnh: THỐT NỐT
Người nuôi cá tra ở ĐBSCL không chỉ đối diện với tình trạng giá cả bấp bênh mà còn bị doanh nghiệp thiếu nợ dây dưa Ảnh: THỐT NỐT

Cùng hoàn cảnh, ông Dương Văn Thành - ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang - cho biết cách nay gần một năm, ông cũng bán cá tra cho Công ty An Xuyên với tổng số tiền hơn 4 tỉ đồng. Sau khi ký hợp đồng với giá cao hơn thị trường khoảng 10.000 đồng/kg, phía công ty ứng trước cho người bán 30% và sẽ thanh toán dứt điểm số tiền còn lại trong vòng một tháng sau khi bắt cá. Tuy nhiên, gần một tháng sau khi cá được mang đi, phía công ty chỉ trả cho ông Thành 450 triệu đồng. Ông Thành liên tục gọi điện đến ông Lưu Trừ (tự A Xẻn), Giám đốc Công ty An Xuyên, nhưng ông Trừ không nghe máy.

Ông Thành kể: “Quá bức xúc, tôi dọa sẽ đến đập phá công ty thì ông Trừ mới chịu nghe điện thoại của tôi và năn nỉ cho gia hạn thời gian trả nợ. “Công ty cam kết trả nợ với tôi 2 lần rồi mà đến nay vẫn chưa thực hiện. Lần cuối, công ty hẹn vào ngày 30-8 sẽ trả dứt nợ nhưng thú thật, tôi không dám tin tưởng vào lời hứa này” - ông Thành hoài nghi.

Còng lưng trả lãi ngân hàng

Suốt nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Khi - ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang; ông Trần Công Minh - ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ và ông Phạm Văn Long - ngụ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang - vác đơn đi khắp nơi để tố cáo việc Công ty TNHH Hải sản An Phương (do ông Nguyễn Văn Bổn làm giám đốc) cố tình không thanh toán số tiền mua cá hàng chục tỉ đồng nhưng chẳng nơi nào giải quyết. Hậu quả, mỗi tháng những nông dân này phải còng lưng trả lãi ngân hàng hàng chục triệu đồng. Ông Minh cho biết: “Tôi nhiều lần bỏ công ăn việc làm, lên trụ sở công ty ở quận 3, TP HCM để “rình” ông Bổn đòi nợ nhưng chẳng bao giờ gặp được. Mấy nhân viên của công ty cứ hẹn sẽ báo cáo lại cho ông Bổn nhưng chẳng thấy ông xuất hiện, điện thoại thì luôn trong tình trạng khóa máy”.

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, cho biết hiện nay có nhiều DN nợ tiền mua cá tra của người nuôi bình quân khoảng 6 tháng. Thậm chí có DN chây ì đến 2-3 năm. Do đặc thù của cá tra là đến lứa phải bán nên bị DN lợi dụng ép giá hoặc mua thiếu trong thời gian dài. Đặc biệt, khi DN xây dựng được vùng nuôi riêng thì tình trạng này càng phổ biến. Nhiều DN còn chấp nhận bán cá tra phi lê hòa vốn hoặc dưới giá thành để có tiền đáo nợ ngân hàng.

“Việc DN mua thiếu và dây dưa trả nợ cho nông dân hiện đã thành lệ khi mà ngành cá tra có dấu hiệu xuống dốc từ năm 2008 đến nay. Công bằng mà nói, người nuôi cá cũng có phần lỗi vì họ chưa thật sự tin tưởng vào những khuyến cáo của hiệp hội mà chỉ nghe thông tin từ các DN về giá cả, thị trường… Cũng có lúc DN đưa ra giá ảo để dụ nông dân đầu tư vào thả nuôi. Một khi sản lượng cá nguyên liệu tăng cao thì người nuôi phải tự tìm người mua nên rất dễ bị ép giá hoặc bị trả tiền chậm” - ông Bình chia sẻ.

Không thi hành án
Tháng 3-2012, tại phiên xử phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ đã tuyên Công ty TNHH một thành viên Thiên Lộc Phát (trụ sở đặt tại TP Cần Thơ) phải trả hơn 600 triệu đồng tiền mua cá (cả lãi lẫn gốc) cho Công ty TNHH Thủy sản AFA (trụ sở đặt tại An Giang). Tuy nhiên, cho đến nay, phía Công ty TNHH một thành viên Thiên Lộc Phát vẫn cố tình phớt lờ trách nhiệm trả nợ, dù đã có quyết định thi hành án.

Thứ Năm, 22:16  07/08/2014
 Thốt Nốt - Phạm Công

No comments:

Post a Comment