(Baodatviet) - Việc Mỹ và Trung Quốc “đối đầu” tại một hội nghị của ASEAN vào cuối tuần này liệu có phải là một vở kịch?
Giới phân tích đang đồn đoán về một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào ngày 10/8 tới, trong đó vấn đề Biển Đông sẽ là chủ đề nóng.
Dàn trận hay diễn kịch?
ARF được tổ chức cùng với hàng loạt hội nghị quan trọng khác của ASEAN từ ngày 5-10/8 tại Nay Pyi Taw, Myanmar. ARF có sự tham gia của 27 quốc gia, gồm 10 nước ASEAN và 17 quốc gia trên thế giới, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản…
Giới phân tích dự đoán, Biển Đông chắc chắn sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự. Đặc biệt, cả Mỹ và Trung Quốc đều có những động thái “dàn trận” nhằm khẳng định lập trường, gây thanh thế trước thềm hội nghị.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng và sẵn sàng đâm va vào tàu Việt Nam hồi tháng 5/2014 |
Thời gian qua, Trung Quốc đã có một loạt hành động ngang ngược và mang tính khiêu khích trên Biển Đông. Có thể kể ra một vài ví dụ như việc đẩy mạnh xây dựng các công trình trên các đảo, bãi đá mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam hay ngăn cản tàu tiếp tế của Philippines.
Đáng báo động nhất là vụ Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không ngần ngại huy động một đội tàu hùng hậu hơn 100 chiếc đi theo bảo vệ, liên tục dùng các biện pháp thô bạo như đâm va, phun vòi rồng, để ngăn cản tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
Cùng với nhiều nước, Mỹ đã và đang lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc. Tại ARF lần này, Mỹ được cho là sẽ vận động gây áp lực đòi Trung Quốc dừng các công trình xây dựng, cải tạo trên Biển Đông, tránh những hành vi khiêu khích gây mất ổn định.
Người trực tiếp theo dõi hồ sơ Biển Đông tại Bộ Ngoại giao Mỹ là ông Daniel Russel - Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương cho biết Ngoại trưởng John Kerry sẽ đích thân thúc đẩy đề nghị này tại cuộc họp của ARF vào ngày 10/8.
Chiến lược ngoại giao của Washington lần này nhận được sự hậu thuẫn gần như tuyệt đối của Quốc hội Mỹ. Nghị quyết tố cáo Trung Quốc đã được Thượng viện nhất trí thông qua, trong khi một nghị quyết ủng hộ các nỗ lực của chính quyền dự kiến cũng sẽ sớm được thông qua tại Hạ viện.
Giới nghiên cứu và học giả cũng đã nhập cuộc, với một loạt khuyến nghị được trung tâm nghiên cứu CSIS tại Washington chuyển lên cho chính quyền Mỹ, tập hợp các ý kiến đa phần là phê phán Trung Quốc, từng được nêu lên trong một cuộc hội thảo gần đây.
Đáp lại sự “tấn công” của Mỹ, Trung Quốc đã đưa ra những phản ứng hết sức tiêu cực, thậm chí được đánh giá là “bất cần lý lẽ”.
Theo Reuters, ngày 4/8, ông Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã công khai nói với báo chí rằng Trung Quốc có quyền xây dựng bất cứ cái gì trên các hòn đảo tại Biển Ðông. Lý do mà nhân vật này đưa ra không có gì mới khi khăng khăng đòi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông này cũng không phủ nhận việc Trung Quốc đang xúc tiến các công trình trên Biển Đông với cái cớ rằng các nước khác cũng có những chương trình xây dựng tương tự từ nhiều năm nay.
Trông chờ gì từ ASEAN?
Không phủ nhận trọng lượng nhất định từ các tuyên bố của Mỹ song không nên quá kỳ vọng tiếng nói của Mỹ có thể chặn đứng các hành động của Trung Quốc. Có ý kiến thậm chí còn cho rằng Trung Quốc đẩy nhanh việc “cưỡng chiếm” Biển Đông chính là để đối đầu với chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Không kỳ vọng vào vai trò của Mỹ, vậy có thể trông chờ vào ASEAN? Hẳn là rất khó!
Thực tế cho thấy ASEAN chưa thể (hay không thể) đạt được sự đồng thuận trong cuộc “đối đầu” với Trung Quốc. Một ví dụ điển hình thường được giới phân tích dẫn ra nhằm minh chứng cho sự thiếu đoàn kết của ASEAN là vào tháng 7/2012, tại một hội nghị ở Phnom Penh (Campuchia), lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, các nước ASEAN không thể thông qua một tuyên bố chung. Campuchia, với tư cách là nước giữ ghế chủ tịch ASEAN khi đó, đã ngăn cản việc thảo luận các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Quốc kỳ 10 nước ASEAN |
Tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 11/5 vừa qua tại Myanmar, ASEAN cũng không thể đưa ra một thông cáo chung để có thể lên án mạnh mẽ hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo giới phân tích, thay vào đó, ASEAN chỉ đưa ra được một thông cáo chung chung, bày tỏ mối quan ngại về diễn biến tình hình trên Biển Đông, kêu gọi các bên tự kiềm chế, không đe dọa hoặc dùng vũ lực và nên giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Bản thông cáo thậm chí không nêu tên quốc gia nào, kể cả Trung Quốc.
Giới nghiên cứu hoàn toàn có cơ sở để đưa ra nhận định rằng: “Nhiều nước Đông Nam Á ngần ngại thách thức Trung Quốc, bởi vì đây là đối tác thương mại hàng đầu và là nhà tài trợ lớn nhất đối với các quốc gia như Campuchia và Lào”.
Tiêu biểu là trường hợp của Campuchia. Thủ tướng Hun Sen trong chuyến thăm kéo dài một tuần tới Trung Quốc hồi tháng Năm vừa qua đã được Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết viện trợ và cho vay tổng cộng 145 triệu USD. Chính ông Hun Sen là người không ít lần tuyên bố rằng tranh chấp chủ quyền Biển Đông chỉ có thể được giải quyết giữa các quốc gia có liên quan. Đây cũng chính là chủ trương của Bắc Kinh.
Trò chơi lợi ích của các nước lớn
Trở lại với vai trò của Mỹ trong khu vực. Đúng là Mỹ đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về “sự trở lại” của mình, tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác với các nước xung quanh Trung Quốc. Tất cả đang tạo ra một cảm giác “ngột ngạt” rằng tình hình khu vực nóng lên từng ngày với cuộc "đối đầu Mỹ-Trung” gay gắt. Lời qua tiếng lại cùng với những cuộc tập trận rầm rộ, bố trí vũ khí, sản xuất tên lửa…làm nảy sinh không ít đồn đoán về khả năng xảy ra xung đột, thậm chí chiến tranh giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này.
Tuy nhiên, cần phải tỉnh táo để quan sát và nhận ra tính “kịch” trong những lời nói và hành động của cả Mỹ và Trung Quốc.
Sự cạnh tranh Trung-Mỹ là một thực tế, nhưng như vậy không có nghĩa cứ cạnh tranh thì phải đối đầu hay hủy diệt lẫn nhau. Chẳng thiếu trường hợp các đối thủ vẫn hợp tác “làm ăn” và thậm chí duy trì mối quan hệ đó rất lâu dài, miễn là có lợi.
Mỹ-Trung cạnh tranh và hợp tác |
Có một thực tế mà ít người để ý (hoặc cố tình không để ý) là quan hệ Mỹ-Trung vẫn tiếp tục phát triển bất chấp những tranh cãi “lặt vặt”, từ vấn đề tin tặc, cho tới gián điệp hay kiện cáo nhau ở WTO.
Báo cáo mới đây nhất của một cơ quan thuộc Quốc hội Mỹ về quan hệ kinh tế giữa hai nước cho thấy kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-Trung đã tăng từ mức 2 tỷ năm 1979 lên 562 tỷ USD vào năm 2013. Trung Quốc đang tạo ra một thị trường trị giá tới 300 tỷ USD cho các doanh nghiệp Mỹ. Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với 1.300 tỷ USD trái phiếu chính phủ.
Ngoài kinh tế, hai nước cũng có những bước phát triển về quan hệ ngoại giao, quân sự…Hai nước đã tiến hành 6 vòng đối thoại kinh tế và chiến lược, thường xuyên trao đổi các chuyến thăm viếng cấp cao…
Một ví dụ điển hình cho “sự thỏa hiệp” giữa Mỹ và Trung Quốc chính là hành động của Mỹ sau khi Trung Quốc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013. ADIZ bao trùm cả quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Mặc dù đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về việc “bảo vệ” đồng minh Nhật Bản nhưng chuyến công du Đông Á chỉ 10 ngày sau đó của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chứng minh điều ngược lại.
Tại điểm dừng chân đầu tiên là Nhật Bản, ông Biden đã thể hiện khoảng cách với nước chủ nhà khi không đồng ý ra một tuyên bố chung về vấn đề ADIZ, và cũng không kêu gọi Trung Quốc hủy bỏ ADIZ như Nhật Bản mong muốn.
Khi tới Bắc Kinh, ông Biden cũng hạn chế đề cập tới ADIZ khi bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác Trung-Mỹ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Trong chuyến thăm này, ông Biden đã nhắc lại hy vọng của Mỹ về việc xây dựng "một mô hình quan hệ nước lớn mới" với Trung Quốc, điều mà sau đó được cả Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần nhắc lại.
Khi đó, ông Biden nói rằng giới lãnh đạo Mỹ không tin sự cạnh tranh đó sẽ dẫn tới xung đột, rằng phía Mỹ chấp nhận ý tưởng "mô hình quan hệ mới".
Về phần mình, ông Tập Cận Bình đã dành hơn 5 giờ đồng hồ để trao đổi với ông Biden, một minh chứng cho sự “thân mật” giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ.
Thời gian qua, có không ít đồn đoán rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang các hành động phi pháp trên Biển Đông bằng cách thiết lập ADIZ tại đây. Vậy, hãy tưởng tượng Mỹ sẽ làm gì và làm được gì ngoài việc “bày tỏ quan ngại”, “kêu gọi kiềm chế”…Lịch sử đã cho thấy hai nước lớn này sẵn sàng thỏa hiệp với nhau trên đầu các nước khác!
Đông Triều
No comments:
Post a Comment