Thứ Năm, 22:52 07/08/2014
Người tiêu dùng hiện không thể phân biệt đâu là sản phẩm bổ sung chất dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, đâu là sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi bởi sự nhập nhèm trong nhãn mác cũng như quảng cáo
Quy định áp giá trần với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có hiệu lực nhưng việc quản lý giá nhóm hàng thiết yếu này những cơ quan quản lý vẫn kêu khó bởi sữa và các sản phẩm tương tự sữa liên tục được đăng ký thay đổi mẫu mã.
“Ma trận” bổ sung - thay thế
Chị Mai Hương (ngụ quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết chị có nhu cầu nuôi con bằng sữa ngoài thay thế hoàn toàn sữa mẹ nhưng rất phân vân khi quyết định chọn loại sữa phù hợp. “Tôi được biết có 2 dòng sữa dành cho trẻ sơ sinh, một loại có thể thay thế hoàn toàn sữa mẹ, một loại chỉ bổ sung chất dinh dưỡng. Nhưng hầu như các sản phẩm sữa được bày bán không phân biệt rõ 2 loại này để người mua chọn lựa. Các đoạn phim quảng cáo trên truyền hình cũng chỉ nói chung chung sản phẩm dành cho độ tuổi nào mà không nêu rõ là sản phẩm bổ sung hay thay thế” - chị Mai Hương phản ánh.
Người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là sữa đâu là thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung...
Thực tế, ngoài việc “nhập nhèm” giữa sản phẩm bổ sung chất dinh dưỡng với sản phẩm thay thế sữa mẹ, các hãng sữa còn không hề kiệm lời trong việc quảng cáo quá mức công dụng của sữa. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng thực tế các dòng quảng cáo về công dụng sản phẩm trên hộp sữa đã gây hiểu nhầm cho các bà mẹ về việc có thể hay không dùng thay thế hoàn toàn sữa mẹ. “Yêu cầu sản phẩm hàng hóa phải công bố đúng nhãn đã có rồi nhưng doanh nghiệp có hàng trăm ngàn cách để lách luật và thực tế đã diễn ra. Không chỉ nhập nhèm trong tên gọi sản phẩm mà nhiều hãng sữa sẵn sàng thay tên đổi họ, thêm một vài vi chất để đăng ký lại sản phẩm của mình. Việc này hệ thống các siêu thị khi tiến hành hợp đồng mua hàng cũng không thể kiểm soát hết được mà cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ các bộ, ngành có trách nhiệm” - ông Phú nói.
Đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cho biết cơ quan QLTT hiện đang quản lý, giám sát các sản phẩm sữa theo tem nhãn và theo quy định áp giá trần của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, với việc mập mờ khái niệm các sản phẩm thì cần các cơ quan liên bộ tích cực làm rõ, quản lý ngay từ khâu đăng ký sản phẩm và có chế tài quản lý nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Tuy vậy, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, khẳng định với sản phẩm sữa, cũng như sản phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung, nếu doanh nghiệp có bất cứ sự thay đổi nhỏ nào về hàm lượng, thành phẩm đều phải công bố lại sản phẩm. Trường hợp sản phẩm thay đổi mẫu mã, quy cách nhãn sản phẩm, theo quy định, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo bằng văn bản và xác nhận lại nhãn sản phẩm. Việc công bố sản phẩm là sữa thuộc diện bình ổn giá hay mặt hàng không thuộc danh mục bình ổn giá đều dựa vào các quy định kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột và dạng lỏng. Một trong những chỉ tiêu quan trọng để quy định sản phẩm sữa dạng bột là hàm lượng protein trong sữa không nhỏ hơn 34%.
Không dễ chống lách luật
Trước lo ngại của dư luận rằng khi quy định cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ lách luật bằng cách “thay tên đổi họ” thành sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn bổ sung, Bộ Y tế cho biết những sản phẩm này đều thuộc diện cấm quảng cáo. Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, sản phẩm thay thế sữa mẹ bao gồm 2 dòng: sản phẩm dinh dưỡng công thức (dạng lỏng hoặc bột) được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (infant formula) và sản phẩm để sử dụng trong giai đoạn ăn bổ sung cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi (follow up formula). Để tránh tình trạng lách luật, các sản phẩm dinh dưỡng công thức khác có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bột hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp được trình bày hoặc giới thiệu là phù hợp dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (ngoại trừ những thức ăn bổ sung trong cơ cấu dinh dưỡng cho trẻ trên 6 tháng tuổi).
“Hiện Bộ Y tế đang hoàn chỉnh dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ để trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Khi nghị định có hiệu lực, các sản phẩm nói trên sẽ bị cấm quảng cáo. Quy định này sẽ siết chặt hơn việc quản lý các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, hạn chế sự tác động của các công ty sữa đến các bà mẹ, khuyến khích và bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ” - ông Quang khẳng định.
Việc cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi có thể sẽ kéo giảm giá sữa bởi khi bớt đi một khoản chi phí lớn để quảng cáo thì giá thành sữa cũng giảm theo (!).
Ngọc Dung - Thùy Dương
No comments:
Post a Comment