Thursday, August 7, 2014

Rùng mình trước dịch Ebola


Thứ Năm, 22:52  07/08/2014

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang họp tại Geneva - Thụy Sĩ để bàn về cách phản ứng trước dịch bệnh Ebola đang hoành hành ở Tây Phi.

Cuộc họp kéo dài 2 ngày 6 và 7-8 cũng sẽ quyết định liệu có nên công bố dịch Ebola là mối “đe dọa khẩn cấp trên toàn cầu” hay không.
Cuộc họp diễn ra giữa lúc các nhân viên y tế Tây Phi khẩn khoản yêu cầu giúp đỡ để kiềm chế sự bùng phát dịch Ebola tệ hại nhất thế giới đã cướp đi sinh mạng của 932 người và trong một diễn biến mới nhất, Liberia tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 90 ngày. “Chính phủ và nhân dân Liberia đòi hỏi những biện pháp đặc biệt vì sự tồn tại của đất nước và vì sự sống của người dân” - Tổng thống Liberia Ellen Johnson-Sirleaf kêu gọi trong một tuyên bố chính thức. Liberia cũng đóng cửa một bệnh viện lớn, nơi một số nhân viên đã bị nhiễm bệnh, trong đó có một linh mục Tây Ban Nha.
WHO cho biết sẽ yêu cầu các chuyên gia y tế điều nghiên việc sử dụng khẩn cấp các phương pháp điều trị thực nghiệm để ngăn chặn căn bệnh lây lan rất nhanh này sau khi một loại thuốc thử nghiệm đã được cung cấp cho 2 nhân viên từ thiện Mỹ bị nhiễm bệnh ở Liberia.
Các hệ thống chăm sóc y tế sơ khai của Tây Phi đã tràn ngập người bệnh. Liberia và Sierra Leone đã phải triển khai quân đội ở những vùng dịch bệnh bùng phát tận vùng biên giới xa xôi để ngăn chặn sự lây lan của virus. Thậm chí, Walter Lorenzi, người đứng đầu tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) ở Sierra Leone, phải thốt lên với vẻ thất vọng: “Sự bùng phát dịch là chưa từng có và đã vượt khỏi tầm kiểm soát”.
Độ vang báo động của thế giới về sự lây lan của virus tăng lên khi một công dân Mỹ là Patrick Sawyer đã chết ở Nigeria hồi tháng trước sau khi từ Liberia bay đến đó. Nhà chức trách hôm 6-8 nói rằng một điều dưỡng viên Nigeria từng chăm sóc cho Sawyer cũng đã tử vong vì Ebola. “Đất nước chúng tôi đang trong tình trạng khẩn cấp và thế giới đang bị đe dọa. Không ai miễn dịch cả. Kinh nghiệm ở Nigeria báo động với thế giới rằng chỉ cần một người đi máy bay đến một nơi thì nơi đó bắt đầu phát dịch” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nigeria nói với hãng tin Reuters sau một cuộc họp nội các hằng tuần ở Abuja.
Đáng lo ngại hơn khi tại Ả Rập Saudi, một người đàn ông nghi nhiễm Ebola trong thời gian đến Sierra Leone công tác đã tử vong hôm 6-8 ở Jeddah, theo Bộ Y tế nước này. Ả Rập Saudi cũng tạm ngưng cấp thị thực hành hương từ các nước Tây Phi và điều này có thể ngăn cản dòng người muốn đến thăm thánh địa Mecca vào đầu tháng 10 tới...
Rõ ràng, tình hình lây lan dịch bệnh Ebola đang diễn biến rất phức tạp. Tại Việt Nam, tuy chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào song không thể chủ quan bởi các con đường mà dịch Ebola có thể xâm nhập vào nước ta là không ít. Trong đó, hai khả năng dễ xảy ra nhất là từ người Việt Nam công tác, lao động, đi du lịch từ nước ngoài về và từ công dân nước ngoài nhập cảnh nước ta. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cao, cấp bách về tổ chức phối hợp, giám sát, phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh này trên phạm vi cả nước, đặc biệt là ở các đô thị lớn.
Cao Tuấn

No comments:

Post a Comment