Thursday, August 7, 2014

Chắt chiu tiền của dân


Thứ Năm, 22:53  07/08/2014

Nguồn vốn cho đầu tư công sẽ không phân bổ theo từng năm mà sẽ giao trọn gói 5 năm

Ngày 7-8, tại TP Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; triển khai Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu.
Chặn đầu tư tràn lan, dàn trải
Tại hội nghị, nhiều đại biểu than phiền kế hoạch đầu tư hằng năm đang thực hiện đã gây nhiều khó khăn, như dàn trải, tốn kém, không hiệu quả. Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho biết phần đầu tư công từ ngân sách nhà nước chi cho ngành công thương rất thấp, chỉ từ 200-300 tỉ đồng/năm. “Vốn đầu tư đã ít, cách phân bổ lại không hợp lý dẫn đến chúng tôi không chủ động trong nguồn vốn và đầu tư dàn trải. Đề nghị có kế hoạch để phân bổ vốn hiệu quả hơn” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kiến nghị.
Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao của hội nghị Ảnh: BÍCH VÂN
Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao của hội nghị Ảnh: BÍCH VÂN
Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đồng tình với kế hoạch đầu tư công trung hạn vì sẽ giúp các địa phương nắm được nguồn vốn của những năm tới để chủ động chi tiêu. Đồng quan điểm, ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng nếu kế hoạch trung hạn thực hiện tốt sẽ hạn chế việc phê duyệt dự án tràn lan, thiếu định hướng ở địa phương. Ông Hùng viện dẫn mỗi xã, quận, huyện tự phê duyệt dự án và trình kế hoạch vượt nhiều so với mức vốn được phân bổ. Đơn cử như trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới, có xã phê duyệt danh sách 900 người đi học nấu ăn, một nhà văn hóa lẽ ra được xây dựng với kinh phí 350 triệu  đồng thì có xã đưa kế hoạch đến 10 tỉ đồng…
Chỉ ưu tiên vốn cho các công trình thiết yếu
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh Luật Đầu tư công quy định nếu năm nay không sử dụng hết thì được quyền sử dụng thêm 1 năm nữa và trong 5 năm không sử dụng quá số tiền đầu tư. Khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, nhà nước sẽ không bố trí một nguồn vốn để thanh toán nợ vượt quá mức đầu tư, tức là có bao nhiêu tiền thì đầu tư bấy nhiêu, không được phát sinh thêm.
Theo ông Vinh, cách làm này không mới với quốc tế nhưng từ khi thành lập nước đến nay, đây là lần đầu tiên nước ta chuyển cách làm kế hoạch từ hằng năm sang 5 năm. “Phải sử dụng đồng tiền của người dân, tiền chúng ta chắt chiu được, tiền vay từ nước ngoài một cách hợp lý, hiệu quả hơn” -  ông Vinh nói.
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cao ý nghĩa tích cực của kế hoạch đầu tư công trung hạn vì “sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, chủ động chuẩn bị đầu tư; lựa chọn các ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải, xin - cho, thậm chí tiêu cực”.
Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư công sẽ khắc phục được đầu tư dàn trải và những phiền hà, rắc rối từ hằng năm, các bộ, ngành, địa phương phải xin vốn bổ sung cho dự án. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tính toán nguồn ngân sách để bảo đảm cho kế hoạch đầu tư trung hạn từ nguồn ngân sách địa phương lẫn trung ương, trái phiếu và vốn ODA.
Nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 chỉ ở mức khiêm tốn với mức tăng khoảng trên dưới 10%/năm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa 13,5%-14% và ngày càng giảm trong cơ cấu tổng đầu tư toàn xã hội. Theo Thủ tướng, tốc độ tăng vốn này thấp so với nhu cầu đầu tư trong giai đoạn tới, do đó vốn đầu tư công sắp tới sẽ chỉ tập trung cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, những công trình quan trọng thiết yếu phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế và đời sống của người dân. “Không còn cách nào khác là chúng ta phải tăng đầu tư toàn xã hội thông qua huy động mọi nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
Cũng theo Thủ tướng, hiện tại có 16 chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2016-2020 cần định hướng đầu tư trung hạn đối với 2 chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và nông thôn mới. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, cần giảm chi tiêu để cân đối ngân sách. 
Loại bỏ cách tính GRDP “không giống ai”!
Phát biểu chỉ đạo nội dung về cách tính, công bố chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu rà soát kỹ, tính toán lại chỉ tiêu GRDP của các tỉnh, thành trực thuộc trung ương, bảo đảm đủ độ tin cậy, phản ánh sát thực tình hình của từng địa phương. Khẩn trương xây dựng đề án chuyển đổi quy trình biên soạn số liệu GRDP cho các tỉnh, thành trực thuộc trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi sát, nắm chắc tình hình, năng lực sản xuất của địa phương để xây dựng mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cách tính GRDP của các tỉnh, thành tại Việt Nam hiện nay không thực tế và không giống ai. “Phải tính theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, bảo đảm chính xác, sát thực tế. Cách tính này chắc chắn sẽ làm giảm các con số thống kê GRDP của các địa phương nhưng chúng ta cần những con số thật” - Thủ tướng nhấn mạnh.
GRDP là chỉ tiêu kinh tế rất quan trọng, là cơ sở để xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng miền, địa phương, bảo đảm cân đối chung cả nước. Trong khi đó, tổng hợp kết quả tính toán chỉ tiêu GRDP của các địa phương thường gấp trên 1,5-2 lần so với tốc độ tăng GDP của cả nước.

BÍCH VÂN - THẾ DŨNG

No comments:

Post a Comment